Sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của NSND Bùi Đình Hạc - đạo diễn phim 'Hà Nội 12 ngày đêm'

Sao ViệtThứ Hai, 03/07/2023 13:37:51 +07:00

NSND Bùi Đình Hạc qua đời chiều 1/7, hưởng thọ 90 tuổi, là một trong những nghệ sĩ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

NSND Bùi Đình Hạc thuộc lớp nghệ sĩ tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam thế hệ đầu. Ông thành công ở cả lĩnh vực phim truyền hình và điện ảnh.

Say nghề, sáng tạo và quyết liệt

Hay tin ông qua đời vào chiều 1/7, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ với Tiền Phong rằng bà thấy buồn nhưng cũng biết quy luật sinh, lão, bệnh, tử là khó tránh. Những năm gần đây, những tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam cứ thưa vắng dần đi.

Biên kịch Hồng Ngát nhận định NSND Bùi Đình Hạc là đạo diễn say nghề. Trong vai trò quản lý, ông rất quyết đoán. "Tính cách của NSND Bùi Đình Hạc mạnh mẽ và biết cách thuyết phục người khác, đặc biệt là cấp trên. Nhờ vậy, ông nhiều lần góp công nâng cao vị thế điện ảnh", biên kịch Hồng Ngát bày tỏ.

NSND Bùi Đình Hạc thực hiện phim Hà Nội 12 ngày đêm khi ông 68 tuổi.

NSND Bùi Đình Hạc thực hiện phim Hà Nội 12 ngày đêm khi ông 68 tuổi.

Khi giữ cương vị Cục trưởng Cục Điện ảnh (1992-1996), NSND Bùi Đình Hạc mong muốn xây dựng những bộ phim lớn về giai đoạn chống Mỹ và thống nhất đất nước. Tiếc rằng, sau khi hoàn thành Hà Nội 12 ngày đêm, ông nghỉ hưu.

Biên kịch Hồng Ngát có thời gian làm việc với NSND Bùi Đình Hạc trong bộ phim nổi danh Hà Nội 12 ngày đêm do ông đảm nhận vai trò đạo diễn. "Ông tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhóm biên kịch đi thực tế, trở lại các chiến trường miền Nam xưa và tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các danh tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng...", biên kịch Hồng Ngát kể. Bộ phim được Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất và giành Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, năm 2004.

"NSND Bùi Đình Hạc là người quyết liệt, làm gì là làm tới cùng, khó mấy cũng không chịu đầu hàng. Ông nghiêm khắc trong quản lý nhưng ngoài đời lại sôi nổi, cởi mở, đôi khi hồn nhiên dễ tin", biên kịch Hồng Ngát nói. Có lẽ cũng bởi sự quyết liệt, kiên trì của ông giúp bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm trở thành bản hùng ca lịch sử, dù quá trình sản xuất phim gặp không ít khó khăn.

NSND Bùi Đình Hạc (phải) tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka (Nhật Bản)

NSND Bùi Đình Hạc (phải) tại Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka (Nhật Bản)

Sau khi nghỉ hưu NSND Bùi Đình Hạc tiếp tục gắn bó với điện ảnh. Ông giữ vị trí chuyên viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng tư vấn, thẩm định Điện ảnh của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của NSND Bùi Đình Hạc còn có thể kể đến Nước về Bắc Hưng Hải (1959), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964), Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (1989),...

Theo lời kể của biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, khi tham gia Hội đồng duyệt phim quốc gia, NSND Bùi Đình Hạc luôn lắng nghe ý kiến của các thành viên và có những kết luận thấu đáo, nhanh nhạy. Bởi vậy, ông được đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến.

Đạo diễn Bùi Đình Hạc được biết đến là nghệ sĩ của những đam mê sáng tạo. Ông không ngừng học hỏi, vươn lên trong nghề nghiệp. Minh chứng là gia tài điện ảnh với hàng loạt giải thưởng danh giá như 3 giải Nhất, 1 giải Nhì tại các Liên hoan phim lớn của quốc tế, 7 giải Bông sen Vàng, 1 giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim ở Việt Nam.

Nhà văn Thiên Sơn từng công tác ở tạp chí Điện ảnh Ngày nay (thuộc Viện Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh - nay là Viện phim Việt Nam), có dịp tiếp xúc nhiều với những tên tuổi lớn của điện ảnh cách mạng như NSND Bùi Đình Hạc, NSND Hải Ninh, NSƯT Vũ Phạm Từ...

 Nhà văn Thiên Sơn cho biết ngày ấy NSND Bùi Đình Hạc gắn bó với Viện phim bởi ông từng hợp tác với hãng phim Ngọc Khánh của Viện để làm nên tác phẩm nổi tiếng Hồ Chí Minh - Chân dung một con người.

"Ông kể với tôi những ngày đầu đến với điện ảnh và những năm tháng lăn lộn mới vào nghề, những năm gian khó ở chiến khu Việt Bắc. Chính khát vọng sáng tạo và những năm tháng dấn thân trong cuộc sống đầy máu lửa giúp NSND Bùi Đình Hạc có năng lực sáng tạo dồi dào, đưa đến nhiều thành công trong sự nghiệp", nhà văn Thiên Sơn bày tỏ.

Tác phẩm về Bác gây tiếng vang

Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc theo đuổi những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùm phim tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm vóc quốc gia và quốc tế trong các bộ phim tài liệu Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, Đường về Tổ quốc và Hồ Chí Minh - Chân dung một con người của ông gây tiếng vang lớn.

Phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin giành giải Bông sen Vàng đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980. Phim tài liệu Hồ Chí Minh - Chân dung một con người đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1990, giải Vàng Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc năm 1990.

Cảnh trong phim Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi của đạo diễn Bùi Đình Hạc.

Cảnh trong phim Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi của đạo diễn Bùi Đình Hạc.

Khi làm phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, NSND Bùi Đình Hạc và đoàn làm phim sang Mátxcơva nửa năm. Ông vào các thư viện, bảo tàng, viện lưu trữ để tiếp cận với hàng vạn thước phim tài liệu. Từ đó, đạo diễn chắt lọc những hình ảnh quý giá về chủ tịch Hồ Chí Minh như tấm hộ chiếu mang tên Chen Vang (Trần Vương) in bằng ba thứ tiếng, các bài báo, ảnh chụp tư liệu về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản,...

Con trai của NSND Bùi Đình Hạc là đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải khẳng định cả cuộc đời ông cống hiến cho điện ảnh. Sự nghiệp sáng tác của NSND Bùi Đình Hạc có điểm chung là ngôn ngữ điện ảnh thể hiện qua phong cách dựng phim. Phần dựng phim là nét cơ bản, điểm mạnh của đạo diễn Bùi Đình Hạc.

Phim tài liệu Hồ Chí Minh - Chân dung một con người sản xuất năm 1989.

Phim tài liệu Hồ Chí Minh - Chân dung một con người sản xuất năm 1989.

"Đạo diễn Bùi Đình Hạc thường dựng phim theo cảm xúc. Cách dựng đưa cảm xúc người xem đến cao trào, gây sự xúc động lớn, do đó có sức thuyết phục rất mạnh. Sự kết hợp giữa tính tài liệu và tính phim truyện trong sáng tác của đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng khá rõ, thể hiện ở phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người. Thông thường, phim tài liệu thiên về nhiều sự kiện, nhưng bộ phim này, đạo diễn Bùi Đình Hạc miêu tả được cả phần tâm lý của Bác nữa. Phần tâm lý chính ra là điểm mạnh của phim truyện", đạo diễn Bùi Trung Hải nói.

NSND Bùi Đình Hạc nhận nhiều huân, huy chương và giải thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1986, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999, Giải thưởng Hùng Vương về thành tích sáng tác văn học nghệ thuật năm 1985, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa năm 1984, Huy chương Vì sự nghiệp Điện ảnh Việt Nam năm 1993...

Năm 1984, NSND Bùi Đình Hạc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 1). Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho 7 tác phẩm điện ảnh đặc sắc.

(Nguồn: tienphong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn