Sức hút V-League 2020 từ những điều kỳ lạ

Bóng đá Việt NamThứ Hai, 09/11/2020 18:55:22 +07:00

Ngoài chức vô địch kịch tính của CLB Viettel, mùa giải V-League 2020 trở nên đặc biệt khi để lại nhiều điều ấn tượng.

Dù có còn nhiều tranh cãi, bất cập, thậm chí là nghi vấn…, V-League 2020 vẫn xứng đáng là mùa giải đáng nhớ thực sự. Tất cả, từ dịch Covid-19 cho tới chức vô địch đầu tiên của Viettel, đã tạo nên những dấu ấn đáng nhớ.

Ấn tượng CLB Sài Gòn

CLB Hà Nội vẫn mạnh mẽ, là đội bóng cửa trên so với phần còn lại. Viettel đã có màn soán ngôi ngoạn mục, mà then chốt nhất là trận cầm hòa đương kim vô địch và chiến thắng nghẹt thở trước Quảng Ninh. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn phải là CLB Sài Gòn, đội bóng biết mình, biết người nên đã chen chân vào cuộc đua tới tận phút áp chót dù lực lượng của họ có thể nói là không sánh bằng Viettel và CLB Hà Nội.

CLB Sài Gòn cống hiến mùa giải nhiều hứng khởi, và điều đó khiến khán giả cảm nhận được có điều gì đó tươi mới ở V-League, giải đấu vốn dĩ khá nhàm chán những năm qua trong các cuộc tranh đua vô địch. Nếu cần một gương mặt cá nhân cụ thể nào đó để làm biểu trưng cho tinh thần của CLB Sài Gòn hôm nay, chắc chắn nhiều người sẽ chọn Quốc Long, cầu thủ có gương mặt luôn tươi rói. CLB Sài Gòn cũng tươi rói như vậy giữa V-League còn đầy rẫy chuyện lằng nhằng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận ấn tượng của CLB Sài Gòn ở 2 thời đoạn. Thực sự, CLB Sài Gòn tạo dấu ấn cho cả mùa giải khi sự góp mặt của họ trong cuộc đua vô địch khiến giải đấu nghẹt thở đến tận phút chót nhưng ở 2 giai đoạn của V-League 2020, CLB Sài Gòn tạo dấu ấn theo 2 cách khác nhau hoàn toàn.

Ở giai đoạn một, CLB Sài Gòn mang lại nhiều bất ngờ lớn khi ngay ở lượt đấu thứ 2 họ đã hạ đội Đà Nẵng 4-1 ngay tại sân khách và làm luôn một mạch bất bại cho tới tận khi giải đấu tạm dừng vì dịch Covid-19 và giãn cách xã hội. Đó là hình ảnh thực sự vô tiền khoáng hậu của V-League từ khi giải đấu này được hình thành tới giờ, và hình ảnh ấy mang lại nhiều hy vọng trong lòng khán giả về mùa bóng tích cực hơn rất nhiều.

Sức hút V-League 2020 từ những điều kỳ lạ - 1

CLB Sài Gòn (áo tím) có giai đoạn một khởi sắc, nhưng không duy trì được phong độ đó trong giai đoạn 2. Ảnh: Y Kiện.

Tuy nhiên, kể từ sau khi các đội trở lại sau dịch Covid-19, CLB Sài Gòn lại tạo dấu ấn theo cách khác. Thể hiện của đội bóng trên sân cỏ không còn là trọng tâm được nhắc tới trên truyền thông, mạng xã hội nữa. Thay vào đó là các thể hiện ngoài sân cỏ của những gương mặt trọng trách của đội bóng. Người ta nhớ đến CLB Sài Gòn ở giai đoạn này hơn ở cú "thể hiện" dằn mặt với nhà môi giới cầu thủ và những tuyên bố hùng hồn, loảng xoảng thanh la não bạt của ông chủ tịch kiêm HLV trưởng.

Thực sự, nếu ở giai đoạn một, CLB Sài Gòn có 24 điểm sau 13 vòng đấu thì ở giai đoạn 2, họ tụt lại một cách thê thảm. 7 lượt đấu của giai đoạn 2, đội bóng này còn thu về 10 điểm. Điểm trung bình giai đoạn một của CLB Sài Gòn là 1,846 điểm/ trận và nếu so sánh với con số 1,428 điểm/ trận ở giai đoạn 2, chúng ta sẽ nhận thấy họ sa sút như thế nào.

Trong khi đó, CLB Viettel vẫn "tiết kiệm" điểm rất tốt, còn đội Hà Nội bứt tốc nhanh kinh khủng. Bảy vòng đấu của giai đoạn 2, cả CLB Viettel lẫn đội Hà Nội đều đạt 19 điểm. Nếu chức vô địch chỉ tính trên tranh đua gói gọn ở giai đoạn 2 này, đội Hà Nội vẫn bảo vệ được ngôi vương khi hiệu số của họ tính riêng giai đoạn 2 là +14.

Có người sẽ nói nếu không có dịch Covid-19 và giải đấu được tiến hành theo thông lệ các mùa trước, có thể mạch trận bất bại của CLB Sài Gòn sẽ được duy trì và đội Hà Nội khó lòng vươn lên bởi khi ấy lực lượng của Hà Nội đang khủng hoảng trầm trọng.

Khả năng ấy là có nhưng để CLB Sài Gòn lên ngôi vô địch thì không phải là dễ. CLB Viettel có chiều sâu tốt hơn CLB Sài Gòn nhiều và nên nhớ, nếu duy trì thể thức cũ, chưa chắc đã tránh khỏi hệ lụy từ các "lắt léo" khác bên ngoài sân cỏ nhưng lại có tác động trực tiếp đến kết quả trên sân.

Tuy nhiên, dù gì đi nữa chúng ta vẫn phải cảm ơn CLB Sài Gòn. Có họ, V.League 2020 hấp dẫn hơn nhiều, nhất là khi họ vốn dĩ tiền thân là đội bóng thuộc nhóm "những ông gầy" và giờ đổi chủ để trở thành một "hiệp sĩ" đi săn đội "nhà gầy".

Kỳ quái CLB Quảng Ninh, vỡ tim đội Nam Định

Chúng ta cảm ơn CLB Sài Gòn thì cũng nên dành một chút xíu "cảm ơn" Quảng Ninh. Nhờ CLB Quảng Ninh mà trận đấu cuối cùng của mùa giải trên sân Thống Nhất mới giữ được sự căng thẳng và hồi hộp. Đơn giản, khi Quảng Ninh đưa đội hình gồm vài gương mặt dự bị ra sân tiếp CLB Hà Nội ở Cẩm Phả và giúp Hà Nội thắng dễ dàng, áp lực ấy khiến trận đấu ở Thống Nhất rơi vào thế căng thẳng đúng kịch bản cần có.

Giả sử, CLB Quảng Ninh ở lượt đấu cuối vẫn là đội bóng đè bẹp Hà Nội 3-1 ở vòng 2 giai đoạn một (ngày 14/3) và họ dẫn bàn trước đội bóng của bầu Hiển tại Cẩm Phả thì chắc chắn, ở đầu TP.HCM, trận Sài Gòn - Viettel cũng sẽ khác hẳn, với sức hấp dẫn có thể bị thuyên giảm đi ít nhiều dù tình thế đó có thể mở ra cơ hội CLB Sài Gòn đổi màu huy chương.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ "cảm ơn" Quảng Ninh một chút ấy thôi chứ không thể ngợi khen Quảng Ninh được. Có thể nói, chính Quảng Ninh là đội bóng khiến V-League 2020 bị một vết tỳ rất lớn. Chưa có đội bóng nào trên thế giới này, khi mùa giải hết giai đoạn một và đang có trong tay điểm số cạnh tranh vô địch (chỉ thua Sài Gòn đúng 3 điểm, thua Viettel 1 điểm) mà lại mang 3 chủ chốt của mình cho đội bóng khác mượn đến hết mùa cả. Sự kỳ quái này là vì lẽ gì?

Chẳng lẽ ông chủ tịch CLB Quảng Ninh và ông chủ tịch CLB Hải Phòng có quan hệ mật thiết đến mức phải chìa tay cứu nhau như thế? Hay Quảng Ninh chủ động tự làm suy yếu mình để lui lại trong cuộc đua vô địch mà họ biết trước không có cửa? Tất cả dấu hỏi ấy, khán giả có quyền đặt ra bởi họ luôn có cảm giác bị phản bội bởi cách làm bóng đá "lầy hết đuờng lầy" như vậy.

Và cái kỳ dị của Quảng Ninh ở giai đoạn 2 bộc lộ rõ luôn sức mạnh thực sự của CLB Sài Gòn. Điểm số giai đoạn 2 của Quảng Ninh và CLB Sài Gòn là ngang nhau, cùng được 10 điểm sau 7 vòng. Thành tích tương đồng trong khi Quảng Ninh yếu đi, điều đó cho Sài Gòn hiểu thực lực của họ đang ở đâu. Muốn cạnh tranh chức vô địch mùa sau, CLB Sài Gòn sẽ phải đầu tư hơn nữa và tỉnh táo trước những biến cố "kiểu Quảng Ninh" có thể xảy ra bất kỳ lúc nào để bẻ lái cả mùa bóng.

Sức hút V-League 2020 từ những điều kỳ lạ - 2

Việc đưa Mạc Hồng Quân (áo đỏ) cho CLB Hải Phòng mượn là quyết định khó hiểu của ban lãnh đạo Quảng Ninh. Ảnh: Minh Chiến.

Thực sự việc CLB Quảng Ninh cho Hải Phòng mượn cầu thủ chẳng hề trái luật. Tuy nhiên, bóng đá không chỉ có luật mà còn có cả sự tự trọng lẫn sự tôn trọng đối với khán giả, đặc biệt là khán giả hâm mộ đội nhà. Và liên quan đến chuyện Quảng Ninh cho CLB Hải Phòng mượn cầu thủ để chiến đấu trụ hạng, chúng ta không thể không nhắc tới vòng đấu cuối nghẹt thở và ấn tượng ở nhóm tranh đua trụ hạng.

Nhiều người tác nghiệp trên sân đã chứng kiến việc các CĐV Hải Phòng phản ứng mạnh mẽ thế nào khi thấy đội nhà thua CLB Quảng Nam bạc nhược như thế. Một đội từng ngấp nghé ở cửa tử, được đồng đội cứu bằng cách cho mượn quân nhưng khi trụ hạng an toàn rồi thì lại chơi không có chút sinh khí nào.

Đừng vội bao biện Quảng Nam khát điểm, nên do đó Hải Phòng dễ vỡ trận vì đối thủ chơi quyết tử. Không phải "chết" nữa, nhưng Hải Phòng mất luôn cái chất quyết tử cần có của bóng đá ở trận cầu đó thì phải?

Việc Quảng Nam không thắng cách biệt để đủ hiệu số cần thiết cho cuộc chiến trụ hạng khiến Nam Định lách khe cửa hẹp ở phút chót đến mức nghẹt thở. Cuộc đua trụ hạng của Nam Định còn hấp dẫn thậm chí hơn cả cuộc đua vô địch của Viettel ở vòng cuối cùng. Và may mắn là Nam Định trụ hạng. Nếu họ rớt hạng mùa này, đó sẽ là vết nhơ lớn nhất của bóng đá Việt Nam đương đại khi hàng loạt các sai sót của trọng tài toàn nhè Nam Định.

Dù có thanh minh, lý giải và suy nghĩ tích cực cách nào đi nữa, không ai có quyền cấm khán giả hâm mộ đặt sự ngờ vực lên công tác trọng tài ở các trận có Nam Định mùa giải vừa rồi. Và khán giả cũng có quyền hỏi “Phải chăng, có ai muốn chọn Nam Định làm vật tế thần để cứu đội bóng khác?”.

Những thế lực cũ phải thay đổi

Các thế lực cũ được nhắc tới ở đây là CLB Hà Nội, HAGL dù cả SLNA, Đà Nẵng và Bình Dương cũng xứng đáng được coi là thế lực cũ. Song, ở giai đoạn bóng đá ông chủ đầu tư "hô phong hoán vũ" này, HAGL và CLB Hà Nội mới là hai thế lực tiêu biểu của thế thời.

HAGL có lứa cầu thủ tuyệt vời. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu cứ đá cho vui thế này, bản thân các cầu thủ cũng chán nản. Thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã vào tuổi 25, tuổi đẹp nhất của sự nghiệp cầu thủ.

Và họ có khát khao nâng cúp vô địch V-League trong màu áo mà họ gắn bó từ nhỏ không? Chắc chắn là có. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, họ phải chứng kiến đối thủ lên ngôi, và bây giờ là chịu những mỉa mai kiểu "đá cho vui".

Lỗi không nằm ở các cầu thủ tài năng ấy. Họ là nạn nhân thì đúng hơn. Tuy nhiên, ai là thủ phạm mới là câu hỏi khó trả lời. Nhiều người vẫn nói về HAGL rằng ở đội bóng ấy "ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu", nhưng bầu Đức vẫn không thể nào thay đổi cả bộ máy để cái "người không hiểu" đó nhường sân cho cá nhân khác có khả năng mang lại cho HAGL những tiến bộ thực sự trên sân cỏ.

Sức hút V-League 2020 từ những điều kỳ lạ - 3

Xuân Trường và các đồng đội phải "đá cho vui" đến bao giờ? Ảnh. Minh Chiến.

Giá như HAGL có những thay đổi tích cực trong 2-3 năm qua, chưa chắc mùa giải này Viettel sẽ lên ngôi vô địch, và CLB Hà Nội có khi cũng không hẳn là đội bóng dự giải ở tư cách ĐKVĐ 2019. Nếu bầu Đức dám liều đặt cược sử dụng người ông hay chỉ trích nhất là HLV Hoàng Anh Tuấn trong vai trò giám đốc Kỹ thuật của HAGL, toàn quyền lựa chọn bộ máy, lựa chọn HLV trưởng thì sao nhỉ? Có khi sẽ là kết quả có hậu và mối quan hệ giữa hai cá nhân ấy sẽ tốt hơn nhiều.

Còn CLB Hà Nội, họ rất mạnh, nhưng đây là mùa giải bước ngoặt với họ khi nhiều trụ cột đã sang tuổi chuẩn bị treo giày. Cụ thể là Thành Lương, Văn Quyết. Thế hệ Quang Hải sẽ phải tiếp quản vai trò dẫn dắt Hà Nội trong tương lai và cuộc chuyển giao ấy cũng nên được bắt đầu từ bây giờ nếu Hà Nội muốn duy trì sức mạnh lâu dài.

Thực tế, ở các vị trí quản trị, CLB Hà Nội cũng có sự thay đổi với lớp trẻ xông xáo đảm nhận thay lớp cha chú thừa tinh khôn và mưu mẹo. Tuy nhiên, họ cho thấy ngay sự non nớt giữa V-League toàn những cái đầu máy tính cả. Sự trở lại của Hà Nội ở giai đoạn 2 đến từ phong độ của cầu thủ, nhưng khó phủ nhận được có cả sự trợ giúp trong điều hành của lực lượng cha chú khi thế hệ trẻ bắt đầu cảm thấy hơi nóng thực sự của bóng đá là gì.

Quan trọng hơn, CLB Hà Nội sẽ phải thay đổi triệt để hơn nữa ở khâu quan hệ. Tầm ảnh hưởng của bầu Hiển ở V-League rất sâu, rộng và chính tầm ảnh hưởng ấy đã khiến nhiều đối thủ khác nóng mặt. Đã và đang có cuộc chiến ngầm thực sự để chống lại tầm ảnh hưởng đó và bản thân CLB Hà Nội cũng bị mất khá nhiều cảm tình của các khán giả ở các địa phương khác khi họ cứ có ác cảm về cái đồn đoán "một ông bầu nhiều đội bóng" vẫn được nhắc tới trên truyền thông nhiều năm qua.

Thể thức của V-League năm nay hạn chế nhiều các quan hệ nhì nhằng giữa các đội bóng, và chính nó sẽ là rào cản đối với tầm ảnh hưởng của ông bầu lẫy lừng này. Khả năng VPF có tiếp tục kiểu thể thức này không vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu nó tạo ra sức hấp dẫn, không loại trừ việc V-League 2021 sẽ tiếp tục theo 2 giai đoạn như thế này. Lúc ấy, nếu Hà Nội không tự đổi mới mình, họ chắc chắn sẽ còn mất nhiều chức vô địch hơn nữa bởi các đối thủ đều đang tìm mọi cách để nâng tầm mình, mà Viettel chính là một điển hình.

Và những gương mặt ngôi sao

Gương mặt đáng nhắc đến đầu tiên có lẽ phải là Quang Hải. Mùa giải này chứng kiến một Quang Hải trưởng thành thực sự, chín chắn hơn hẳn (không bàn chuyện ngoài sân cỏ của Hải). Không còn kiểu chơi bóng quá hưng phấn bất chấp hậu quả chấn thương của tuổi trẻ nữa, mà thay vào đó là Quang Hải biết điều tiết mình đúng mức. Ở giai đoạn 2, các bàn thắng của Hải quá quan trọng đối với cuộc đua của Hà Nội và nó chứng tỏ, khi cần tỏa sáng, Hải “con” sẽ biết toả sáng.

Khán giả sẽ cần Quang Hải như thế hơn, bởi họ không muốn tuyển thủ quốc gia hay nhất hiện nay dính phải những chấn thương, hoặc bị quá tải chỉ vì lối chơi nhiệt huyết đến bồng bột của những ngày tuổi teen. Đôi chân của cầu thủ là tài sản quý giá nhất và chỉ khi tự biết trân trọng tài sản sự nghiệp, cầu thủ mới có thể đi được đường dài với những dấu mốc chinh phục mới.

Sức hút V-League 2020 từ những điều kỳ lạ - 4

Quang Hải đã ghi những bàn thắng quan trọng cho CLB Hà Nội ở mùa giải này. Ảnh: Minh Chiến.

Điều khá lạ là cứ mỗi khi có bê bối ngoài đời, thì Quang Hải lại trả lời bằng phong độ ấn tượng trên sân. Nó cho thấy Hải có tâm lý vững vàng thực sự. Đó mới chính là cái chất đàn ông của người chơi bóng đá. Còn những chuyện đúng-sai, hay-dở ngoài đời, chúng ta xin miễn bàn.

Gương mặt thứ hai phải là Nguyễn Thành Công. Câu chuyện của HLV này ở Thanh Hóa thực sự lột tả được diện mạo của bóng đá Việt Nam thời nay. Người ta nói nghề bóng đá bạc nhưng thật ra, cái bạc đến từ cách con người đối xử với con người. Nhắc lại chuyện của Thành Công, nhiều người vẫn còn ấm ức thay cho anh, HLV có tâm, hiền lành và có cả tài năng thực sự.

Tất nhiên, khi đã nhắc đến HLV Nguyễn Thành Công, ai cũng hiểu nên nói thẳng về bầu Đệ. Nhưng có lẽ, đã quá nhiều bài viết đây đó nói lên hết bản chất của công việc mà các ông chủ tịch làm thuê ở các đội bóng V-League đang làm rồi, nên không cần gợi lại làm gì. Chỉ có điều, chuyện của Thành Công làm chúng ta hiểu rõ nghề HLV ở Việt Nam khó khăn đến mức nào khi họ toàn phải đối đầu với "kỳ hoa dị thảo".

Gương mặt Trương Việt Hoàng cũng đáng được nhắc tới khi anh là HLV đưa Viettel lên ngôi vô địch sau 22 năm chờ đợi, thay tên đổi họ, thăng trầm đủ cả. Ít ai hiểu câu chuyện tại sao Thể Công lại thành Viettel, và họ muốn cắt mối nối giữa hai cái tên ấy.

Tuy nhiên, Việt Hoàng vẫn ở đó, là minh chứng cho cầu nối truyền thống này. 22 năm trước, Hoàng là tiền vệ trẻ tuổi trong đội hình CLB Quân đội vô địch quốc gia 1998 với đội trưởng là Đỗ Mạnh Dũng. Bây giờ, sau khi anh tái hợp với Đỗ Mạnh Dũng (ở cương vị giám đốc), họ cùng đưa Viettel lần đầu tiên lên ngôi cao nhất của V-League, trong khi người đồng đội Đức Thắng đưa Bình Định lên V-League năm sau.

Sức hút V-League 2020 từ những điều kỳ lạ - 5

HLV Trương Việt Hoàng ghi dấu ấn khi dẫn dắt CLB Viettel. Ảnh: Quang Thịnh.

Tuy nhiên, chính chức vô địch với gương mặt Trương Việt Hoàng hôm nay có thể sẽ khiến lãnh đạo cân nhắc đến chuyện tìm đường hướng để lấy lại cái tên thương hiệu cũ. Trương Việt Hoàng trong lễ mừng công 1998 mặc quân phục, còn Trương Việt Hoàng 2020 mặc thường phục. Bộ quần áo nào thì cũng vậy thôi, khán giả hâm mộ vẫn gọi tên anh thân mật là "cậu Hoàng bộp" và vẫn nhắc đến anh với hai chữ Thể Công.

Còn nhiều gương mặt khác nữa cũng nên được nhắc tới cho đủ diện mạo V.League 2020 nhưng như thế sẽ là tràng giang đại hải. Và cơ bản, mỗi khán giả sẽ lựa chọn cho riêng mình một gương mặt tiêu biểu của V.League mùa này.

Còn được khán giả nhớ đến theo cách nào, cách của Trương Việt Hoàng, Nguyễn Thành Công, Quang Hải, Thành Lương, Văn Quyết, Geovane, Quốc Long hay cách của bầu Hùng, bầu Đệ là do chính các cá nhân ấy mà thôi. Dù sao, V.League 2020 cũng đã kết thúc, trọn vẹn bằng kịch bản hấp dẫn hơn hẳn những mùa giải trước đó.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn