Tác giả 'Người về cuối phố' viết hit cho Lam Trường mua được 1 cây vàng

Sao ViệtThứ Ba, 04/07/2023 07:21:35 +07:00

Nhân dịp show diễn kỷ niệm 30 năm tối 22/7 tại Đà Lạt, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đã tiết lộ những câu chuyện đặc biệt ít khán giả biết.

Từng là một nhà thơ được giới sinh viên yêu mến, Nguyễn Nhất Huy rẽ ngang với âm nhạc vì cho rằng lĩnh vực này mới thể hiện hết khao khát đang tiềm ẩn trong mình. Anh được đền đáp xứng đáng bằng nhiều tác phẩm thành công như: Thương nhớ người dưng, Người về cuối phố, đoạt giải Làn Sóng Xanh. Suốt hơn 20 năm qua, ca khúc Người thầy của anh cũng lan tỏa sâu rộng vào đời sống. 

Tối 22/7 tới đây tại Đà Lạt, khoảng 15 ca khúc trong gia tài hơn 100 bài của Nguyễn Nhất Huy sẽ được biểu diễn trong đêm nhạc 30 năm tình khúc Nguyễn Nhất Huy với sự tham gia bộ của 3 đình đám một thời là Lam Trường, Cẩm Ly và Đan Trường.

Chia sẻ với VietNamNet, Nguyễn Nhất Huy cho biết tiêu chí để chọn các ca khúc trong chương trình là những bài hát hot từ chương trình Làn Sóng Xanh, gắn liền tên tuổi Cẩm Ly, Lam Trường, Đan Trường suốt thời gian dài. 

Nhớ lại thời kỳ đỉnh cao, nhạc sĩ Người thầy kể: "Hồi xưa, phát hành một ca khúc gian nan lắm vì phải qua hãng băng đĩa và biên tập duyệt nhiều khâu, không có YouTube như bây giờ. Từ lúc sáng tác, gửi đi duyệt, hoà âm đánh nhạc đến ca sĩ hát và ra được bản ghi, tới phát hành nhanh nhất cũng 3 tháng, chậm có khi... vài năm".

Nguyễn Nhất Huy hoài niệm: "Cát-sê đầu tiên là 500 nghìn là từ bài nhạc sinh viên được nhạc sĩ Vũ Hoàng thu băng đĩa. Vừa nhận tiền xong, đám bạn bắt rủ đi ăn và mua đĩa tặng hết".

Là nhạc sĩ hot một thời, hỏi anh có từng mua được nhà và xe bằng cát-sê viết nhạc, Nguyễn Nhất Huy thừa nhận hồi đó tác quyền đủ để mua xe nhưng anh chỉ mua chiếc Piagio giá gần 6.000 USD vốn là hàng hot năm 2000, còn lại mua vàng tích trữ.

"Lúc năm 1998, 23 tuổi mà đi được Piaggio thì ngầu lắm. Tôi nhớ lúc đó ca sĩ ngôi sao còn đi “Su xuồng” là loại tay ga hot nhưng giá cũng bằng chiếc Piagio", anh kể.

Thời điểm đó, anh cho biết viết khoảng 10-15 bài là có thể mua được ôtô. Các ca sĩ khi ấy không trả cát-sê theo bài hay theo tháng, theo tuần mà bầu show sẽ thương lượng với các nhạc sĩ.

Lam Trường và nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy trong một dịp hội ngộ.

Lam Trường và nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy trong một dịp hội ngộ.

Anh tiết lộ: "Năm 1998, lúc giao bài Nụ hồng hờ hững, anh Minh Vy - chủ phòng thu Kim Lợi - trả tiền độc quyền 3 triệu và giao Lam Trường hát. Nhận được tiền, tôi đi mua được một lượng vàng", nhạc sĩ kể lại.

Nguyễn Nhất Huy thừa nhận thế hệ nhạc sĩ trẻ bây giờ nhiều, giỏi mà năng động, lại có công nghệ hỗ trợ nên tác phẩm có nhiều mới lạ.

Được hỏi về quan điểm ca từ nhạc trẻ bây giờ “mì ăn liền” và không ăn sâu vào đời sống âm nhạc, nhạc sĩ chia sẻ: "Mì ăn liền cũng rất cần mà. Khi đói, mình cũng dùng vì nó nhanh chóng giúp mình qua cơn, giải trí cũng vậy, có cái này cái kia thì thị trường mới đa sắc, nhiều món mới là 'bữa tiệc' chứ".

Anh nói thêm: "Nhạc sĩ lúc nào cũng có người nổi nhanh, chìm nhanh chứ không chỉ bây giờ nên không thể 'vơ đũa cả nắm được'. Nhưng nhìn chung, hồi xưa các nhạc sĩ sâu sắc hơn còn nhạc trẻ giờ 'công nghệ' hơn nên cũng dễ bị 'đề mốt' hơn".

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn