Phi công riêng của bầu Đức kể chuyện đời, chuyện nghề

Thể thaoThứ Bảy, 07/04/2012 10:17:00 +07:00

Người lái máy bay ném bom xuống Dinh Độc Lập- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung giờ đây là phi công riêng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.

Đúng 37 năm trước, ngày 8/4/1975 chính quyền ngụy ở miền Nam Việt Nam choáng váng bởi quả bom ném xuống Dinh Độc Lập. Người lái chiếc máy bay năm ấy- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung giờ đây là phi công riêng của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.

Và câu chuyện của người ẩn mình đột nhập vào hàng ngũ địch, ném bom Dinh độc lập rồi làm phó TGĐ Vietnam Airlines để rồi khi đã ở tuổi xế chiều vẫn được thỏa sức trên bầu trời bao la cùng ông bầu của HAGL và chiếc Beechcraft King Air 350 thực sự vẫn là huyền thoại sống.

Tên thật của tôi là Đinh Khắc Chung

"Tôi sinh ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trong gia đình có 5 anh em. Cũng giống như bao nhiêu người khác, thời đó tuổi thơ không có lấy một ngày yên bình. Ngày này sang tháng khác, thường xuyên phải chứng kiến cảnh li tán, chết chóc, tang thương dưới làn lửa đạn dày xéo của quân thù. Lớn lên một chút tôi đã phải sớm chứng kiến cảnh ba mình bị sát hại, mẹ và chị gái bị bắt, 2 anh trai đi tù, nhà bị đốt...".

Nước mất, nhà tan, trong bối cảnh đó thử hỏi ai mà không căm phẫn kẻ thù đến tột độ? Nợ nước, thù nhà chưa trả, Đinh Khắc Chung (tên ở nhà là Năm Chung) luôn tâm niệm một điều, phải luôn giữ cho mình trái tim nóng, cái đầu lạnh chờ ngày hành động. Từ đó thay tên đổi họ, mang cái tên mới Nguyễn Thành Trung, đột nhập vào hàng ngũ địch...

Phi công Nguyễn Thành Trung trong vòng tay của đồng đội ở vùng giải phóng

"Tổ chức đã làm tất cả để đưa tôi vào lực lượng không quân của quân đội ngụy với chỉ thị là làm sao phải trở thành phi công giỏi va chờ đến một ngày nào đó..." anh Trung kể. Để được ngồi lên máy bay, Nguyễn Thành Trung đã phải trải qua những đợt tập huấn nặng nhọc ở các căn cứ không quân Mỹ tại Texas, Lousiana và Mississipi- Hoa Kỳ.

Khi về nước, phi công Thành Trung đóng tại căn cứ Biên Hòa. Thời gian này, anh vẫn giữ liên lạc với tổ chức nhưng phải đến năm 1975 "cái ngày nào đó" mới đến. Đầu tháng 2/1975 giải phóng tỉnh Bình Phước, anh Trung liền đề nghị cấp trên gấp rút sửa sân bay dã chiến Phước Long, mặc dù đường băng ngắn không đủ cho máy báy F5E hạ cánh. Sau chiến dịch Tây Nguyên và Huế- Đà Nẵng, tình hình chiến sự diễn biến có lợi, thời cơ mới đang đến. Nguyễn Thàn Trung đã báo cáo với cấp trên và đề nghị sẵn sàng đón anh trong khoảng từ 1-10/4.

"Ngày 8/4/1975, chúng tôi có một phi vụ đi ném bom ở Phan Rang. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Đây là một cơ hội tốt cho tôi nhưng làm được cực kì khó khăn vì khi đã bay thì mình không thể tách đội ra trên không trung. Mình càng không thể lấy máy bay trong căn cứ khởi động rồi lăn ra đường băng cất cánh". Thế nhưng với bản lĩnh và kinh nghiệm, phi công Thành Trung đã tìm ra cách để qua mặt phi đội trưởng và đài kiểm soát không lưu bằng cách ra dấu hiệu cho chỉ huy mình không thể cất cánh nhưng lại để đài kiểm soát không lưu nghĩ rằng mình có thể bay được.

Chiếc F5E mang được 4 trái bom, nhiệm vụ và mục tiêu là dinh Độc Lập, sứ quán Mỹ và kho xăng Nhà Bè. Vòng đầu tiên 2 quả bom thả trượt, cho đến lần thứ 2 thì trái bom trúng phía sau Dinh.


Hoàn thành nhiệm vụ, phi công Đinh Thành Trung hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Quả bom của Nguyễn Thành Trung cùng khí thế quân giải phóng đã khiến 2 tuần sau, vào ngày 21/4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và chạy ra nước ngoài.


Bầu Đức và phi công Nguyễn Thành Trung bên cạnh chiếc phi cơ riêng

Đời tôi đẹp nhất ngày 8/4


"Đã 37 năm trôi qua, cứ mỗi dịp đến ngày 8/4, ngoại trừ những khi đi công tác xa, thời gian còn lại tôi thường dẫn cả gia đình, mời bạn bè đến thăm Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) ôn lại kỉ niệm xưa, rồi đi liên hoan. Sau khi nghỉ hưu, chuyển sang làm cho Ba Đức, dù đi đến dâu, làm gì cứ đến dịp này chú Đức đều tạo điều kiện cho tôi về đoàn tụ với gia đình, thăm lại chiến trường xưa và cả tặng quà nữa... Trong cuộc đời có nhiều sự kiện để nhớ, riêng tôi đẹp nhất là ngày 8/4", ông Trung tâm sự.

Rời quân ngũ, với quân hàm đại tá, Nguyễn Thành Trung chuyển sang công tác tại Vietnam Airlines từ năm 1990 đến 2008, với chức vụ phó TGĐ rồi sau đó về hưu. Năm Chung kể: "Vào một ngày Hè năm 2008, đang lúc nằm nhà xem báo, bất ngờ nhận được cú điện thoại của anh Đinh Văn Mười (nguyên Phó TGĐ Vietcombank) mời tôi đi uống cà phê với một "người đặc biệt". Đến nơi, mới biết người đặc biệt đó là anh Đoàn Nguyên Đức xuống từ Pleiku.

* Đón đọc Kì 2: Tiết lộ bí mật chiếc máy bay của bầu Đức

Minh Vỹ (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn