Tây Ninh tập trung tháo gỡ các 'điểm nghẽn', cải thiện môi trường đầu tư

Tin nhanh 24hThứ Hai, 10/10/2022 11:43:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Chủ tịch tỉnh Tây Ninh, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn” để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện tích cực môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Ngày 10/10, Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 22 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm.

Theo báo cáo, 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 11%, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước. Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 20,1% so cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,58%.

Định hướng phát triển tổng thể ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Tây Ninh tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. 

Tây Ninh tập trung tháo gỡ các 'điểm nghẽn',  cải thiện môi trường đầu tư - 1

Quang cảnh hội nghị.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 6 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha. Trong đó, 5 khu công nghiệp được cấp phép thành lập và hoạt động, với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch là 3.385,19 ha.

9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh là 4,9 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 159,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 30% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, các hoạt động du lịch khởi sắc, thu hút 4,1 triệu lượt khách, tăng 179% so với cùng kỳ, tăng 33,5% so với kế hoạch. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 225,6 triệu USD; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới 641 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 5.000 tỷ đồng. Hiện, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư các loại hình mới, như năng lượng mặt trời, khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen và phát triển đô thị.

Về thu hút đầu tư FDI, tỉnh Tây Ninh đứng thứ 13 trong tất cả các địa phương cả nước. Các dự án đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực khai thác lợi thế của tỉnh gồm: Dệt may, chế biến nông sản, sản xuất các sản phẩm cao su và plastic, da giày, các sản phẩm kim loại. Chính vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày được tạo điều kiện phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, từ nay đến cuối năm, nếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng này, Tây Ninh sẽ đạt và vượt những chỉ tiêu cơ bản, quan trọng về KT-XH của năm 2022.

Theo ông Ngọc, 3 tháng cuối năm, tỉnh rà soát các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu còn đạt thấp so với kế hoạch để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đề ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ xử lý các “điểm nghẽn” đã được nhận diện về đất đai, quy hoạch, đầu tư; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện tích cực môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu giáo viên, kéo giảm tệ nạn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và thúc đẩy chuyển đổi số.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh đề nghị trong những tháng cuối năm phải quan tâm thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển ổn định cho năm 2023, cố gắng bù đắp thiếu hụt trong hai năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Từng cấp uỷ rà soát chỉ tiêu nhiệm vụ năm và cả nhiệm kỳ, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, kết hợp kiểm điểm “tự soi, tự sửa, đề ra giải pháp khắc phục cụ thể, rõ việc, rõ người; khẩn trương hoàn thành và trình ban hành quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, chuẩn bị đủ điều kiện để triển khai quy hoạch khi có hiệu lực.

Đồng thời, sớm trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua các chủ trương tháo gỡ các “điểm nghẽn”, cải thiện môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh; ưu tiên các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định sau dịch.

Các đơn vị cũng tập trung triển khai thực hiện và giải ngân sớm các dự án đầu tư công; thực hiện tốt các giải pháp quản lý, điều hành ngân sách; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, thiếu giáo viên và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn