"Phụ huynh sợ game và cấm con vì không đủ thông tin"

Thời sựThứ Ba, 09/11/2010 08:06:00 +07:00

(VTC News) - “Vì sao phụ huynh sợ game online, cấm con cái? Theo tôi là vì họ không đủ thông tin, không hiểu nên cấm”.

(VTC News) - “Vì sao phụ huynh sợ game online, cấm con cái? Theo tôi là vì họ không đủ thông tin, không hiểu nên cấm”. Đó là quan điểm thẳng thắn của Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN khi nói về việc cần nhìn nhận game online theo cách công bằng như các hiện tượng khác nảy sinh trong xã hội hiện đại.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: Về mặt nguyên lý, bất kể vấn đề nào trong xã hội đều ảnh hưởng tới phát triển nhân cách của một đứa trẻ nói riêng, một con người nói chung. Người Việt Nam có câu tổng kết: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Từ góc độ tâm lý, tôi khẳng định rằng các hiện tượng đó ảnh hưởng như thế nào đến một con người thì còn tuỳ vào việc cá thể ấy trưởng thành và sinh sống trong môi trường như thế nào.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan: "Game online đang mày mò tìm lối đi để tồn tại".
Về vấn đề game online mà dư luận đặt ra, thời điểm này việc nhìn nhận, bình luận như thế nào về tiêu chí bạo lực và khiêu dâm hiện vẫn còn đang phải bàn cãi. Người ta có thể vẽ ra rất dài những tiêu chí để xét như thế nào là bạo lực, khiêu dâm và mức độ của nó. Nhưng để có cách nhìn nhận thật khách quan thì cần sự phối hợp liên ngành.

Tuy vậy, dù thế nào cũng phải dựa trên cơ sở là sự nhận thức của mỗi cá nhân, trong đó có tính tới yếu tố phát triển về tâm sinh lý. Trước cùng một hiện tượng, như bản thân bức tượng khoả thân thời kỳ Hi Lạp - La Mã, với nhiều người không thấy gợi dục, nhưng một số người khác thì ngược lại. Điều đó phụ thuộc vào sự trang bị hiểu biết và những kỹ năng sống của mỗi con người để thích ứng trong xã hội hiện đại.

Chúng ta không thể lấy quan niệm và kỹ năng sống của con người trong thời kỳ bao cấp, đặc biệt là tư tưởng tiểu nông, để áp đặt vào thế hệ trẻ hiện nay. Điều ấy là hoàn toàn sai lầm. Mỗi một thế hệ, mỗi một giai đoạn phát triển đều có nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau với xã hội. Và sự đánh giá của xã hội cũng phải vận hành theo đó. Theo tôi, cần một bộ khung mới để đánh giá con người hiện đại chứ không thể lấy bộ khung cũ để áp cho con người hiện nay.

- Muốn có một bộ khung hoàn chỉnh cho con người hiện đại, từ đó nhìn nhận game online đúng đắn hơn, thì cần thời gian để chuyển đổi nhận thức, thưa ông?

- Đúng vậy, trước hết là về cách nhìn nhận, định hướng giá trị của mọi người dân trong xã hội. Trong quá trình chuyển đổi, có nhiều người bị sốc vì chưa quen với những biến đổi, không tránh khỏi những hiện tượng hiểu sai vì chúng ta chưa từng trải qua và chưa có hiểu biết đầy đủ.

Game online cũng là hiện tượng như vậy, là hệ quả của cơ chế thị trường hiện nay, với 1 hệ thống người cung cấp và hệ thống người tiêu dùng rộng lớn. Vậy thì, làm thế nào để cân đối được lợi ích của cả hai bên là yêu cầu buộc. Các nhà quản lý xã hội và các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để mang lợi ích cao nhất cho thế hệ thanh thiếu niên và cho xã hội.

- Theo ông, phải bắt đầu từ đâu để giảm dần cái nhìn thiếu khách quan với game online?

- Tác động mạnh nhất hiện nay đến định hướng dư luận chính là các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí… Tôi cho rằng, dựa trên kiến thức khoa học, các nhà báo phải có cái nhìn đúng để giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn khách quan. Các phụ huynh nói riêng và người dân nói chung hiện nay hiểu sai lệch về game online. Đó là vì họ không có thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ.

Rõ ràng chơi game có những mặt tích cực, và chúng ta cần hiểu nó để khắc chế mặt tiêu cực mà phát huy những mặt tích cực. Game làm cho con người ta có được phương tiện để giải trí vui chơi, phương tiện để giải strees, phương tiện để phát triển óc tưởng tượng, tư duy… nhưng game cũng có mặt trái là mất thời gian và tốn tiền bạc. Các thông tin này cần được nhìn nhận khách quan để cung cấp cho người dân hiểu biết cần thiết.

Game online đang phát triển như một phần tất yếu của xã hội hiện đại.
- Còn vai trò của gia đình trong việc dạy dỗ và định hướng đối với từng cá nhân thì sao, thưa ông?

- Cha ông ta đã tổng kết quy luật: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”. Lối sống của bố mẹ, ngay cả cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền của các bậc phụ huynh cũng dạy cho đứa trẻ những bài học và tác động vào sự hình thành nhân cách.

Sự phát triển của con người bắt đầu từ lúc sinh ra. Thậm chí, những nghiên cứu của nước ngoài chỉ ra yếu tố đó bắt đầu từ khi thụ thai, tâm trạng của ông bố, bà mẹ đều có ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Nói như vậy để thấy sự phát triển của một con người có thể tính là được bắt đầu từ trong bụng mẹ.

Chính vì thế, trong việc hình thành nhân cách của con trẻ, chính bố mẹ phải là người dạy dỗ, chỉ bảo cẩn thận và tuyệt đối không được né tránh. Hiện nay, có thực tế là phụ huynh thường mang quyền của mình ra để cấm con cái. Ví dụ, cấm chơi game! Vì sao cấm? Tôi cho là vì không hiểu mà cấm. Bởi chính phụ huynh cũng thiếu kỹ năng trong việc xử lý, đối mặt với những hiện tượng mới nảy sinh trong xã hội, mà game onlime cũng chỉ là một hiện tượng mới như thế.

- Nhưng khi xã hội ngày càng phức tạp thì phụ huynh càng lo lắng khi con em mình đối mặt với những hiện tượng mới nảy sinh, thưa ông?

- Phụ huynh lo lắng khi con đối mặt với các hiện tượng xã hội vì họ không đặt niềm tin ở con em mình. Sâu xa hơn, là do họ không trang bị con em mình kiến thức và kỹ năng để đối mặt với những tình huống đó. Đó mới là điều quan trọng.

Nói riêng trong game, kết quả nghiên cứu của anh Trịnh Hòa Bình chỉ ra rằng người càng ít hiểu biết về game thì nhận định về game càng tồi tệ; người hiểu biết hơn thì đánh giá công bằng hơn, phải chăng hơn. Và các vị phụ huynh không thực sự biết, chỉ nghe qua đồn thổi thì càng sợ game.

Không những thế, việc cấm đoán một cách cực đoan của các bậc phụ huynh còn thể hiện sự mâu thuẫn thế hệ trong mỗi gia đình. Điều đó càng chứng tỏ thực tế rằng mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình hiện nay đang rất lỏng lẻo.

- Đã từng có những cơ quan quản lý địa phương đồng thuận với suy nghĩ tiêu cực của phụ huynh mà ra lệnh cấm game online. Từ góc độ của một nhà tâm lý học, ông có nghĩ đó là yếu tố làm kìm hãm sự phát triển của xã hội?

- Game online đang mày mò tìm lối đi để tồn tại, nên quyết định cấm hoàn toàn game online là không thoả đáng, bởi đó là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện nay. Chúng ta phải hội nhập, phải chấp nhận nó như là một phần sự phát triển của xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, chấp nhận trong chừng mực và khuôn khổ nào thì lại cần dựa trên kết quả của các công trình nghiên cứu một cách cụ thể, bài bản về vấn đề này. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế được những hậu quả đáng tiếc do game online đối với thế hệ trẻ hiện nay. 

Thực tế, cộng đồng chơi game ngày càng lớn và số người quan tâm đến nó cũng rất nhiều là bởi nó liên quan trực tiếp đến sự phát triển và hình thành nhân cách của con em trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, phủ nhận game online là điều không nên, đi ngược lại sự phát triển của xã hội hiện đại.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ly (thực hiện)


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn