Sức cảm hóa nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời sựThứ Sáu, 03/09/2010 10:57:00 +07:00

(VTC News) - GĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh kể: "Cụ Huỳnh đã từng nói: Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi”!

(VTC News) - Nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, 41 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời với sự kiện GS Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields, phóng viên Báo điện tử VTC News đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh về chủ đề tư tưởng của Bác trong việc cảm hoá và sử dụng người tài và giải pháp cần làm để thu hút được trí tuệ Việt trên khắp năm châu cống hiến cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.




PV: Thưa ông Chu Đức Tính, đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng người tài đã được báo chí khai thác khá nhiều, nhưng thực tiễn cho thấy, đây vẫn là một vấn đề luôn có tính thời sự. Với tư cách là Giám đốc bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi có trách nhiệm quản lý các di sản vô giá về Bác, có giá trị giáo dục vô cùng to lớn, ông có thể nói sâu hơn về cách thu hút và sử dụng dụng người tài, đặc biệt là giới trí thức, của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

TS Chu Đức Tính: Tôi rất hoan nghênh cách đặt vấn đề của báo VTC News. Đúng vậy, đề tài này xem qua có thể thấy là cũ, được báo chí đào xới rất nhiều, tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, đây vẫn là một câu chuyện rất dài, cần tiếp tục trao đổi, hiểu thêm, hiểu kỹ, phát hiện những điều mới mẻ và vận dụng cách thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc cảm hóa, thu hút, sử dụng người tài đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời thì những bài học mà Bác đã thu hút và sử dụng những nhân sĩ, trí thức của thượng tầng kiến trúc cũ đến nay vẫn còn rất nóng hổi…

Tiến sỹ Chu Đức Tính – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.  

PV:
Có thể liên tưởng tới nước Nga sau khi cách mạng Tháng Mười thành công, rất nhiều thành phần trí thức cũ không những không được trọng dụng mà còn bị xua đuổi, thậm chí bị xử tội. Tại Trung Quốc sau năm 1949 cũng có hiện tượng tương tự. Việt Nam là một bức tranh hoàn toàn khác…

TS Chu Đức Tính: Đúng thế, Việt Nam may mắn không để xảy ra tình trạng đó. Một trong những yếu tố có vai trò quyết định trong việc nước ta không phải trải qua những câu chuyện đau lòng tương tự như ở một số nước, đó là nhờ có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể hơn là khả năng cảm hóa con người của Bác.

PV: Ông có thể nói rõ hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện như thế nào qua việc cảm hoá, thu dụng người tài ở mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới tri thức thưa ông?

TS Chu Đức Tính: Trong hơn ba mươi năm làm công tác tại các chi nhánh và gần đây nhất, trên cương vị Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi được tiếp xúc với rất nhiều tư liệu, hiện vật và đặc biệt là với nhiều nhân chứng sống, những người đã sống, làm việc cùng hoặc được gặp gỡ với Bác. Tuyệt đại đa số đều thừa nhận rằng, Hồ Chí Minh có một sức cảm hóa rất đặc biệt đối với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi màu da, dân tộc. Có một số người có nhận xét và phát biểu xuyên tạc thì đều là do chưa từng gặp Người, nghe qua người khác, hoặc cố tình phủ nhận sức cảm hóa đó.

Trước hết, đối với đồng bào chiến sĩ cùng chung lý tưởng cách mạng như chúng ta thì khỏi phải nói rồi, Bác luôn là tấm gương soi sáng mối suy nghĩ và hành động. Còn đối với những người từng làm việc cho chính quyền cũ, thì nhiều người ban đầu còn phản đối cách mạng, sau khi được gặp Bác, được Bác thuyết phục, trân trọng, đã sẵn sàng hợp tác, tham gia vào công cuộc cứu quốc, kiến thiết chế độ mới. Sức cảm hóa của Hồ Chí Minh thể hiện một cách rất sâu sắc đối với những người ở phía đối địch, nhất là đối với những người có tri thức.

PV: Vậy thưa ông, điều gì đã làm nên sức cảm hóa đó. Chúng ta cần làm rõ điều này thì mới có thể học tập được Bác để thu hút và sử dụng người tài.

TS Chu Đức Tính: Theo tôi, sức cảm hóa Hồ Chí Minh là do bốn yếu tố chủ yếu sau đây: Yếu tố thứ nhất, Hồ Chí Minh là hiện thân của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước tự do, hạnh phúc - là một sự nghiệp chính nghĩa, phù hợp với nguyện vọng mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Người rất khéo léo thuyết phục đồng thời cũng rất kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ nền tảng này.

Điều tiếp theo là ở Hồ Chí Minh luôn toát lên một sự chân thành thiện chí. Thật vậy, đối với tầng lớp trí thức, những tinh hoa của dân tộc, nhân loại không ai có thể lừa dối họ. Chỉ bằng sự chân thành thiện ý thật sự, thậm chí có thể nói thẳng về những khó khăn, những sự bất cập của cách mạng mới có thể thuyết phục được họ.

Sự chân thành của Bác đối với giới tri thức được thể hiện qua một ví dụ là vào tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội tham gia Chính phủ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận lời nhưng chỉ cốt để “xem Nguyễn Ái Quốc, con người nổi tiếng ấy như thế nào”, chứ không có ý định nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, chỉ sau vài lần trao đổi, cụ Huỳnh đã được cụ Hồ cảm hóa bằng sự chân thành, tin cậy.

Ngày 2/3/1946, tại buổi họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngày Bác Hồ sang Pháp, Người đã giao quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh và cụ Huỳnh đã không phụ lòng tin của Bác, kiên quyết chỉ đạo phá án vụ âm mưu đảo chính và bắt cóc giết người của bọn Quốc dân đảng phản động vào tháng 7/1946.

Cụ Huỳnh đã từng nói: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi”! Cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay Cụ Huỳnh Thúc Kháng khi trăng trối cũng nói: “Đời tôi được gặp Hồ Chí Minh nay tôi chết đã hả rồi”.

Yếu tố thứ ba – đó là trí tuệ Hồ Chí Minh. Người là một lãnh tụ thiên tài có kiến thức uyên thâm, trí tuệ ở bậc siêu việt. Tri thức của Người không chỉ là kho tàng lý luận sâu sắc, mà còn bao gồm cả những trải nghiệm thực tiễn vô cùng phong phú, khả năng vận dụng sáng suốt trong mọi tình huống. Người đọc thông viết thạo nhiều thứ tiếng, có khả năng phán đoán và có những dự báo thiên tài về cách mạng Việt Nam, tình hình thế giới.

Chính vì Hồ Chí Minh có trí tuệ siêu việt như vậy, nên Người có thể giao thiệp, tiếp xúc một cách thoải mái, hợp lý với mọi đối tượng từ những người nông dân chân chất đến tầng lớp trí thức khoa học, lãnh đạo chính trị hàng đầu thế giới. Người tài vốn chỉ phục nhau ở trình độ. Hồ Chí Minh đã cảm hoá được rất nhiều người tài chính là nhờ vào trí tuệ và vốn sống phong phú của mình.

Yếu tố thứ tư, chính là đạo đức Hồ Chí Minh. Người dựa vào nền tảng của đạo đức phương Đông, cho rằng, không có thứ lý luận nào có sức mạnh bằng chính tấm gương của con người cụ thể. Cả cuộc đời Người là một tấm gương về nhân cách trong sáng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người dành toàn bộ tình cảm, suy nghĩ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kiến thiết đất nước. Đạo đức Hồ Chí Minh không phải là sự thần thánh hóa con người, sự hoàn hảo khô cứng xa vời mà có sức sống kỳ diệu.

Hồ Chí Minh rất hiểu rằng, người tài cũng thường hay “có tật”, nên cần phải biết tin họ, sử dụng họ đúng vào các điểm sở trường, hạn chế sở đoản thì những nhân tài mới có thể phát huy hết được năng lực của mình. Hiện nay Đảng và nhà nước ta đang phát động toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cá nhân tôi cho rằng, cuộc vận động này có ý nghĩa rất to lớn. Tất nhiên về cách làm còn phải thay đổi và cải tiến nhiều. Theo tôi, người lãnh đạo là đối tượng cần nêu gương học tập và làm theo Bác nhiều nhất bởi hơn ai hết người dân cần những tấm gương sáng để noi theo.

Nhìn rộng ra thế giới, chúng ta thấy rằng không chỉ có Việt Nam mới phát động phong trào rèn luyện đạo đức mà ở bất cứ xã hội nào đạo đức của con người vẫn được coi trọng và ngày càng được gìn giữ. Có thể thấy, tại các nước tư bản phát triển, người ta rất coi trọng đạo đức, đặc biệt là đạo đức của người lãnh đạo, điều hành đất nước.


PV:
Trong giai đoạn hiện nay làm thế nào để thu hút, cảm hoá và sử dụng được các nhân tài - những nguồn lực chất xám đặc biệt mà ở Việt Nam đang có rất phong phú và đa dạng, thưa ông?

TS Chu Đức Tính: Theo tôi, muốn thu hút được giới tri thức nói chung và những nhân tài người Việt nói riêng ở khắp nơi trên thế giới để lôi kéo họ về cống hiến phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thì trước tiên những người lãnh đạo cần phải thấm nhuần 4 nền tảng cơ bản đã hình thành nên sức cảm hoá, thu phục người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi đơn cử thế này, khi người đứng đầu một tổ chức, cơ quan hay doanh nghiệp muốn thu hút được người tài về phục vụ, làm việc cho mình trước tiên anh ta phải có tư tưởng chính nghĩa, phù hợp mục đích chung của xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của người hiền tài mà anh ta mời về.

Khi người lãnh đạo có chính nghĩa, chân thành, trí tuệ và đạo đức tức là họ có khả năng cảm hoá, thu phục được người tài. Chính vì thế mà đôi khi không cần mời, những tri thức, hiền nhân cũng sẽ tự tìm đến với mình.

PV: Gần đây có sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu được Đại hội toán học quốc tế vinh danh bằng giải thưởng toán học xuất sắc nhất thế giới Fields Medal. Xung quanh sự kiện này có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như liệu Giáo sư Ngô Bảo Châu có về làm việc và cống hiến ở Việt Nam hay không, đãi ngộ của nhà nước ta đối với nhân tài này ra sao… Theo ông, có thể học tập cách thu hút và sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào trong trường hợp tương tự như Giáo sư Châu?

TS Chu Đức Tính: Trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu so với thời kỳ thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và giai đoạn kháng chiến chống Pháp có sự khác biệt lớn. Thời đó, các nhân sỹ, trí thức theo và tin Bác Hồ đều không suy tính nhiều đến chế độ đãi ngộ mà chủ yếu xuất phát từ ý thức phụng sự cho sự nghiệp chung, hy sinh những toan tính cá nhân. Trường hợp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa là một điển hình. Mặc dù đang làm việc tại Pháp với một mức lương tháng lên đến cả chục cây vàng và biết rõ sự khó khăn trong môi trường nghiên cứu và sinh hoạt, Trần Đại Nghĩa vẫn tự nguyện theo Hồ Chí Minh về Việt Nam phục vụ kháng chiến cứu quốc, giải phóng dân tộc.

Thời nay, không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh như các bậc nhân sỹ, trí thức thời của Bác. Nhà nước đã có những quy định về chế độ đãi ngộ, tuy nhiên nếu so sánh với các nước có nền khoa học phát triển thì những đãi ngộ ấy còn rất thấp. Nhưng người hiền tài cần nhất là sự trân trọng thực sự, cần môi trường thuận lợi để họ phát huy năng lực rồi mới cần đến chế độ đãi ngộ. Muốn thu hút được người tài, Nhà nước phải tạo được những điều kiện tương xứng.

Tôi cho rằng hai yếu tố đãi ngộ của nhà nước và sự hy sinh, cống hiến chân thành của chính những trí thức là nền tảng quan trọng, bền chặt nhất.

Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nhiều lần khẳng định sẽ đem hết sức mình để đóng góp cho sự phát triển cho nền toán học nước nhà. Về phía Nhà nước ta cũng luôn sẵn sàng mọi tạo điều kiện để giáo sự có thể cống hiến nhiều nhất.

Tôi cho rằng, không nhất thiết phải đưa Giáo sư Ngô Bảo Châu (hay các nhà khoa học tài năng khác) về làm việc hẳn tại Việt Nam. Cần phải hiểu chữ “thu hút nhân tài” một cách rộng hơn. Không phải cứ phải về làm việc trong nước mới là “thu hút” mà Nhà nước cần tạo những điều kiện kể cả sự tôn vinh lẫn những chế độ đãi ngộ để nhân tài có thể phát huy cao nhất năng lực của mình, có lợi cho dân tộc, cho đất nước, dù làm việc ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Tất nhiên, khi đất nước có điều kiện tương đối tốt thì việc thu hút nhân tài về làm việc trong nước cũng không thành vấn đề.

Điều này, chúng ta có thể học tập Bác Hồ. Khi từ Pháp về, có một Việt kiều là đầu bếp rất giỏi đã xin Bác cho theo về Việt Nam. Bác nói: “Nghề của chú chưa có điều kiện phát huy trong nước. Chú hãy cứ ở lại, miễn là tâm luôn hướng về Tổ quốc là được rồi”. Quả đúng thế, người này ở lại và đã đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng sau này.

PV: Hiện nay, trong cách doanh nghiệp tư nhân, có những lãnh đạo trẻ tài năng được đề đạt, bổ nhiệm các vị trí quan trọng, có trách nhiệm quản lý cả trăm thậm chí hàng ngàn nhân sự và họ cũng chứng tỏ được năng lực tuyệt vời của mình. Vậy theo ông, trong tương lai xu hướng này có thể được vận dụng trong chính sách sử dụng và bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan nhà nước hay không?

TS Chu Đức Tính: Tôi nghĩ rằng xu hướng này trước sau cũng sẽ được áp dụng trong chính sách bổ nhiệm, sử dụng cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Bởi nghĩ cho cùng cái gốc của chính sách dùng người là đặt họ đúng vị trí, đúng khả năng. Nếu quả thật họ có tài, có tâm, có tầm… thì đó là vốn quý của dân tộc.

PV: Xin cám ơn ông!


Bình Nguyên(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn