SV nghệ thuật làm thêm bị quỵt tiền, người yêu dọa bỏ

Giáo dụcThứ Sáu, 23/03/2012 01:14:00 +07:00

(VTC News)- Đối với sinh viên khối ngành nghệ thuật, việc kiếm được một công việc làm thêm ra thu nhập không khó nhưng đằng sau đó là rất nhiều mồ hôi, vất vả.

(VTC News)- Đối với sinh viên khối ngành nghệ thuật, việc kiếm được một công việc làm thêm ra thu nhập không khó nhưng đằng sau đó cũng là rất nhiều mồ hôi, vất vả.

Tin liên quan chủ đề sinh viên làm thêm kiếm tiền


Cô bạn Lại Phạm An Chi, sinh viên năm thứ nhất khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam luôn luôn dành phần lớn thời gian cho việc học tập. Tuy nhiên, khi có lời mời An Chi vẫn đi diễn một số chương trình để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học tập và giúp đỡ gia đình.

Sinh viên biểu diễn nghệ thuật kiếm thêm thu nhập cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả 

Đối với An Chi, việc biểu diễn kiếm tiền cũng rất cần thiết nhưng quan trọng hơn, cô bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm mà không một trường lớp nào có thể dạy.

“Việc biểu diễn sẽ giúp em bản lĩnh hơn trước đám đông và làm chủ sân khấu tốt hơn. Ngoài ra em cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ có tên tuổi giúp em trưởng thành hơn trong con đường sự nghiệp mà mình theo đuổi” - An Chi bộc bạch.

Thu nhập từ quá trình biểu diễn, An Chi tích góp thành một khoản riêng và sử dụng trong các công việc học tập hay mua những món quà nhỏ dành tặng gia đình mỗi dịp về thăm nhà.

Công việc của An Chi thường phải đi sớm về khuya nên cô bạn cũng thường xuyên chọn các quán có giờ diễn phù hợp. Đặc biệt với những nơi quá phức tạp, giờ biểu diễn quá muộn thì cô bạn kiên quyết từ chối dù mức cat-xê họ hứa trả có thể gấp 2, gấp 3 lần những nơi khác.

Lại Phạm An Chi (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) coi việc làm thêm là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm sân khấu (Ảnh: Phạm Thịnh)

Trong trường hợp bất đắc dĩ, AnChi cũng đành phải nhờ một người bạn thân cùng theo mình để “hộ tống” mỗi khi có lịch biểu diễn lúc đêm khuya.

Không như nhiều người suy nghĩ, việc biểu diễn một vài bài hát chỉ cần vài phút là có thể kiếm được một khoản tiền không nhỏ, công việc này đòi hỏi rất nhiều công sức. An Chi chia sẻ cô bạn thường xuyên phải tập luyện hàng giờ tại nhà trước mỗi chương trình biểu diễn để mang đến cho khán giả những tiết mục chất lượng nhất. Bên cạnh đó, cô bạn cũng tập cách phải lường trước mọi trường hợp xấu có thể xảy ra khi có sự cố về âm thanh…

Đối với Nguyễn Trần Trung Quân chàng sinh viên khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, sau thành công ở cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2011 đã mang đến nhiều thay đổi trong cuộc sống của Quân.

Chàng ca sỹ trẻ triển vọng của Sao mai 2011 Nguyễn Trần Trung Quân ngày càng tham gia nhiều hơn vào các dự án âm nhạc, các hoạt động xã hội 

Là một ca sĩ trẻ triển vọng nên bên cạnh việc tham gia vào một số dự án âm nhạc, trong thời gian đi học, Quân cũng tham gia cộng tác giảng dạy cho một vài câu lạc bộ dạy nhạc trong Hà Nội. Công việc cũng không chiếm nhiều thời gian học của chàng ca sĩ trẻ.

Trung Quân chia sẻ: “Sinh viên trường nghệ thuật thì có nhiều khó khăn và vất vả hơn những trường khác, nhất là về chế độ sinh hoạt bao giờ cũng thất thường hơn. Công việc thì luôn luôn phát sinh, có khi là đi làm thêm ở những hội nghị vào giờ mình ăn uống hoặc nghỉ ngơi, cũng có khi phải đi thu âm lúc nửa đêm, đôi lúc rất là mệt mỏi. Nếu không có một sức khỏe tốt thì sẽ không đảm bảo được công việc của mình”.

Trong thời gian làm thêm, Quân cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm biểu diễn trên sân và nâng cao được kĩ thuật thanh nhạc. Chàng trai này cũng cho biết qua những lần đi diễn và tham gia các hoạt động xã hội, Quân cũng mở rộng được các mối quan hệ, cảm giác được hòa đồng và chia sẻ hơn với mọi người.

Đến bây giờ, Trung Quân vẫn nhớ về một kỷ niệm, đó là những ngày đầu mới đi hát. Hôm đó Quân phải đến từ sớm để chuyện bị hết trang phục, đầu tóc và make up trước khi lên sân khấu và phải tập dượt rất nhiều với ban nhạc.

“Hôm đó, Quân hát cũng khá nhiều, tới 4 bài liên tục nhưng đến lúc về thì cả đoàn bị “bỏ bom”, bầu show quỵt tiền, thế là mọi người trắng tay đi về. Đó cũng là một bài học và một kinh nghiệm đáng nhớ của Quân” - Chàng ca sĩ trẻ tươi cười chia sẻ kỉ niệm.

Bạn trai dọa chia tay vì theo nghiệp múa

Hiện nay, bên cạnh các tiết mục ca hát, các chương trình văn nghệ của công ty, các sự kiện lớn đều thấy xuất hiện các tiết mục nhảy hiện đại gợi cảm hay những điệu múa dân gian để thêm phần sinh động.

Là một cựu sinh viên trường CĐ Múa Việt Nam, sau khi ra trường H.L đã tập hợp một số “đàn em” đang còn là sinh viên thành một nhóm để nhận các chương trình biểu diễn trong khu vực Hà Nội.

Với những sinh viên trường múa xinh đẹp thường gặp phải những lời tán tỉnh, đề nghị khiếm nhã từ một số thanh niên trẻ sau các chương trình biểu diễn (Ảnh minh họa)

“Trước đây mình thường đứng là làm độc lập nhưng không thể kham nổi hết công việc vì nhu cầu các tiết mục múa hay nhảy hiện đại tại các sự kiện của các cơ quan, tổ chức ngày càng nhiều. Nhóm của mình thường phải chia nhau đi biểu diễn nếu các sự kiện trùng lịch” - H.L chia sẻ.

Theo nữ sinh này, thu nhập từ việc biểu diễn cũng giúp các thành viên trong nhóm có thể trang trải cuộc sống học tập tại Thủ đô nhưng kèm theo đó là vô vàn những rắc rối, phiền toái.

H.L chia sẻ, do các bạn trường múa đều có ngoại hình đẹp, dễ nhìn cộng thêm thường xuyên mặc những bộ trang phục sặc sỡ, bắt mắt nên thường được sự chú ý đặc biệt của nhiều thanh niên trẻ.

“Chuyện bọn mình gặp phải những lời tán tỉnh, trêu ghẹo là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, thái độ cương quyết đối với những lời lẽ khiếm nhã đó phải luôn thường trực”. H.L tâm sự.

Thường xuyên phải đi diễn vào các buổi tối muộn cũng là lý do khiến nhiều nữ sinh trong nhóm không nhận được sự ủng hộ của những người bạn trai. Thậm chí có cậu bạn còn dọa sẽ chia tay nếu người yêu của mình vẫn còn tham gia vào nhóm múa. Nhiều lần H.L phải đứng ra để giải thích, vận động khi có một thành viên trong nhóm có ý định muốn bỏ công việc này.

Để có một tiết mục hấp dẫn, H.Lcùng các thành viên trong nhóm thường xuyên tập luyện cùng nhau 1 tuần tới 3 buổi, mỗi buổi kéo dài vài tiếng đồng hồ. “Công việc cũng không hề đơn giản chút nào khi phải lên ý tưởng cho tiết mục, tập vũ đạo với nhạc và khớp lại toàn bộ cùng nhóm. Nhưng vì niềm đam mê nên bọn mình đều động viên nhau để vượt qua”.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn