Quảng Nam: Hãi hùng cảnh sông 'tông' thẳng vào làng

Thời sựThứ Tư, 02/11/2011 01:43:00 +07:00

(VTC News) – Tại đoạn dòng sông bị đổi hướng, mỗi khi mưa trên nguồn đổ về là y như rằng, dòng sông “tông” thẳng vào làng...

(VTC News) – Cứ đến mùa mưa lũ, hơn 200 hộ dân cùng gần 1.000 nhân khẩu thôn Phước Yên (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) lại chịu cảnh sông lở “ăn” đến sát nhà cửa, ruộng vườn…

Ngược dòng sông lở

Chúng tôi ngược dòng Vu Gia về khúc sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phước Yên (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trong một ngày cuối tháng 10. Mặc dù những cơn mưa mùa đã dứt, nhưng dòng Vu Gia vẫn đục ngầu, cuồn cuộn chảy và kéo theo đó là hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp, ruộng vườn của người dân nơi đây.

Cuộc sống người dân Phước Yên bấp bênh khi dòng Vu Gia ngày càng lở 

Không những thế, hàng loạt nhà của gần 70 hộ dân nơi đây đang đối mặt nguy cơ bị cuốn theo dòng nước. Ông Nguyễn Quang Năm bên ngôi nhà 2 tầng chưa hết mùi vôi ve rầu rĩ nói, cứ với tốc độ thế này thì căn nhà này không sớm thì muộn cũng bị dòng sông nuốt chửng.

Cùng chung cảnh với ông Năm, ông Nguyễn Quang Thịnh (trú tổ 1, thôn Phước Yên) thở dài sườn sượt: “Chưa năm nào dòng sông lại hung dữ, sạt lở mạnh như năm nay. Chỉ tính từ giữa tháng 10 đến nay, mỗi ngày dòng sông này đã “đẩy” hàng ngàn mét khối đất xuống sông cùng chiều dài vết lở lên đến cả ngàn mét. Mấy ngày nay, cứ hễ có mưa là dòng sông cứ gầm lên, ầm ầm đất lở khiến người dân càng thêm lo lắng”.

Bụi tre của nhà ông Nguyễn Quang Thịnh (trú tổ 1, thôn Phước Yên) bây giờ đã ở giữa dòng Vu Gia 

Chỉ tay ra giữa sông ông Thịnh tiếp: “Bụi tre nhà tui bao lâu nay giữ đất. Mới hôm trước còn trên bờ thì nay đã ra giữa dòng... Không biết con sông còn lở đến bao giờ nữa”.

Khốn cùng vì dòng sông lở

Trưởng thôn Phước Yên, ông Huỳnh Thiên cho biết: “Từ đầu mùa mưa đến nay, Phước Yên này đã có vài ha đất ruộng bị trôi sông, hàng trăm bụi tre được người dân trồng để chống xói lở cũng bị theo dòng nước cuốn đi. Tuy chưa xảy ra vụ tai nạn chết người do sông sạt lở, nhưng đất mất dần là đã rõ, đời sống bị đảo lộn do nơm nớp lo sợ và cái kế sinh nhai của người dân cũng theo dòng Vu Gia mà trôi đi”.

Chúng tôi ngược tiếp dòng Vu Gia đoạn qua thôn Phước Yên gần 1km về phía thượng nguồn, anh Nguyễn Quang Tô (làm nghề đánh cá trên sông), tự nguyện làm hướng dẫn viên cho chúng tôi nói: “Việc khiến đoạn sông này bị sạt lở mạnh là do quá trình nạo vét mà ra. Càng nạo vét, dòng sông càng sạt lở mạnh. Đặc biệt là tại đoạn dòng sông bị đổi hướng, mỗi khi mưa trên nguồn đổ về là y như rằng, dòng sông “tông” thẳng vào làng khiến tình trạng sạt lở càng thêm nghiêm trọng”.

Không thể bỏ quê hương, người dân Phước Yên đang trông chờ dự án kiên cố hóa 2 bên bờ sông Vu Gia

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, mỗi năm huyện có khoảng 50ha đất hoa màu các loại bị mất do sạt lở. Trong khi đó, toàn huyện chỉ có 5km bờ sông được kè kiên cố, số còn lại vẫn đối mặt với nguy cơ sạt lở mỗi khi nước trên nguồn kéo về. “Không thể rời bỏ quê hương, nên mong mỏi lớn nhất của người dân là được nhà nước xây kè để bảo vệ nhà cửa, hoa màu và tính mạng của người dân”, ông Tính nói.

Ông Tính cho biết thêm, UBND huyện Đại Lộc đã có văn bản báo cáo lãnh đạo tỉnh về tình trạng này. Trước mắt, UBND huyện Đại Lộc sẽ đề nghị tỉnh trích kinh phí khẩn cấp để chống xói lở ở đoạn sông đang sạt lở nặng. Sau đó, huyện sẽ lập dự án để báo cáo với tỉnh và Trung ương vì muốn xây kè cần nguồn kinh phí rất lớn.

Trong khi chờ đợi, đất hai bên bờ sông qua Phước Yên vẫn tiếp tục lở

Và cứ như vậy, trong khi chờ kinh phí, phê duyệt phương án khắc phục, hàng trăm hộ dân nơi đây phải đối mặt với tình trạng mất dần đất canh tác, kế sinh nhai cùng những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mỗi khi dòng Vu Gia cuộn nước.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn