Sau mũ bảo hiểm là… nhậu không cầm lái

Tổng hợpThứ Bảy, 08/10/2011 11:44:00 +07:00

Đã đến lúc xã hội phải đồng thuận, chung tay cùng các lực lượng chức năng xóa bỏ thói quen lạm dụng bia rượu...

 Bình quân mỗi ngày, một người VN dùng đến 6-7 ly bia, gần gấp đôi các nước ở Đông Nam Á và cả Châu Á. Mỗi năm, VN sản xuất ra gần 1,5 tỷ lít bia và gần 400 triệu lít rượu, tốc độ tiếp tục tăng gần 10% mỗi năm. trung bình một năm, người VN hao tổn từ 6000-7000 tỷ đồng vào việc ăn nhậu, mua bia, rượu để uống. Rượu cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, ngoại tình, các vụ vi phạm pháp luật… với tỷ lệ chiếm từ 50-70%…

(Theo Khảo sát của Viện KHXH VN và Bộ y tế)

Đã đến lúc xã hội phải đồng thuận, chung tay cùng các lực lượng chức năng xóa bỏ thói quen lạm dụng bia rượu mà trước mắt là tình trạng người uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Sau hơn 1 tháng ra quân xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, dư luận xã hội đã có những phản hồi ra sao, người dân nhìn nhận thế nào… hãy cùng phóng viên tạp chí THS thị sát một vòng các con phố Hà Nội trong dịp này.

 

Vòng quanh các khu phố nhậu

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay trong những ngày này, khi những cơn gió đầu mùa bắt đầu hiu hiu lạnh, những dãy quán rượu ốc, lẩu, đồ nướng… trên vỉa hè đường ven hồ Trúc Bạch, đường Võng Thị, Hồ Tây, Ngọc Khánh, Núi Trúc, Hàng Bồ, Hàng Thùng, Nguyễn Quý Đức, Vũ Hữu, Linh Đàm, Nguyễn Trãi, Đại Cồ Việt, khu vực quanh sân vận động Quốc gia Mỹ Đình,… khách vẫn ra vào tấp nập và đông dần lên khi trời càng về khuya. Xe cộ để tràn vỉa hè, dưới lòng đường. Có hẳn một đội quân giữ xe kiêm... “chặn xe”, mời khách.

 Với 1001 lý do khó có thể từ chối mà nhiều người, từ dân công sở đến người làm tự do, từ sinh viên cho đến cả học sinh trung học, thay vì trở về nhà sau giờ làm, giờ học lại “dừng chân” tại các “phố nhậu” như thế này. Họ ở đến khi nào thì còn tùy vào tính chất của cuộc vui hôm đó. Buồn - nhậu, vui - nhậu, không buồn, không vui cũng nhậu. Nhậu để mừng gặp lại cố tri, để bàn chuyện làm ăn, ký kết hợp đồng, để lấy lòng “sếp”, để đàm đạo tất tần tật mọi chuyện trên đời… và có khi nhậu cũng như là một thói quen không thể thiếu.

 Nếu như ở các quán nhỏ, quán cóc vỉa hè với đồ nhậu là rượu mực, đồ nướng, lẩu… thu hút đa phần là giới trẻ thì ở các quán bia lớn lại là điểm hẹn quen thuộc của giới trung niên, có tiền, có vị trí trong xã hội. Mới hơn 18h, nhưng các quán bia hơi trên đường Giải Phóng, Tăng Bạt Hổ, Giảng Võ, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Bưởi, Trường Chinh đèn đuốc đã sáng rực rỡ. Lượng khách dường như đã có phần nhỏ lẻ hơn trước không hiểu do thời tiết bắt đầu lạnh hay do hiệu ứng của tháng an toàn giao thông. Tại đây khách chủ yếu vẫn là giới văn phòng của các công ty gần đó tới “dzô” sau giờ làm. Một chủ hàng bia hơi, đồ nhậu trên phố Tăng Bạt Hổ cho biết, thú vui ăn nhậu về đêm xuất phát từ Sài Gòn nhưng nhiều năm trở lại đây người Hà Nội cũng đã coi đây là một thói quen. Người Hà Nội giờ đây ăn nhậu chẳng kém gì Sài Thành kể cả ở quán trong nhà, lẫn vỉa hè, bất kể thời tiết nắng mưa, tình hình giá cả tăng vọt và… kể cả đang trong tháng cao điểm xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông uống bia rượu.

 Trong vai một PG tiếp thị bia tôi tiếp cận một nhóm khách mặt đỏ tưng bừng vẫn tiếp tục gọi thêm bia. Lát các anh để em gọi taxi về cho an toàn nha, tháng này công an đang làm căng lắm… không để tôi nói hết câu, một người đàn ông gạt đi: “Em lo gì chứ, bọn anh ngồi đây còn lâu, mà nhân viên của quán khắc có cách, cứ vô tư đi…” và họ lại uống...

 

 

Các quán nhậu phản ứng…

Sau gần một tháng công an lập chốt gần các quán nhậu, dù chưa phải đã triệt để song cũng đã khiến tâm lý của một số khách hàng e ngại. Bản thân chủ quán cũng có tâm lý lo lắng trước mắt có thể sẽ mất một lượng khách nhất định nên họ đã tìm trăm phương nghìn kế để cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ.

 Mỗi một nhóm khách đứng lên rời quán nhậu, chủ quán đều cho nhân viên “do thám” để nếu thấy chốt thì đánh lạc hướng CSGT hoặc gọi điện bày cho khách đường đi sao cho không phải đi qua chốt canh. Việc sai nhân viên vứt rác thải ngay gần chốt canh của CSGT cũng là một trong những “chiêu” của nhà hàng. Bởi vứt rác bừa bãi lại thuộc trách nhiệm xử lý của bên môi trường, đô thị... nên lực lượng CSGT đành «bó tay» chịu đựng.

 Thậm chí nhiều quán bia, nhà hàng được chính quyền địa phương cấp phép về hành lang để xe ô tô. Để chắn tầm nhìn của cảnh sát giao thông, họ điều những xe to đỗ trước mặt. Lực lượng cảnh sát giao thông không biết xe nào vào xe nào ra để kiểm tra kịp thời.

 Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội đã phối hợp với các phường yêu cầu các quán bia phải treo băng rôn và khẩu hiệu «không uống bia khi điều khiển ô tô, xe máy». Tuy nhiên, theo quan sát, hầu hết các quán đều không thực hiện điều này. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội, cũng thừa nhận: «Quán bia mọc lên nhiều mà lực lượng cảnh sát có hạn. Vì thế, việc xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu quá quy định vẫn còn hạn chế».

 

 

“Dân nhậu” giở “võ chí phèo”

Ghi nhận của PV tại một số các chốt kiểm tra của CSGT đóng tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, ngã ba Tăng Bạt Hổ - Yec-xanh… là những nơi rất hay xảy ra ùn tắc giao thông một phần do “dân nhậu” tập trung dừng đỗ xe bừa bãi trên dọc các con phố nơi có những quán bia, nhà hàng lớn. Tại những hàng quán này người vào ra vẫn tấp nập nên chỉ trong 1h đồng hồ phóng viên đã đếm được hơn chục trường hợp bị xử lý tại các điểm.

 Mặc dù, được hướng dẫn về cách thở vào máy song nhiều người vẫn khá lúng túng, phải thở đi thở lại 2-3 lần mới đo được nồng độ cồn. Một vài trường hợp biết mình uống quá đà cố tình không hợp tác. Có người giả say cứ ngồi lỳ trong xe thi gan với CSGT khiến dòng phương tiện phía sau anh ta dồn ứ lại gây tắc nghẽn giao thông. CSGT buộc phải huy động thêm lực lượng dân phòng trợ giúp, đẩy chiếc xe lên vỉa hè, mở cửa xe lúc đó anh ta mới chịu xuống xe. Trong lúc mọi người đẩy xe, anh ta đã kịp gọi điện đi khắp nơi nhờ can thiệp. Phải sau gần nửa tiếng, việc kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở mới được CSGT tiến hành xong  để có thể lập biên bản xử lý vì thái độ thiếu hợp tác của lái xe.

 Một số người khác thì bất chấp nguy hiểm phóng vọt xe bất chấp hiệu lệnh dừng xe của CSGT hoặc quay ngược xe lại, lao lên vỉa hè chạy trốn. 100% số trường hợp vi phạm khi bị kiểm tra, việc đầu tiên là móc túi lấy điện thoại gọi khắp nơi cầu viện, sau đó thì dùng đủ mọi lý do để xin, thậm chí hối lộ, to tiếng… có trường hợp còn quỳ xuống lạy CSGT tha cho họ lần này. Hầu hết các trường hợp được yêu cầu ngậm vào máy đo nồng độ cồn đều tìm cách từ chối. Từ lý do sợ ống thổi mất vệ sinh đến những lý do giời ơi đất hỡi như đau răng, nhiệt miệng, dị ứng với mùi nhựa… Đó là những trường hợp uống “vừa vừa”, còn nhiều người khi đã “tới bến” rồi thì chẳng còn biết kiêng dè, nể sợ bất cứ điều gì. Rượu vào lời ra cùng với thái độ thách thức pháp luật. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết: «Trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành đo nồng độ cồn, sẽ áp dụng theo Nghị định 34 của Chính phủ, xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng. Song trước mắt với hầu hết các trường hợp lúc đầu không hợp tác, các đồng chí làm nhiệm vụ vẫn kiên trì giải thích nhằm thay đổi nhận thức là chính”.

 Khi lòng dân đã thuận

Đúng như Bác Hồ đã dạy: «Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong». Không có việc gì khó nếu có được sự quyết tâm và đồng thuận từ nhân dân. Mặc dù hiệu quả và sức ảnh hưởng từ việc xử lý nghiêm các trường hợp lái xe uống rượu bia còn chưa được tổng kết một cách chính thức song rõ ràng đây là hồi chuông thức tỉnh ý thức trách nhiệm của toàn xã hội. Không phải không có những ý kiến trái chiều, phản đối vì bị ảnh hưởng tới thói quen và cái lợi trước mắt nhưng theo khảo sát của chúng tôi rất nhiều người dân đã hoan nghênh và hưởng ứng cách làm này. Bởi trước hết nó mang lại lợi ích thiết thực cho từng gia đình và từng cá nhân trong xã hội.

 Anh Đinh Trọng, một khách quen của quán bia Hải Xồm: Phải chấp hành thôi. Uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông làm tăng tai nạn giao thông là thực tế đúng. Chả riêng ở VN mà nước nào cũng vậy. Cá nhân tôi trước đây cũng nhiều lần đi nhậu về, phóng xe thấy bốc hơn, oánh võng cũng dẻo hơn (kể cả ôtô lẫn xe máy). Có hôm suýt tông vào người đi đường, về nhà nghĩ lại cũng thấy sợ. Chính vì thế, gần đây, nếu có việc phải đi bia rượu, thì cứ để xe ở VP và vẫy taxi đi cho nó lành. Có người hỏi nếu làm triệt để sao công an không đến tận bãi gửi xe của quân nhậu mà tóm gọn. Thật ra, luật chỉ cấm uống rượu bia điều khiển xe thôi, chứ không cấm uống bia rượu. Mà cũng đừng lo việc các quán nhậu vắng khách hay nhà máy bia rượu sản xuất bị ế. Các nước khác họ làm chặt từ lâu rồi thế mà mấy ngành kinh doanh này có ảnh hưởng gì đâu. Một thời gian thôi là dân mình sẽ quen với việc này. Công nhân không có tiền đi taxi, thì đi xe ôm. Còn nếu cũng không có tiền đi xe ôm thì sao có tiền đi uống bia? Mà nếu có chút ít thì tốt nhất là nên mua về nhà uống. Ngoài taxi và xe ôm thì còn nhiều cách lắm. Hồi tôi đi học bên Đức, có quen một anh bạn đi làm Tiến sỹ bên đó, thường hay lấy ôtô đưa đón anh em tôi đi nhậu. Còn anh ta thì chỉ ngồi tu Coca hoặc nước táo thôi. Mời anh ta một ly cũng không bao giờ uống. Nghe anh ấy kể, hồi ở VN thì anh ấy còn uống dữ hơn chúng tôi, sang đây quy định phạt nặng, đành chấp hành, riết rồi lại thành quen.

 Lê Hoàng, 30 tuổi nhân viên kinh doanh: Tôi thấy luật ở VN vậy còn nhẹ. Ở Nhật, nếu phát hiện vượt nồng độ quy định là bị phạt từ  600.000 đến 1 triệu yên (150 triệu - 250 triệu VND), bằng 3,4 đến 6 lần mức lương tháng trung bình ở Nhật. Có thể bị tịch thu bằng lái xe, đồng thời cấm thi lấy lại bằng lái xe trong 3 năm. Cảnh sát Nhật ngoài buổi tối còn kiểm tra vào buổi sáng vì buổi tối nếu nhậu nhiều và quá khuya thì đến sáng vẫn còn nồng độ cồn cao. Nhiều người buổi sáng lái xe đi làm vẫn bị “dính”.

  Hoàng Anh, kỹ sư xây dựng: Lúc đầu chắc chỉ làm điểm ở một số nơi và vào một số thời gian, chứ khó có đủ quân số để rải ra quanh năm. Nhưng nếu thỉnh thoảng lại có một vài tháng cao điểm như thế này thì bà con chắc cũng phải thay đổi thói quen dần dần. Vụ mũ (nón) bảo hiểm lần trước cũng thế. Ban đầu khi mới ban hành chính sách nhiều người cũng phản đối ầm ầm, thậm chí khi đó báo chí, truyền hình cũng có nhiều tiểu phẩm hài hước giễu cái nồi cơm điện. Sau đó, vụ này nhạt dần. Nhưng đến đợt thứ hai thì làm nghiêm hơn, cuối cùng dân cũng hiểu và chấp hành. Thực tế có người ban đầu vì sợ mà chấp hành, nhưng sau đó thì họ tự chấp hành vì thấy có lợi.

 Hiroyuki Okamoto – Một người Nhật:

 
   Tôi đã đến Việt Nam được tám tháng và quyết định sẽ ở đây lâu dài bởi công việc, cuộc sống và mọi thứ đều rất hoàn hảo với tôi. Tuy nhiên, một trong những điều tôi cũng như nhiều người nước ngoài khác khá băn khoăn là văn hóa uống bia rượu ở đây. Người Việt uống bia rượu quá nhiều.

 Thật ra trong quá khứ (khoảng 20 năm về trước), đất nước tôi từng đối mặt với việc người dân bia bọt suốt ngày dẫn tới nhiều tai nạn giao thông và nhiều hậu quả đáng tiếc, càng đau lòng hơn khi đa số nạn nhân đều là người trẻ tuổi. May mắn thay, chính quyền lúc đó đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này.

Họ cho treo băng rôn, dán bảng cổ động và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ với hi vọng giúp người dân nhận ra tác hại của bia rượu… và mọi thứ phần nào được cải thiện đáng kể. Tôi nghĩ đất nước các bạn nên làm những điều tương tự trước khi mọi thứ trở nên quá trễ.

Dĩ nhiên người dân ở Nhật cũng uống bia rượu khá nhiều. Tuy nhiên, họ chỉ thường đến nhà hàng để chung vui cùng bạn bè, đồng nghiệp vào mỗi dịp cuối tuần, tuyệt nhiên ngày thường rất ít nhậu nhẹt, say xỉn… Sau một thời gian làm việc trong công ty Mỹ, tôi thấy các đồng nghiệp phương Tây giống người Nhật ở điểm này.

Một điểm nữa, bạn sẽ không được phép điều khiển phương tiện giao thông dù chỉ uống nửa cốc bia. Một khi bạn vi phạm quy định này, cảnh sát sẽ không ngần ngại phạt bạn với mức phí lên tới hàng ngàn USD. Hầu hết người dân khi có men bia rượu trong người đều được khuyến cáo phải đón tàu điện ngầm hoặc taxi, hoặc nhờ người hoàn toàn tỉnh táo chở về. Tất cả những hành động trên đều có một mục đích cuối cùng là đem lại sự an toàn cho cả bạn lẫn những người dân khác.

Ở Việt Nam có lẽ cũng có những luật lệ tương tự liên quan đến giao thông và độ cồn, nhưng dường như cảnh sát chưa thực thi nghiêm khắc nhất nên dù bạn có say xỉn mức độ nào vẫn có thể thản nhiên lao ra đường như bao người khác. Phải thú thật rằng tôi đã chứng kiến quá nhiều tai nạn giao thông đau lòng, khủng khiếp do các ma men gây ra tại Việt Nam.

Nghề của tôi phải giao tiếp và uống rượu bia nhiều với đối tác bởi đây là một trong những “văn hóa” trong kinh doanh dù bạn có làm việc ở Việt Nam, Nhật hay bất kỳ nơi nào… Bên cạnh đó, tôi sống một mình xa nhà nên cũng lắm khi cần một chút giải khuây nỗi buồn. Nhưng tôi tự cho phép mình mỗi tuần chỉ dùng chất cồn từ một tới hai ngày. Và tôi nhận ra khi mình tự nghiêm khắc với bản thân, biết suy nghĩ thấu đáo thì hành động này không quá khó để thực hiện.

Việt Tiến, Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn