Quan tổng đốc thanh liêm làm trộm cướp khiếp sợ

Pháp luậtThứ Hai, 02/01/2017 10:43:00 +07:00

Lịch sử Việt Nam ghi chép nhiều gương quan thanh liêm được nhân dân kính trọng, nhưng tài đức của quan cai trị khiến kẻ cướp bảo nhau lánh khỏi địa hạt như Tổng đốc Nguyễn Văn Hiếu thời nhà Nguyễn là khá hiếm hoi.

Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1766, quê ở Định Tường, Gia Định (nay là huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), tuy là con của quan Cẩm y Chưởng vệ nhưng nhà rất nghèo. Thuở thiếu thời, ông từng phải đi cắt cỏ thuê kiếm sống.

Năm Ất Tị (1785), ông theo tướng Võ Tánh để phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, từ chức Cai cơ hỗ giá ông dần thăng tiến lên vị trí Hữu chi Phó trưởng chi, rồi Chánh trưởng chi. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, ông được cử làm trấn thủ Bình Định, sau điều ra làm trấn thủ Sơn Nam Hạ (Nam Định ngày nay).

vne

 

Đức thanh liêm của Nguyễn Văn Hiếu được sách Đại Nam liệt truyện chính biên (sơ tập, quyển 16) ghi lại như sau: Nhà quan mà xơ xác, lương bổng năm nào chỉ đủ chi dùng cho năm đó, chẳng dư dả gì. Ông thường nghiêm cấm người nhà không được tự ý giao thiệp với người ngoài. Ngày lễ, tết, ai biếu gì cũng chối từ.

Khi vợ có đôi lúc nói về gia cảnh, ông nhắc nhở: "Phu nhân không còn nhớ thuở còn đi cắt cỏ ư ? Cái ăn cái mặc giờ đây gấp đôi gấp năm ngày xưa, vậy mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư?". Người vợ từ đấy không còn nói đến lợi lộc.

Nguyễn Văn Hiếu tuy là quan võ nhưng lại có phong độ của Nho gia nên sau các kỳ thi, các tân khoa đều tới yết kiến. Ông tiếp đãi ân cần và nhân đó căn dặn: Khổ công đèn sách mười năm mới có được ngày nay, xin mừng cho các bạn hiền. Ra làm quan cũng nên sống như thuở nghèo khổ, chớ nên xa xỉ. Nếu không, trước mắt là mình hạ nhục thân danh, sau là uổng công kén chọn nhân tài của triều đình.

Nguyễn Văn Hiếu được người dân kính trọng. Trong hạt có trộm cướp, ông trực tiếp đem quân đi bắt. Theo Đại Nam liệt truyện chính biên, bọn cướp răn bảo nhau rằng: Quan Trấn thủ nhân hòa, ấy là Phật sống, nên kính cẩn mà lánh đi.

Năm Minh Mạng thứ hai (1821), nhà vua tuần du ở Bắc, nghe biết Nguyễn Văn Hiếu trị dân có tiếng tốt, liền triệu vào Thăng Long, cho thăng vượt cấp, thưởng một ống nhòm mạ vàng, một thanh gươm mạ vàng và một khẩu súng có nạm chữ vàng.

Năm Minh Mạng thứ tư (1823) ông nhận chức Trấn thủ Thanh Hoa. Một hôm, có viên Thổ ti đem lễ vật rất hậu đến xin yết kiến, ông khước từ và sai mang về. Người đầy tớ ở dưới bếp biết được liền lẻn cửa sau ra, dọa nạt viên Thổ ti và nói dối là ông sẽ lấy một nửa. Việc bị phát giác, ông giận lắm, sai đem chém đầu ngay, bạn đồng liêu can ngăn mấy cũng không nghe.

Chém xong, ông xin chịu tội với triều đình. Vua cho là ông tự tiện giết người, phạt giáng ba bậc nhưng vẫn cho lưu nhiệm chức cũ.

Năm 1826, ông cùng quan trấn Nghệ An dẫn quân đi dẹp cuộc nổi dậy ở Ninh Tạo. Nhờ công lao này, ông được thăng chức Thần sách Tả doanh, Phó Đô Thống chế, lãnh chức Trấn thủ Nghệ An.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được bổ làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình). Thời kỳ đó, ông đã cho dời lỵ sở của phủ Hoài Đức ở phố Phủ Doãn về khu Dịch Vọng thuộc huyện Từ Liêm (nay là khu vực Học viện Báo chí tuyên truyền, thuộc quận Cầu Giấy).

Nguyễn Văn Hiếu mất năm 1835, thọ 69 tuổi. Năm Tự Đức thứ 5 (1851), ông được thờ ở miếu Trung hưng Công thần. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), Nguyễn Văn Hiếu được thờ ở Hiền Lương Từ.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn