Quyền nuôi con sau ly hôn được pháp luật quy định thế nào?

Hòm thư pháp luật Thứ Sáu, 04/08/2023 07:48:06 +07:00

Người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Báo Điện tử VOV nhận được tình huống pháp lý của độc giả như sau: "Vợ chồng tôi cưới nhau đến nay được 3 năm, có 1 con gái 24 tháng tuổi; hiện tôi đang mang thai con thứ 2 ở tháng thứ 6. Do nhiều mâu thuẫn tình cảm không thể hàn gắn, nay vợ chồng tôi quyết định ly hôn. Trước khi cưới tôi có công việc và thu nhập, nhưng từ ngày sinh con đầu lòng tôi ở nhà chăm sóc con và chưa xin việc ở đâu. Xin hỏi, bây giờ vợ chồng tôi ly hôn, tôi muốn giành quyền nuôi cả 2 con có được không?".

Quyền nuôi con sau ly hôn được pháp luật quy định thế nào? - 1

Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:

Xem xét về quyền nuôi con sau ly hôn là một trong những vấn đề được rất nhiều cặp vợ chồng quan tâm. Dựa trên điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ tốt nhất về mọi mặt như điều kiện tài chính, năng lực chăm sóc và giáo dục của cha mẹ,... tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng bố hay mẹ là người giành quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung.

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 về vấn đề này như sau:

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

 1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo các quy định ở trên, với trường hợp của chị, chồng chị sẽ không có quyền nộp đơn xin ly hôn nên nếu chị muốn ly hôn thì chị sẽ phải nộp đơn xin ly hôn tới Toà án nhân dân có thẩm quyền. Đây là quy định bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ khi ly hôn trong trường hợp chồng có hành vi bạo lực đối với vợ hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được.

Theo quy định tại Điều 82 nêu trên, con dưới 36 tháng mà chị có đủ các điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng 2 bé thì chị có thể giành được quyền nuôi cả 2 bé.

Tuy nhiên, hiện tại chị đang chưa có việc làm thì chị có thể tìm việc, hoặc có cam kết chứng minh sau khi sinh bé thứ 2 chị vẫn có đủ điều kiện về kinh tế để có thể nuôi dưỡng cả 2 bé chu đáo../.

CTV Vững Nguyễn(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn