Thẩm phán nói gì về mức án dành cho hoa hậu Mỹ Xuân?

Pháp luậtThứ Bảy, 29/06/2013 08:02:00 +07:00

“Tòa đã vận dụng hết các tình tiết giảm nhẹ và xử dưới khung, mức án vậy là nhẹ so với quy định chung rồi” - thẩm phán Nguyễn Đức Sáu nói.

“Tòa đã vận dụng hết các tình tiết giảm nhẹ và xử dưới khung, mức án vậy là nhẹ so với quy định chung rồi” - thẩm phán Nguyễn Đức Sáu nói.

Một ngày sau phiên xử đường dây môi giới mại dâm liên quan đến hoa hậu Mỹ Xuân, tôi nhắn tin cho thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, chủ tọa phiên tòa này, rằng “Tòa xử hoa hậu nặng quá, anh Sáu ơi!”. Sau đó, ông Sáu đã có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh việc xét xử vụ án này.

mỹ xuân, thẩm phán, xử án, giảm nhẹ
Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu. Ảnh: PL

Hành vi môi giới rất đáng lên án

- Thưa ông, HĐXX đã cân nhắc thế nào mà tuyên mức án cao hơn mức án do VKS đề nghị?

Tôi đã đọc nhiều bài báo thông tin về phiên xử này và nhận thấy báo chí có sự nhầm lẫn. Phiên tòa này hoàn toàn không xét xử tội danh mua, bán dâm. Trong khi đó, báo chí nhắc nhiều đến hành vi bán dâm của các bị cáo. Ngay cả luật sư cũng nhầm lẫn chuyện này khi nêu chuyện bán dâm, mua dâm.

Đây là phiên xử xem xét trách nhiệm hình sự các bị cáo liên quan đến hành vi môi giới mại dâm. Hành vi này đáng lên án bởi các bị cáo là người trung gian giới thiệu người bán dâm gặp người mua dâm. Nếu sau này BLHS có bổ sung thêm điều luật để xử lý hình sự người mua dâm thì lúc đó mới bàn đến chuyện truy cứu trách nhiệm đối với họ. Còn hiện tại, chỉ lên án họ về mặt đạo đức và xử phạt hành chính họ thôi.

Cứ cho rằng VKS đề nghị đã chuẩn rồi thì HĐXX vẫn độc lập và có quyền đưa ra phán quyết. Ở đây tôi muốn nói riêng bị cáo Mỹ Xuân có hai tình tiết định khung tăng nặng là môi giới nhiều lần, đối với nhiều người. Chỉ cần một tình tiết tăng nặng định khung là đã có căn cứ để xử 3-10 năm tù rồi. Tuy nhiên, tòa đã vận dụng hết các tình tiết giảm nhẹ và tuyên mức án 30 tháng tù đối với Xuân. Như vậy là xử dưới khung, mức án nhẹ so với quy định chung rồi.

Có một vụ bị cáo Xuân môi giới bán dâm, hưởng 1.000 USD/người. Do bị bắt quả tang nên người bán dâm chưa nhận thù lao, Xuân cũng chưa nhận tiền môi giới. Tôi muốn nói chưa nhận chứ không phải không nhận. Bị cáo nào cũng hiểu thông qua sự giới thiệu sẽ có thù lao. Chính sự giới thiệu là điểm nối của mua dâm và bán dâm. Bị cáo trình bày rằng tạo điều kiện cho người cùng giới nhưng điều tối thiểu phải hiểu là đang làm việc giới thiệu việc bán dâm cho một đối tượng mua dâm. Người bán dâm nhận tiền, người môi giới cũng có thù lao.

Bị cáo Hoa (người mẫu Thiên Kim) có hai lần môi giới, mỗi lần môi giới một người. VKS truy tố Hoa có hai tình tiết tăng nặng là không đúng. Khi xem xét, HĐXX đã bỏ đi một điểm (tình tiết định khung tăng nặng phạm tội với nhiều người), đồng thời xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ như khi phạm tội đang mang thai, khi xét xử, con bị cáo mới được bảy tháng tuổi…

Có những bị cáo môi giới đến sáu lần, mà chỉ cần một lần là đã có thể bị xử ba năm tù rồi. Xét các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có bị cáo tự đầu thú, phải nuôi dưỡng mẹ già, đủ điều kiện cho hưởng án treo nên mức án tòa tuyên hoàn toàn không phải quá nặng, quá nghiêm khắc như dư luận băn khoăn.

Trong nhiều vụ án môi giới mại dâm khác, báo chí lên án các “tú ông”, “tú bà” kinh doanh trên thân xác phụ nữ. Riêng vụ này tại sao không thấy lên án như vậy?

Theo lời khai nhận thì trước khi làm môi giới, Mỹ Xuân và Hoa cũng đã là nạn nhân (do người khác dẫn dắt, lôi kéo). Từng chịu đau khổ về tâm hồn và thể xác khi phải làm công việc này mà sau đó các bị cáo lại khiến người khác bước theo con đường đau khổ giống mình. Tôi nhận thấy hành vi này rất đáng lên án và pháp luật đã có những chế tài cụ thể.

Hãy để các bị cáo rộng đường về


- Báo chí đã chụp ảnh “quá nhiệt tình” các bị cáo, ông có thấy đây là bản án thứ hai dành cho họ?

Quyền từ chối chụp ảnh tại phiên tòa không phải là quyền của bị cáo mà là quyền của chủ tọa phiên tòa. Tòa cho phép báo chí chụp ảnh toàn cảnh, đăng thông tin có tác động tích cực đến xã hội. Tôi rất mong báo chí không có hàm ý làm tổn thương các bị cáo mà chỉ là thông qua sai phạm của các bị cáo để cảnh tỉnh xã hội.

Tòa đã nhắc rằng trước khi HĐXX vào phòng xử, báo chí có thể chụp ảnh. Còn khi phiên tòa đang diễn ra, báo chí không được chụp để tránh tác động tinh thần, khiến các bị cáo mất bình tĩnh. Khi thông tin cũng tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của các bị cáo và tinh thần của gia đình họ. Khi tòa tuyên án, báo chí mới được chụp ảnh phiên tòa (chụp toàn cảnh, không phải gí ống kính vào mặt các bị cáo).

Khi xét hỏi, tòa chỉ điều tra hành vi so với BLHS là phạm tội hay không phạm tội chứ không làm ảnh hưởng đến sự riêng tư của các bị cáo, không nhắc đến quá khứ, sở thích, đam mê, nhu cầu vật chất này nọ của các bị cáo, cũng không nói những điều làm người thân của các bị cáo phải hổ thẹn hơn…

Công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa tội phạm cũng phải nhờ đến báo chí nhiều. Những vụ như thế này, trước phiên xử, báo chí cũng đã đăng tải rất nhiều. Tôi mong rằng trước tất cả hiện tượng, báo chí đăng chuẩn mực, chọn lọc để vừa thông tin nhằm ngăn chặn tiêu cực diễn ra trong xã hội, hạn chế các sai phạm, vừa tránh những việc bới móc, soi mói để còn rộng đường trở về cho các bị cáo.

- Điều gì đọng lại trong ông sau phiên xử?

HĐXX có hai nữ, khi đánh giá vụ án cảm thấy thật xót xa. Phiên tòa này liên quan đến giới hoa hậu, người mẫu nên càng kéo dài càng nặng nề. Vì vậy, tòa đã xét xử và tuyên án trọn vẹn trong buổi sáng để không làm ảnh hưởng đến họ hơn nữa.

Án đã tuyên, các bị cáo có thể kháng cáo nhưng dù muốn hay không thì cũng đã ảnh hưởng nhiều đến con đường phía trước của họ. Như lời sau cùng của Mỹ Xuân, cô thay mặt các bị cáo khác mong muốn người trong giới đừng vì những vấn đề khó khăn trong cuộc sống mà để bị lôi kéo, bị tác động rồi tham gia vào các hành vi vi phạm.

Mong sao các bị cáo sau khi chấp hành án xong sẽ thực sự chuyển hóa, hoàn lương. Sau vấp ngã, lấy bản thân làm bài học cho người khác…





Theo PL TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn