Streamer chết vì kiệt sức sau 5 đêm livestream, chủ bồi thường 17 triệu đồng

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 28/11/2023 10:39:14 +07:00
(VTC News) -

Phải livestream 89 buổi trong 25 ngày, nam sinh viên 19 tuổi chết vì kiệt sức, dư luận phẫn nộ khi công ty chỉ bồi thường 5.000 nhân dân tệ (17 triệu đồng).

Chàng trai trẻ Li Hao (sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Ping Ding Shan, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đột ngột qua đời ngày 10/11 sau hàng loạt buổi phát trực tiếp chơi game qua đêm. Ông chủ của anh phủ nhận trách nhiệm về cái chết này và chỉ đưa ra số tiền "quan tâm nhân đạo" là 5.000 nhân dân tệ (tương đương 17 triệu đồng).

Cha của nạn nhân cho biết, Li Hao gia nhập công ty vào giữa tháng 10 theo chương trình thực tập 6 tháng mà  trường học yêu cầu: “Li đã tích cực tìm kiếm cơ hội thực tập kể từ mùa hè. Đến giữa tháng 10, nó nói với chúng tôi là đã trúng tuyển vào vị trí streamer game - người phát trực tiếp trò chơi ở Zhengzhou, kiếm được mức lương hàng tháng là 3.000 nhân dân tệ (10,2 triệu đồng)”.

Nhưng chỉ 1 tháng sau đó, người cha bàng hoàng nhận tin dữ: Con trai ông qua đời khi đang làm việc.

Người cha kể lại: “Li bắt đầu gặp vấn đề sức khỏe vào lúc 17h ngày 10/11. Lúc đó nó vẫn đang ngủ, nhưng bạn cùng phòng nhận thấy nó thở gấp, không thể đánh thức được nên đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu và thực hiện hô hấp nhân tạo cho Li dưới sự hướng dẫn của bác sỹ. Bất hạnh thay, họ không thể cứu được con tôi”.

Không ít người trẻ đột tử vì làm việc quá sức. (Ảnh: 163)

Không ít người trẻ đột tử vì làm việc quá sức. (Ảnh: 163)

Theo hồ sơ làm việc, streamer Li đã thực hiện 89 buổi phát trực tiếp từ ngày 15/10 đến ngày 10/11. Từ ngày 5/11, Li bắt đầu phát trực tiếp suốt đêm. Đêm trước khi qua đời, anh phát trực tiếp từ 21h đến 6h hôm sau; đó là ca trực qua đêm thứ 5 liên tiếp của anh.

Tuy nhiên, công ty phủ nhận mọi trách nhiệm, khẳng định họ có thỏa thuận hợp tác với Li. Ông Trương, đại diện pháp lý của công ty cho biết: “Chúng tôi cung cấp địa điểm làm việc và chỉ nhận hoa hồng từ những thứ mà người xem tặng cho người phát trực tiếp”.

Trương khẳng định, công ty không biết về các buổi phát trực tiếp vào đêm khuya của Li và ngụ ý rằng chàng trai trẻ đã không sắp xếp lịch trình làm việc hợp lý nên mới gây ra hậu quả như vậy.

Tuy nhiên, cha Li khẳng định, thỏa thuận lao động đã yêu cầu Li phải thực hiện tối thiểu 240 giờ phát trực tiếp mỗi tháng để đủ điều kiện nhận mức lương cơ bản.

Công ty vẫn tiếp tục phủ nhận mọi trách nhiệm và cho biết 5.000 nhân dân tệ tiền bồi thường sẽ được trao cho gia đình như một nghĩa cử “quan tâm nhân đạo”.

Lời đề nghị bồi thường 5.000 nhân dân tệ của công ty cho cái chết của sinh viên đã vấp phải sự phẫn nộ trên mạng. (Ảnh: Shutterstock)

Lời đề nghị bồi thường 5.000 nhân dân tệ của công ty cho cái chết của sinh viên đã vấp phải sự phẫn nộ trên mạng. (Ảnh: Shutterstock)

Sự việc gây ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến chỉ trích sự nhẫn tâm của công ty này, cho rằng công ty vắt kiệt sức lao động của nhân viên.

“Những công ty như thế này nên phá sản sớm hơn!”; “Những công ty 'lừa đảo' như vậy rất nhiệt tình trong việc chia sẻ lợi nhuận, nhưng ngay khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra, họ lập tức tránh xa"; "Bài học lớn cho các thanh niên trẻ, phải tỉnh táo chứ đừng để vắt kiệt sức lao động như vậy"... là những bình luận bức xúc trên mạng xã hội.

Nhật Thùy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn