'Sửa toilet cũng phải xin phép, phải điều chỉnh giấy phép'

Bất động sảnThứ Năm, 14/12/2017 10:57:00 +07:00

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP.Invest) nêu một bất cập trong việc cấp phép xây dựng hiện nay là "sửa cái toilet từ chỗ này sang chỗ kia thôi là lại phải xin phép, phải điều chỉnh giấy phép".

Phát biểu tại “Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng”, ông Nguyễn Quốc Hiệp Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP.Invest) đưa ra một thực trạng là hiện nay, việc cấp phép xây dựng rất lằng nhằng và mất thời gian.

ong-hiep

Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Ông Hiệp lấy ví dụ là chính dự án của GP.Invest ở quận Hai Bà Trưng: "Dự án của tôi có 42 cái nhà liền kề và một tòa 9 tầng lên. Luật quy định rất trớ trêu, trong khi 42 nhà thấp tầng chỉ cần quận cấp phép thì tòa 9 tầng lại phải lên tận sở. Lúc chúng tôi đưa hồ sơ lên thì Sở Xây dựng bảo cái này phải cắt ra, 42 nhà thấp tầng đưa về cho quận cấp, thế nhưng khi chúng tôi cắt rồi, ông quận lại bảo không được, phải đưa lên sở. Thế là lằng nhằng mất 3 tháng trời”.

"Bây giờ nội dung giấy phép của chúng ta, sửa cái toilet từ chỗ này sang chỗ kia thôi là lại phải xin phép, phải điều chỉnh giấy phép", ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cũng cho biết, ông từng tình cờ nhìn thấy một giấy phép xây dựng được cấp dưới thời Pháp thuộc, khoảng năm 1921.

“Giấy rất đẹp, in như bằng đại học, nhưng nội dung trong đó chỉ gồm ranh giới đất, mặt tiền. Có nghĩa là với giấy này, bên trong khu đất, anh muốn làm gì thì làm vì đấy là đất của nhà ông”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp kiến nghị, nếu đã có quy hoạch 1/500 thì mức độ công trình như thế nào nên rõ ràng ra, ai được cấp phép. Phải rõ ràng để doanh nghiệp không mất thời gian vì thủ tục hành chính”.

Ông Phạm Sỹ Liêm (Tổng hội Xây dựng) cũng góp ý về nội dung giấy phép xây dựng. Theo ông, cấp giấy phép nhưng không có khâu kiểm tra việc sử dụng giấy phép, không có quy định nào, khi xây dựng xong thì ai sẽ kiểm tra việc xây dựng đúng giấy phép hay không? Cho nên hiện nay vi phạm giấy phép là phổ biến và chỉ khi nào báo chí phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

“Bản thân cơ quan chức năng không phát hiện ra sai phạm là do cấp dưới đã nhận bôi trơn. Tôi biết có trường hợp người dân phản ánh, muốn xây dựng lên thêm một tầng thì cần bôi trơn 25.000 USD. Những việc như vậy người quản lý phải biết và ngăn chặn”, ông Liêm cho hay.

Video: Sẽ đấu giá bất động sản của bầu Kiên

Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, quá trình thực hiện nhiều luật cũng đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn như thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn dài, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với một số đối tượng công trình còn chưa phù hợp thực tiễn. Cùng với đó, một số quy định về đất ở, chủ trương đầu tư chưa đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan...

"Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của các chính sách với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, việc sửa đổi, bổ sung các Luật trên là cần thiết", bà Tống Thị Hạnh đề nghị.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn