Sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện tăng chóng mặt vào mùa đông

Gia đìnhChủ Nhật, 31/12/2023 15:32:00 +07:00
(VTC News) -

Bình nóng lạnh vốn dĩ không tiêu hao điện năng quá nhiều, tuy nhiên một số thói quen sai lầm khi dùng thiết bị này khiến tiền điện vào mùa đông tăng chóng mặt.

Vào mùa rét, bình nóng lạnh trong các gia đình đều tăng công suất hoạt động lên mấy lần. Tuy nhiên, một số thói quen sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện vào mùa đông tăng chóng mặt, khiến gia chủ nhăn nhó mặt mày khi thanh toán hóa đơn. Ngoài ra, một số sai lầm còn làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện tăng chóng mặt

Mùa đông là thời kỳ cao điểm sử dụng bình nóng lạnh nhưng chúng ta cũng nên chú ý để không phạm những sai lầm gây tốn điện hoặc nguy hiểm. Theo Sohu, dưới đây là những thói quen tai hại nên tránh: 

Bật bình nóng lạnh cả ngày

Nhiều gia đình có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để khi cần sử dụng là có nước nóng ngay, rất tiện lợi. Mặc dù lượng điện để làm nóng lượng nước đủ cho bạn sử dụng không quá nhiều nhưng nếu thiết bị ở trạng thái bật cả ngày, hóa đơn tiền điện chắc chắn sẽ tăng cao.

Bật cả ngày là một trong những thói quen sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện vào mùa đông tăng chóng mặt. (Ảnh:Inf)

Bật cả ngày là một trong những thói quen sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện vào mùa đông tăng chóng mặt. (Ảnh:Inf)

Bình nóng lạnh làm nóng nước giống như ấm điện đun nước. Khi đạt đến nhiệt độ nhất định, rơ le nhiệt của bình sẽ tự ngắt. Tuy nhiên, bình nước sẽ nguội từ từ nếu không được sử dụng. Nếu bạn không tắt công tắc, khi nước nguội, bình sẽ đóng điện trở lại để làm nóng nước. Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục trong ngày dẫn tới lãng phí điện.

Ngoài ra, thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày là tác nhân hàng đầu làm mòn lớp cách điện, khiến hệ thống ngắt điện hoạt động không còn hiệu quả, về lâu về dài dễ dấn tới rò điện, rất nguy hiểm.

Điều chỉnh nhiệt độ nước quá cao

Mùa đông ai cũng muốn tắm nước ấm nên nhiệt độ nước sẽ được điều chỉnh rất cao. Một số gia đình chọn nhiệt độ nước là 60 độ, tuy rất nóng nhưng họ thà thêm nước lạnh vào còn hơn hạ nhiệt độ xuống. Điều này gây tốn rất nhiều điện.

Theo Sohu, khi sử dụng bình nóng lạnh vào mùa đông, tốt nhất nên điều chỉnh ở mức 35-45 độ, mức nhiệt phù hợp nhất với cơ thể con người, đồng thời cũng tiết kiệm năng lượng nhất. Nếu bạn  thích tắm nước nóng hơn thì có thể điều chỉnh lên khoảng 50 độ C nhưng không nên cao hơn. 

Lười vệ sinh bình

Không vệ sinh bình thường xuyên là sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện vào mùa đông tăng chóng mặtc. (Ảnh: Superior Mechanical Services)

Không vệ sinh bình thường xuyên là sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến tiền điện vào mùa đông tăng chóng mặtc. (Ảnh: Superior Mechanical Services)

Một số gia đình chưa bao giờ vệ sinh bình nóng lạnh kể từ khi bắt đầu sử dụng. Bạn phải biết rằng bất kỳ thiết bị điện nào trong nhà cũng cần được vệ sinh thường xuyên và bình nóng lạnh cũng không ngoại lệ.

Nếu lâu ngày không được làm sạch, cặn bám trong bình sẽ ngày càng nhiều, không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ làm nóng, tốc độ nước, tăng hóa đơn tiền điện mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nước, gây hại cho sức khỏe làn da.

Bạn có thể tự vệ sinh bình nóng lạnh hoặc gọi thợ. Nếu muốn tự làm, hãy tháo đai ốc của ống dẫn vào máy nước nóng. Bên trong có một thanh magie. Bạn lấy thanh magie ra để nước bẩn chảy ra ngoài, sau đó dùng nước máy để rửa sạch các vết rỉ sét bên trong. Nếu thanh magie đã được sử dụng quá lâu thì bạn nên thay mới.

Các nhà sản xuất thường khuyến cáo kiểm tra bình nóng lạnh 3 tháng một lần. Trong mùa đông, khi tần suất sử dụng cao hơn, bạn có thể kiểm tra bình hàng tháng để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn