Thần tượng Kpop qua thời chỉ là những con rối

Ca NhạcChủ Nhật, 30/04/2023 11:49:54 +07:00

Các công ty đóng vai trò quan trọng để tạo nên thành công cho nhóm nhạc. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Fifty Fifty chứng minh nghệ sĩ đang dần có tiếng nói.

Mới đây, 4 cô gái Fifty Fifty nhận được sự chú ý trên toàn cầu và trở thành nhóm nhạc lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100 nhanh nhất Kpop. Đặc biệt, nhóm nhạc đến từ công ty nhỏ mà nhiều khán giả thậm chí không biết tới. Từ trường hợp của Fifty Fifty, Korea JoongAng Daily và giới chuyên môn đưa ra cuộc thảo luận về việc giữa nghệ sĩ với công ty quản lý, ai là người có tiếng nói lớn hơn ở Kpop.

Lợi thế “ngậm thìa vàng”

Đối với một số người, câu hỏi này hóc búa và phức tạp không kém câu hỏi triết học “con gà hay quả trứng có trước”. Xuyên suốt lịch sử ba thập kỷ của Kpop, ngành công nghiệp thường chứng kiến sự thành công của những nhóm nhạc đến từ công ty lớn.

Fifty Fifty chỉ bán được 1.500 bản trong tuần đầu tiên khi phát hành sản phẩm The Fifty (2022). Đáng nói, sản phẩm này được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng. Fifty Fifty được quản lý bởi Attrakt, một công ty thuộc sở hữu của StarCrew Ent và thành lập chưa đầy hai năm.

Mặt khác, NMIXX ghi nhận doanh số bán album đầu tay cao nhất trong số các nhóm nhạc nữ Kpop. Nhóm đạt được 227.399 bản cho đĩa đơn Ad Mare (2022) chỉ trong vòng một tuần sau khi phát hành, bất chấp sản phẩm vấp phải rất nhiều ý kiến ​​trái chiều từ công chúng. Họ lọt vào bảng xếp hạng album Billboard 200 với EP mới nhất expégo nhưng không có mặt ở Billboard Hot 100. Billboard Hot 100 được đánh giá là bảng xếp hạng khó vào và quan trọng hơn.

NMIXX thậm chí nhận được 60.000 đơn đặt hàng trước khi chính thức ra mắt. Thời điểm đó, công chúng không biết bất cứ thông tin nào về NMIXX, thậm chí danh tính các thành viên. Tuy nhiên, mọi người vẫn sẵn sàng chi tiền đặt album chỉ vì họ tin tưởng vào khả năng tập hợp một nhóm nhạc nữ chất lượng cao của công ty. NMIXX và nhiều nhóm nhạc khác xuất thân từ công ty lớn vì thế thường được gọi là “ngậm thìa vàng”.

Trong khi đó, thành công của Fifty Fifty đánh dấu sự khởi đầu của một thế hệ Kpop mới, trong đó các quy tắc truyền thống của thị trường (như công ty càng lớn, cơ hội thành công của một nhóm nhạc Kpop càng cao) dần thay đổi. Các công ty nhỏ hơn đang tìm cách leo lên vị trí đầu tiên, trong khi nghệ sĩ cũng hướng đến việc hoạt động độc lập thay vì phụ thuộc.

Thần tượng Kpop qua thời chỉ là những con rối - 1

NMIXX có lượng album bán ra lớn ngay khi chưa hé lộ bất cứ thông tin nào về nhóm. Ảnh: JYP Entertainment.

Trái ngược với các ngôi sao nhạc pop Mỹ, hay thậm chí ngôi sao của bất kỳ quốc gia nào, nhóm nhạc Kpop không bao giờ tách khỏi công ty, đặc biệt các nhóm đến từ công ty lớn, niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc như HYBE, SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment...

Điều này phổ biến đến mức các chuyên gia thường so sánh Kpop với thế giới ôtô, nơi mà tên của những chiếc xe luôn đi kèm tên nhà sản xuất, như Ford, Lamborghini, Mercedes-Benz hay Hyundai.

Ở Hàn Quốc, họ không chỉ là công ty mà còn là giáo viên, phụ huynh và điều đó khiến họ không thể tách rời khỏi các ngôi sao. Mối quan hệ ràng buộc bắt đầu từ số tiền đầu tư khổng lồ mỗi công ty bỏ ra để thành lập một nhóm nhạc.

Trong vòng 3-5 năm hoặc nhiều hơn, một công ty chi hàng triệu, thậm chí hàng tỷ won, để chăm sóc những thanh thiếu niên, sau đó đào tạo họ trở thành thần tượng.

Ký túc xá nơi thực tập sinh ở là những ngôi nhà được các công ty thuê. Thức ăn, bài học về thanh nhạc và vũ đạo của thực tập sinh cũng do công ty chi trả. Ngoài ra, công ty có thể chi trả cả phí thẩm mỹ.

Chi phí để sản xuất một nhóm nhạc nữ được cho là ít nhất 300 triệu won (224.000 USD) mỗi thành viên, Korea JoongAng Daily chỉ ra. Nhóm nhạc nữ Loona thậm chí tiêu tốn của công ty quản lý 10 tỷ won.

Các công ty sẽ sử dụng doanh thu của thần tượng sau khi ra mắt để bù đắp vào chi phí giảng dạy, sinh hoạt trước đó. Thị trường nhạc pop phương Tây hoàn toàn ngược lại. Các nghệ sĩ được công ty chọn sau khi đã chứng minh tài năng và họ cần ít tiền đầu tư hơn.

Cũng bởi số tiền đầu tư quá lớn nên nhiều nhóm nhạc đi hát nhiều năm vẫn không được trả lương. Toàn bộ doanh thu họ kiếm được đều phải trả lại công ty. Ca sĩ Yuju, thành viên của nhóm nhạc nữ GFriend, cho biết cô nhận được khoản tiền lương đầu tiên sau hai năm kể từ khi ra mắt. Trong khi, cựu thành viên Momoland, Yeonwoo, mất ba năm mới được trả lương.

Mối quan hệ khó tách rời

Với bản chất là một vườn ươm, khó có thể loại trừ vai trò của công ty quản lý đối với sự thành công của một ngôi sao, không chỉ về tài chính mà cả mặt tinh thần.

Nhà phê bình âm nhạc Cha Woo Jin nhận định: “Thị trường Bắc Mỹ rộng lớn đến mức các công ty có thể kiếm được lợi nhuận mà không cần phải nỗ lực quá nhiều. Họ chỉ cần bán album hoặc vé xem concert. Nhưng ở Hàn Quốc, chỉ riêng doanh số bán album và vé concert là không đủ để bù đắp khoản đầu tư các công ty bỏ ra. Điều đó có nghĩa các công ty phải cố gắng tạo ra nhiều phương tiện khác để kiếm tiền”.

Đồng nghĩa, ở Kpop, công ty quản lý tất cả, từ đào tạo, lên ý tưởng, thực hiện sản phẩm tới kế hoạch ăn ngủ. Nhiều lần, thần tượng Kpop thậm chí bị coi như những con rối. Do đó, việc tách một ngôi sao khỏi công ty là điều không dễ dàng.

Tuy nhiên, thành công của BTS cũng cho thấy góc nhìn khác. Năm 2010, BTS ra mắt tại công ty nhỏ Big Hit Entertainment chỉ có 10 nhân viên. Khi đó, họ chỉ có thể tổ chức một buổi gặp gỡ fan ở địa điểm quy mô nhỏ vì không đủ khả năng thuê nơi lớn hơn.

Thần tượng Kpop qua thời chỉ là những con rối - 2

Thành công của BTS cho thấy các nhóm nhạc thần tượng cũng có ảnh hưởng lớn tới công ty quản lý. Ảnh: HYBE.

Từ 10/2017 khi ca khúc DNA đứng ở vị trí thứ 85 trên Billboard Hot 100, BTS bắt đầu viết nên lịch sử. BTS đã kiếm được rất nhiều tiền trong nửa đầu năm 2020, chiếm 87,7% doanh thu của Big Hit Entertainment, giúp công ty mua lại nhiều công ty nhỏ hơn và niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc vào ngày 15/10/2020. Đây cũng là tiền để để tập đoàn HYBE ra đời.

Nhưng hai năm sau, thông báo về việc BTS ngừng hoạt động nhóm đã khiến giá cổ phiếu của HYBE giảm 25%. Đây là một cú giáng mạnh khiến tập đoàn phải mất 8 tháng mới phục hồi.

Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun, BTS cho thấy giữa nghệ sĩ và công ty, không bên nào có thể tồn tại nếu thiếu bên kia. Nhưng trên thực tế, quyền lực của công ty quản lý vẫn rất quan trọng.

Các thần tượng thay đổi cuộc chơi

Môi trường truyền thông thay đổi đã mang đến một biến thể khác cho phương trình thành công của một nhóm nhạc Kpop.

Trái ngược với trước đây, khi các công ty nhỏ phải vật lộn để đưa ban nhạc của họ tham gia các chương trình truyền hình lớn, tiếp xúc với báo chí, hiện tại các nhóm nhạc này có thể tiến thẳng vào thế giới mạng.

Các công ty nhỏ thường có ít ngân sách. Nhưng các dịch vụ video dạng ngắn đã giúp họ giảm thiểu chi phí quảng cáo.

Cupid của Fifty Fifty là một ví dụ điển hình. Một đoạn trong phiên bản tiếng Anh được gọi là Twin Ver đã trở thành nguồn âm thanh được yêu thích trên mạng xã hội và thậm chí được gọi là “điệp khúc hay nhất năm 2023”.

Thần tượng Kpop qua thời chỉ là những con rối - 3

Fifty Fifty trở thành hiện tượng ở Kpop dù đến từ công ty nhỏ.

Mạng xã hội cũng giúp rapper kiêm nhà sản xuất ZICO làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc vào năm 2020 với ca khúc Any Song (2020). Sau đó, anh tự thành lập công ty KOZ Entertainment và được HYBE mua lại vào tháng 11/2020.

Các nghệ sĩ đang ngày càng thể hiện tài năng. Họ không chỉ là những thần tượng đơn thuần mà chủ động sáng tạo hơn trong công việc. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông đa dạng đóng vai trò như những sân khấu nhỏ để họ thể hiện tài năng trước khán giả.

Nhà phê bình âm nhạc Cha nói: “Cuối cùng điều đó cũng phải đến với nghệ sĩ. Âm nhạc đến với những người tạo ra âm nhạc. Người tiêu dùng muốn thấy những nhân vật độc đáo, hấp dẫn, có nhiều điều để kể hơn là chỉ một bài hát thành công. Đó không phải là thứ một công ty có thể tạo ra được”.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn