Sau 23 năm phát triển, doanh số xe Suzuki Việt Nam vẫn lẹt đẹt

XeThứ Năm, 17/01/2019 07:54:00 +07:00

Trong năm 2018, thị phần ô tô của Suzuki chỉ chiếm 2,5%, trong khi thị phần xe máy là 1 - 2% toàn thị trường.

Năm 1996, Suzuki bắt đầu đặt chân tới Việt Nam với vốn điều lệ 97 triệu USD (100% vốn điều lệ của Suzuki Motor Corporation). Sau 23 năm hình thành và phát triển, lượng ô tô của Suzuki tại Việt Nam đạt 6.000 chiếc/năm và lượng xe máy đạt 100.000 sản phẩm/năm.

Con số mà Suzuki đưa ra có vẻ rất cao, tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh số cả 2 sản phẩm ô tô và xe máy của Suzuki rất thấp. Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong năm 2018, tổng doanh số của Suzuki Việt Nam đạt 6.897 chiếc (trung bình mỗi tháng là 575 chiếc), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị phần ô tô Suzuki tại Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ 2,5%. 

Thị trường ô tô 2018: Vỡ mộng giá rẻ theo thuế

Suzuki Wift có doanh số trong năm 2018 là 168 chiếc. (Ảnh Suzuki)

Suzuki Việt Nam khá thành công với dòng xe tải cỡ nhỏ. Cụ thể, 2 dòng xe tải cỡ nhỏ rất thành công của Suzuki là Carry Truck và Super Carry Pro có doanh số lần lượt lạ 2.410 chiếc và 1.907 chiếc. Ngoài ra, dòng xe trở khách (van) Carry Blind Van cũng có doanh số cao lên tới 1.458 chiếc.

Tuy nhiên, các dòng xe con, SUV Suzuki lại có doanh số rất thấp. Tính đến thời điểm hiện tại, Suzuki Việt Nam đang có 5 dòng xe thương mại, bao gồm: Ciaz, Ertiga, Vitara, Swift, Celerio.

Tổng doanh số của 5 dòng xe này là 1.122 chiếc. Trong đó, Suzuki Ertiga (Sedan) có doanh số thấp nhất, chỉ 29 chiếc/năm; tiếp đến là Suzuki Vitara (SUV) với 31 chiếc. 

3 dòng xe còn lại có doanh số khá khẩm hơn 1 chút, bao gồm: Suzuki Swift (168 chiếc); Suzuki Celerio (633 chiếc) và Suzuki Ciaz (261 chiếc).

Nửa đầu năm 2018, Suzuki Việt Nam đổ lỗi cho Nghị định 116 khiến cho các dòng xe nhập khẩu không thể đưa về Việt Nam kinh doanh. Suzuki Việt Nam cho biết, lượng xe bán ra trên là số xe tồn năm 2017 và chỉ có từng đó chiếc để bán. Muốn xác định chỉ số để đánh giá “ế” phải căn cứ vào số xe bán ra/số xe tồn ở các đại lý.

Tuy nhiên, nếu xét thị phần và doanh số của năm trước đó. Doanh số của Suzuki vẫn rất nghèo nàn. Cụ thể, nếu xét về mặt thị phần, hầu hết các hãng ô tô FDI tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng từ Nghị định 116, các dòng xe nhập khẩu khó khăn tìm đường về Việt Nam, khiến doanh số giảm mạnh.

111831-suzuki-ciaz-2017-1-1 9

Doanh số xe Suzuki trong năm 2018 không cao. (Ảnh: Suzuki)

Thậm chí, Ford Việt Nam còn giảm thị phần rất mạnh trong năm 2018, do doanh số Ford Ranger (mẫu xe chủ lực) phải mất 8 tháng mới được đưa về Việt Nam kinh doanh.

Mặc dù vậy, các sản phẩm ô tô nhập khẩu cùng phân khúc như Toyota Fortuner (SUV), Ford Ranger (pick-up) đều chạy nước rút rất nhanh.

Trong 2 tháng cuối năm 2018, doanh số của các mẫu xe này tăng đột biến, đơn cử, trong tháng 12/2018, doanh số Ford Ranger đạt 1.929 chiếc hay Toyota Fotuner là 1.346 chiếc. Trong khi tháng 12/2018, doanh số của 2 mẫu xe Suzuki Vitara và Eritga là số 0 tròn trĩnh.

Nếu xét doanh số trong năm 2017, thị phần của Suzuki Việt Nam chỉ chiếm 2,4%. Các dòng xe thương mại có doanh số không quá cao. Cụ thể, Suzuki Ciaz (359 chiếc/năm); Suzuki Swift (559 chiếc/năm); Suzuki Vitara (582 chiếc/năm); Gand Vitara (72 chiếc/năm).

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng doanh số bán xe máy của 5 hãng (Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM) trong năm 2018 gần 3,4 triệu chiếc.

VAMM không thống kê cụ thể thị phần của các hãng xe. Tuy nhiên, từ các bản báo cáo của Honda và Yamaha Việt Nam cho thấy, doanh số trung bình của Suzuki rất thấp.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính mới nhất của Honda Việt Nam trong năm tài chính 2018 (từ tháng 4/2017 - tháng 5/2018), thị phần xe máy của Honda vẫn dẫn đầu thị trường Việt Nam với hơn 75% (báo cáo tháng 10/2018 là 76,6% thị phần). Yamaha là 27% thị phần (tháng 10/2018).

1531567926-130-su-1531563887-width640height480_schema_article

 Một trong những thành công hiếm hoi của Suzuki là mẫu xe máy Viva. (Ảnh: 24h)

Như vậy, 3 hãng xe còn lại chỉ chiếm từ 3 - 5% toàn thị phần Việt Nam. Nếu như vậy, doanh số trung bình của dòng xe máy Suzuki sẽ dao động (1 - 2%) trong khoảng 34.000 - 70.000 chiếc/năm, một con số quá thấp tại một thị trường chuộng xe máy như Việt Nam.

Một trong những điểm sáng hiếm hoi của Suzuki Việt Nam sau 23 năm phát triển là sự thành công của mẫu xe máy Viva trong quá khứ. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ 21, Suzuki Viva nhập Thái đã từng là một tượng đài lớn tại Việt Nam.

Nhận thấy sức hút của mẫu này, Suzuki Việt Nam nhanh chóng nội địa hóa Suzuki Viva để giảm giá thành. Trong thời gian đầu, bản Viva lắp ráp trong nước mới chỉ nội địa hóa một phần, hãng này phân phối song song cả hai dòng Viva nhập Thái và Viva nội.

Từ sau năm 2001, Suzuki Việt Nam ngừng nhập Viva Thái và ra phiên bản mới cho Viva nội với tỷ lệ nội địa hóa cao hơn. Phiên bản Viva nội này lại không được lòng người tiêu dùng.

Sau năm 2000, thị trường xe máy cạnh tranh khốc liệt. Hai đối thủ cạnh tranh là Honda và Yamha liên tục tung ra các sản phẩm mới, với giá bán ngày cảng rẻ đã đẩy lùi ánh hào quang của Suzuki Viva. 

Tới năm 2006, Suzuki Viva chính thức khai tử dòng xe này để tập trung vào những dòng xe mới như Smash, Xbike. Tuy nhiên, cho tới nay ít có dòng xe nào của Suzuki lại có thể thành công tại Việt Nam như Viva. 

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn