Sự kiện tuần qua: Cô giáo liên tiếp tát vào mặt học trò

Giáo dụcChủ Nhật, 20/01/2013 08:31:00 +07:00

(VTC News)- Trong tuần qua, trường đầu tiên đưa ra quy định cấm khi sử dụng facebook; cô giáo đánh trò như tập boxing... khiến dư luận xôn xao.

(VTC News)- Trong tuần qua, trường đầu tiên đưa ra quy định cấm khi sử dụng facebook; cô giáo đánh trò như tập boxing... khiến dư luận xôn xao.

“Những điều “cấm kỵ” khi lên facebook”

Sau hàng loạt các vụ học sinh lên mạng xã hội Facebook để thóa mạ ông bà, cha mẹ, thầy cô gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, lần đầu tiên ở Việt Nam, một trường học sắp ra quy định cấm học sinh nói tục, chửi bậy trên Facebook.

Bốn điều trong quy định “Những điều "cấm kỵ" khi lên Facebook” buộc học sinh trường THPT dân lập Lương Thế Vinh phải thực hiện.

Quy định sắp đi vào thực hiện tại trường THPT dân lập Lương Thế Vinh gây xôn xao dư luận 
Trả lời VTC News, PGS Văn Như Cương hiệu trưởng nhà trường cho rằng trước những hành động không đẹp và lệch chuẩn của học trò khi sử dụng facebook, đã đến lúc nhà trường phải có trách nhiệm trong việc định hướng cho các học sinh khi lên mạng xã hội.

PGS Văn Như Cương cũng cho rằng những quy định được trường THPT dân lập Lương Thế Vinh được đưa lên mạng chỉ là “bản nháp” để xin ý kiến góp ý của học sinh, và phụ huynh trước khi có những quy định chính thức trong trường.

Bàn về quy định này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: “Ở đây chúng ta chỉ nên định hướng giúp các em trong việc sử dụng Facebook một cách đúng mực, còn cấm thì không nên”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu thẳng thắn chia sẻ: “Facebook không xấu, xấu hay không là ở cách dùng của mình. Nếu mình thiếu kiểm soát, mình sẽ làm nô lệ của chính mình. Tôi ủng hộ động thái này.

Nhiều em học sinh phản đối vì cho rằng văn bản này sẽ vi phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, tôi nghĩ văn bản này không cấm các em dùng facebook, không cấm các em đăng bài, mà chỉ cấm các em văng tục, đăng bài sai – tức cấm những hành vi sai trái và thiếu văn hóa mà thôi.

Nếu trường không cấm, thì tự bản thân em cũng phải làm, vì đó là đạo đức”.

Nữ sinh nhảy lầu tự tử vì trầm cảm

Khoảng 17 giờ ngày 18/1, tại Trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng đã xảy ra một vụ nhảy lầu tự tử. Nạn nhân được xác định là L.T.B.T. (SN 1994) là nữ sinh khối 12 của Trường THPT Phan Châu Trinh.
 
Đến chiều 18/1, em T. nói với mẹ là nhớ bạn bè, muốn mẹ chở đến trường ghé thăm bạn. Nhưng đến trường, trong lúc mẹ đợi ở dưới thì em đi lên tầng 5 của dãy phòng học và nhảy lầu, tử vong tại chỗ, dù xe cấp cứu của bệnh viện đã đến ngay khi nhận tin báo.

Hành động của T. quá đột ngột nên không ai kịp trở tay ngăn chặn hành động đáng tiếc của em.

Ngày 19/1, Ban giám hiệu Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đã có thông báo chính thức đến học sinh toàn trường nguyên nhân nữ sinh B.T, học sinh lớp 12 tại trường đột ngột nhảy lầu và tử vong tại chỗ hôm qua (18/1) là do em này mắc bệnh trầm cảm.

Cô giáo đánh học trò như tập boxing

Mới đây, trên Youtube truyền đi một đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại hình ảnh trong một lớp học đông đúc và ồn ào, một cô giáo mặc áo dài hoa, túm áo một nam sinh và thẳng tay tát vào mặt 3 cái liên tiếp. Nam sinh không phản ứng và đứng yên để cô giáo tát.
Cô giáo liên tiếp tát vào mặt học trò (Ảnh cắt từ clip) 
Ngay sau khi clip được tung lên mạng, nhiều học sinh đã cho rằng người trong clip là cô giáo ở lớp học văn hóa hệ đào tạo 4 năm hệ trung học của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Sáng 19/1, trả lời báo chí, PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: “Nhà trường đã triệu tập cuộc họp và đây đúng là giáo viên trong trường. Nhà trường đã thống nhất đình chỉ 2 tuần và yêu cầu cô giáo làm bản tường trình. Nhà trường sẽ có hình thức kỷ luật khi làm rõ sự việc”.

Hàng loạt CĐ, ĐH được tuyển sinh trở lại

Ngày 17/1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép hàng loạt trường ĐH, CĐ tuyển sinh trở lại từ năm 2013.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2013 các trường này được phép tuyển sinh trở lại vì đã khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.
 
Các trường được tuyển sinh trở lại bao gồm: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cho phép một số ngành của các trường đại học được tuyển sinh trở lại gồm: Ngành Quản trị kinh doanh (ĐH Thành Tây); Ngành Tài chính Ngân hàng (ĐH Phú Xuân); Ngành Kiến trúc (ĐH Yersin Đà Lạt); Ngành Công nghệ Kỹ thuật xây dựng ( CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi); Ngành Kế toán; Quản trị Kinh doanh (Trường ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng); Ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình; Kinh tế (Trường ĐH Nguyễn Trãi )

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận SGK Ngữ Văn mang tính hàn lâm


Đánh giáo về chương trình sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn thừa nhận: “Hiện chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn trong trường phổ thông ở Việt Nam chưa nhất quán theo một trục qua các cấp học, nội dung còn nhiều trùng lặp, tính tích hợp giữa các hợp phần càng lên các lớp trên càng mờ nhạt”.
SGK Ngữ văn mang nặng tính hàn lâm 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét thêm, chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn vẫn nặng tính hàn lâm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh, nhất là phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo

Nhiều bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn, nhất là ở các lớp trên nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Một số nội dung còn cao đối với khả năng tiếp thu của học sinh, nhất là học sinh nông thôn, miền núi và những học sinh có ở những vùng kinh tế- xã hội khó khăn.


Khởi Nguyên(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn