Sau năm 2015 sẽ có môn học Giáo dục môi trường

Giáo dụcThứ Tư, 30/03/2011 09:01:00 +07:00

(VTC News)- Đó là thông tin mà TS. Lê Trọng Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cung cấp trong buổi hội thảo được tổ chức ngày 29/3.

(VTC News) - Đó là thông tin mà TS. Lê Trọng Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cung cấp trong buổi hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong giáo dục về biến đổi khí hậu tại Việt Nam” do Bộ GD&ĐT, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), diễn ra ngày 29/3 tại Hà Nội.

 Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong giáo dục về biến đổi khí hậu tại Việt Nam” (Ảnh: Phan Ngọc)

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ đưa nội dung về biến đổi khí hậu (BĐKH) vào chương trình giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể, đến năm 2013 bộ tài liệu, giáo trình dạy và học về BĐKH và ứng phó với BĐKH sẽ được biên soạn xong. Năm 2014, 100% giáo viên, giảng viên đứng lớp được trang bị về kiến thức BĐKH và ứng phó BĐKH. Và đến năm 2015, 100% học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức về BĐKH và ứng phó trước BĐKH.

Theo TS. Lê Trọng Hùng, đây là việc làm thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, hành vi của giáo viên, học sinh, sinh viên về BĐKH, đồng thời giáo dục mọi người biết cách ứng phó trước mọi hiểm họa, thiên tai của thời tiết. Hiện kế hoạch đưa giáo dục môi trường thành môn học liên thông từ cấp học mẫu giáo đến ĐH và CĐ sẽ được Bộ GD&ĐT tiến hành sau năm 2015.

Ứng với mỗi cấp học sẽ có các phương pháp dạy cụ thể. Ví dụ cấp học mầm non thông qua việc lồng ghép với trong các bài thơ, bài hát, trò chơi, các loại tranh, băng hình giúp trẻ dễ nhận biến thế nào là BĐKH và hậu quả của nó.

Đối với các cấp Tiểu học, Trung học, các TT GDTX ngoài chương trình tài liệu tích hợp vào các môn học, các tài liệu, băng đĩa tham khảo, còn có các hoạt động khác như tổ chức các cuộc thi, tham quan thực tế giúp học sinh hiểu rõ về BĐKH. Đối với sinh viên trường CĐ, ĐH, đặc biệt là các trường có đào tạo ngành môi trường, đó sẽ là môn học bắt buộc trong khung Chương trình chung của Bộ.

Đây là Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự tham gia tích cực của toàn ngành, phối hợp với các tổ chức hoạt động vì môi trường trong và ngoài nước. Tổng nguồn lực tài chính để triển khai Dự án trong giai đoạn 2011 – 2015 là 70 tỷ đồng.

Phan Ngọc – Thu Trang


Bình luận
vtcnews.vn