Rét đậm, bệnh nhân tim mạch và đột quỵ tăng, có ca phải thở máy

Tin tứcThứ Năm, 25/01/2024 14:45:40 +07:00
(VTC News) -

Thời tiết rét đậm, rét hại, bệnh nhân vào cấp cứu tại các bệnh viện Bạch Mai, Tim Hà Nội, Lão khoa Trung ương tăng ít nhất 10-15%, có ca bệnh nặng phải thở máy.

Đêm 24/1, người phụ nữ 60 tuổi, ở Hà Nội chóng mặt, đau đầu, tê bì nửa người bên trái. Gia đình tưởng bà bị trúng gió nhưng lúc sau các dấu hiệu trở nặng hơn, phải đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Người phụ nữ được chẩn đoán tai biến mạch máu não. Đây là một trong hàng trăm bệnh nhân phải cấp cứu khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rét đậm kéo dài, số bệnh nhân bị bệnh đột quỵ và những bệnh lý tim mạch khác đều gia tăng do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, trời lạnh, huyết áp tăng là nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ; thứ 2, thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn; thứ 3, môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.             

Nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Lạnh làm máu cô đặc lại, dẫn đến hình thành cục máu đông. Mùa lạnh, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao hơn, các thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội, sáng 25/1. (Ảnh: Như Loan)

Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội, sáng 25/1. (Ảnh: Như Loan)

Tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, số ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện nhiều. Đơn vị tiếp nhận 20-30 ca/ngày, 10% phải thở máy. Điển hình như trường hợp người đàn ông 70 tuổi, quê Phú Thọ được đưa vào cấp cứu khi khó thở, tắc nghẽn phổi cấp tính.

Người này bị tắc nghẽn phổi mạn tính nhiều năm, bất ngờ khó thở, suy hô hấp nặng trong đợt rét này. Các bác sĩ phải đặt máy thở để cấp cứu hồi sức tích cực.

TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số ca vào cấp cứu trung tâm đột quỵ, thần kinh tăng ít nhất 10-15% so với tuần trước. Riêng Trung tâm Thần kinh, mỗi ngày tiếp nhận 30-50 bệnh nhân, song bốn ngày gần đây tăng gấp đôi.

Bác sĩ Hoàng Văn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng thông tin, số bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, lóc tách động mạch chủ, tăng huyết áp vào cấp cứu tại bệnh viện tăng hơn ngày thường.

Bác sĩ lý giải vào những ngày trời lạnh, cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt, tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở nhóm vốn có sẵn yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá.

Người bệnh điều trị bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội (Ảnh: Như Loan)

Người bệnh điều trị bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội (Ảnh: Như Loan)

Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ nếu không xử trí kịp thời.

Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt) gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa thông tin, trong đợt rét này, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp, hầu hết đều do mở cửa đi ra ngoài buổi sáng sớm khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn.

Theo các chuyên gia, bên cạnh nhóm người già, bệnh nền, nhiều người trẻ chủ quan vừa tắm xong đã ra khu vực có gió, tập thể dục sáng sớm nhưng mặc ít áo, nhiễm lạnh dẫn đến liệt dây thần kinh số 7. Điển hình như nam thanh niên (27 tuổi, quê Hải Phòng) bị đột quỵ não sau tắm. Người này nhập viện trong tình trạng thị lực mắt phải 8/10, soi đáy mắt và mắt trái bình thường, kèm tê bì mặt và nửa người phải. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não mới thuỳ chẩm bên trái.

Các bác sĩ sử dụng phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Sau khi tiêm xong thuốc tiêu sợi huyết 1 giờ, tình trạng mắt của người bệnh cải thiện 70%. Sau 3 ngày điều trị, mắt của người bệnh phục hồi hoàn toàn.

Bác sĩ khuyến cáo, những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Bạn cũng cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm. Mọi người nên chuyển tập thể dục buổi sáng sớm sang buổi chiều vì khi đó nhiệt độ ấm áp hơn và cơ thể đã thích nghi trong ngày.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn