Roberto Saviano - Cuộc chiến giữa ngòi bút và súng ống

Tổng hợpThứ Tư, 23/06/2010 03:29:00 +07:00

Cái xác nằm đó không che đậy. Mọi người bước qua nó bình thản và lạnh lùng. Những vết giày dính máu lan tỏa khắp các nẻo đường...

Cái xác nằm đó không che đậy. Mọi người bước qua nó bình thản và lạnh lùng. Những vết giày dính máu lan tỏa khắp các nẻo đường... Napoli – nơi đã có 3.600 người bị mafia giết chết kể từ 1979 – chính là cái nôi khai sinh một nhà báo-nhà văn quả cảm – Roberto Saviano.

Roberto Saviano


Roberto Saviano sinh năm 1979 tại thành phố Napoli nước Ý, tốt nghiệp khoa Triết, Ðại học Federico II nhưng lại say mê và quyết tâm theo đuổi con đường làm báo. Anh chuyên điều tra về thế giới ngầm tại Napoli – cái rốn của các tổ chức mafia Italia, từ đây chúng lũng đoạn nền kinh tế cả Châu Âu và ngấm ngầm bành chướng ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ nhỏ, Roberto đã được cha đưa ra những bãi biển vắng người để học bắn súng. “Nếu con không khiến ai sợ hãi, không khiến mọi người phải phát khiếp khi nhìn thấy con thì lúc đó con vẫn chưa thành công” – lời dặn dò của cha hằn sâu trong trí nhớ của Roberto, khiến anh lờ mờ hiểu được những giá trị tạo nên quyền lực của các tổ chức tội phạm ở miền Nam nước Ý.

Ngay sau đó, chính cha của anh lại trở thành một thí dụ điển hình về sự không tuân thủ luật mafia. Ông – một bác sỹ – đã bị đánh chí tử khi thương tình đưa một nạn nhân của mafia đến bệnh viện. Như thế là làm hỏng kế hoạch của chúng, và tất nhiên là phải trả giá. Sự bất công đến nhức nhối ấy đã âm thầm đưa Roberto vào lĩnh vực văn học và báo chí.

Sau những năm tháng làm công nhật cho các tội phạm người Hoa vốn cạnh tranh với mafia Ý, phụ nề ở các công trường do mafia Ý kiểm soát 100%, đi theo các chuyến xe chở rác lậu, nghe trộm điện đài của cảnh sát… Roberto Saviano đã phát hiện ra những sự thật mà ngay cả các cơ quan điều tra Ý cũng chưa bao giờ biết đến hoặc không thể có tài liệu đầy đủ.

Mafia Napoli, hay như cảnh sát gọi bằng cái tên Camorra, là một tổ chức tội phạm kinh tế kinh doanh trong các lĩnh vực hợp pháp như địa ốc, may mặc, du lịch, vận tải và xử lý chất thải. Ngầm bên trong nó có cả buôn bán cocain, heroin và tống tiền. Ðương nhiên, những thủ đoạn của chúng vẫn là dùng tiền và bạo lực nhằm mua chuộc các quan chức chính trị và khống chế những ai kháng cự.

Cammorra có quyền lực khủng khiếp. Hoạt động của chúng chiếm 10% tổng sản phẩm quốc dân của Italia. Chỉ tính riêng ba trong rất nhiều tổ chức mafia của Camorra – ‘Ndrangheta, Calabria, và Cosa Nostra, doanh thu hàng năm đã là 800 tỷ USD. Trong khi đó, Fiat – tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Ý – mới chỉ đạt khoảng 80 tỷ USD. Rõ ràng, Mafia Italia là tổ chức kinh tế lớn mạnh nhất nước Ý, đồng thời là một trong những tổ chức kinh tế lớn nhất Châu Âu.

Điều đáng nói là chúng luôn ẩn mình một cách tinh vi dưới dạng những nhà đầu tư hợp pháp, những nhà cứu trợ nhân đạo, và những chính khách hết lòng vì nước vì dân để bòn rút cho đầy túi, đầu độc con người đặc biệt là giới trẻ, hủy hoại vùng đất và môi trường. Nguy hiểm hơn, chúng không chỉ bó hẹp trong nước Ý, hay Châu Âu, mà còn ngấm ngầm mở rộng quy mô hoạt động sang các nước khác, châu lục khác trên thế giới. 

Và để vạch trần tội ác cũng như hoạt động tinh vi của hệ thống mafia Ý, vào tháng 5/2006, Roberto Saviano đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết-phóng sự đầu tay mang tên Gomorra – ngầm hiểu là Camorra phải bị tiêu diệt. Cuốn sách ngay lập tức trở thành một sự kiện văn chương và xã hội phi thường. Nó đã đạt nhiều giải thưởng trong đó có giải Viareggio Literary danh tiếng vào năm 2006 và được liệt vào danh sách những cuốn sách quan trọng nhất thế giới năm 2007 do New York Time bình chọn. Tính đến tháng 1/2009, đã có 2 triệu cuốn được bán tại nước Ý và gần 4 triệu cuốn trên toàn thế giới với 51 ngôn ngữ khác nhau.

Không chỉ vậy, Gomorra còn được dựng thành kịch để lưu diễn khắp đất nước và chuyển thể thành phim. Bộ phim cùng tên do Matteo Garrone đạo diễn đã giành giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes 2008, và được cử làm đại diện cho điện ảnh Ý tranh giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Hàn lâm năm 2009.

Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng của quyển sách đã khiến cho tác giả của nó luôn phải sống trong sự truy sát ráo riết của mafia. Gia đình Roberto phải sống ẩn dật, bản thân anh phải di chuyển chỗ ở liên tục cùng với năm vệ sĩ và những chiếc xe chống đạn. Những căn nhà anh trú đều nhỏ bé, tối tăm, không cửa sổ, không ban công, không đồ đạc, chỉ có chiếc giường sinh viên và một ba lô đầy những vật dụng cá nhân như: quần bò, áo phông, thuốc men, bàn chải đánh răng, sạc điện thoại, sách và máy tính. Mọi thứ đều phải tối giản, sẵn sàng cho những cuộc tẩu thoát chóng vánh khỏi sự tấn công của mafia. Chẳng có ngôi nhà nào anh lưu lại quá vài tháng. Anh không được gặp bất kỳ ai và cũng chẳng ai muốn gặp anh vì họ sợ bị liên lụy. Nếu anh đăng ký 1 chuyến máy bay, cả chuyến đó sẽ bị hủy vì chẳng có hành khách nào đăng ký tiếp theo; vả lại, các hãng hàng không đương nhiên cũng chẳng muốn máy bay của mình bị gài mìn. Cuộc sống như nhà tù ư? Không! Có lẽ còn khủng khiếp gấp trăm ngàn lần cái chỗ đó.

Trong một bức thư gửi nhật báo La Repubblica, anh viết: “Tôi muốn có một cuộc sống, một căn nhà, muốn yêu và được yêu, có bạn hữu, muốn đi uống bia ở nơi công cộng, muốn đi hiệu sách và đọc những cuốn tôi yêu thích mà không sợ một kẻ nào đó sẽ bắn tôi vào đầu. Tôi muốn đi dạo dưới ánh mặt trời, muốn chạy dưới mưa, muốn gặp mẹ tôi mà không làm cho bà cảm thấy lo sợ vì chính bà cũng sẽ bị bắn chết. Chúa ơi, tôi mới chỉ 29 tuổi.”

Trong các cuộc phỏng vấn, có hai câu hỏi thường được đặt ra cho Roberto.

Một là: “Anh có hối hận vì đã viết Gomorra không?”

Anh đã trả lời: “Có – với tư cách là một con người, còn Không – với tư cách là một nhà văn, nhà báo”

Câu hỏi thứ hai mà anh nhận được là “Anh có sợ chết không?”

“Tôi luôn trả lời là Không, cho dù đó có thể là một cái chết đau đớn. Tôi sợ những điều khác. Khi tôi lần đầu bị đặt trong vòng bảo vệ, tôi nghĩ điều này sẽ chỉ diễn ra trong một vài tuần, hoặc một vài tháng. Giờ đây cái ý nghĩ tôi sẽ phải sống cả đời như vậy đã khiến tôi thực sự sợ, sợ hơn nhiều so với cái chết.

Nhưng nỗi sợ hãi tồi tệ nhất tấn công tôi mọi lúc chính là việc bọn Camorra sẽ cố hủy hoại danh tiếng của tôi, niềm tin của mọi người vào tôi, vào sự thật mà tôi đã phơi bày – những thứ mà để có được, tôi đã phải đánh đổi cả cuộc đời và từng ngày vẫn đang phải trả giá. Bọn chúng cũng sẽ làm như thế đối với những người thân của tôi và những người có liên quan trong việc giúp tôi hoàn thành công việc”.

Roberto biết rằng ngay cả Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy, nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, hay công nương Dianna... một khi bọn mafia đã quyết tâm ám sát thì sẽ không bao giờ thoát khỏi. Tuy nhiên, anh vẫn không ngừng viết thêm những cuốn sách và các bài báo mới, kiên quyết đấu tranh tới cùng nhằm chống lại mafia.

“Chân tôi ngập sâu trong bãi lầy. Nước đã dâng cao tới hai bắp đùi. Tôi có thể cảm thấy gót chân mình đang chìm dần. Một cái tủ lạnh to tướng trôi đến trước mặt tôi. Tôi nhoài người bám chặt cả hai tay lên đó, và để mặc nó đưa đi... Tôi cảm thấy mình như Papillon, người đã rời khỏi Guiana thuộc Pháp trên ngọn sóng thủy triều, cưỡi lên một cái bao tải đầy những quả dừa khô. Đó là một ý nghĩ không rõ ràng, nhưng có những lúc chẳng biết làm gì ngoài việc cười với cơn mộng mị của chính mình vì có những điều anh không chọn lựa mà đơn giản là chịu đựng. Tôi muốn kêu to lên, gào thét lên, xé tung lá phổi mình giống như Papillon. Tôi muốn hú lên tiếng hú từ sâu trong gan ruột tôi, cuống họng nổ tung với tất cả tiếng nói chứa trong mình: “Này! Lũ con hoang! Tao vẫn còn đây” – trích đoạn cuối trong cuốn tiểu thuyết-phóng sự Gomorra của Roberto Saviano.


Thu Hồng

Bình luận
vtcnews.vn