Phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Cần tăng cường hành lang pháp lý

Bất động sảnThứ Năm, 16/08/2018 10:10:00 +07:00

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh song thực tế việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Bên cạnh hạn chế về nhận thức, việc hành lang pháp lý còn thiếu và yếu cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả đạt được chưa cao. 

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh song thực tế việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Bên cạnh hạn chế về nhận thức, việc hành lang pháp lý còn thiếu và yếu cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả đạt được chưa cao.

Hành lang pháp lý còn thiếu và yếu

Tại hội thảo “Xu hướng sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng phối hợp với Eurowindow mới đây vừa tổ chức, những con số thống kê sơ bộ được đưa ra cho thấy, số lượng công trình được chứng nhận xanh ở nước ta còn rất khiêm tốn.

Trong khi tại Malaysia có 125 công trình xanh, Singapore có hơn 2.000 công trình xanh ở thì Việt Nam mới chỉ có chưa đến 100 công trình. Con số này là quá thấp so với hàng chục nghìn công trình lớn đã và đang đầu tư xây dựng hiện nay.

image001

Ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng Giám đốc Công ty CP Eurowindow phát biểu tại hội thảo 

Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng cho rằng, mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách định hướng, song về mặt quản lý, hiện vẫn chưa có hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhằm thúc đẩy và bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân thủ xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu chưa nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể về tiêu chuẩn vật liệu xanh như các nước trên thế giới.

QCVN 09:2013/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả là bộ quy chuẩn hiện hành duy nhất về các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các công trình. Tuy nhiên, việc thực thi hướng dẫn trong cẩm nang này còn hạn chế do thiếu sự mạnh mẽ trong quản lý đầu tư xây dựng.

“Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng. Ngoài ra, sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển dự án xanh còn hạn chế” – Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia đánh giá.

image003

Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam 

Trong khi đó, ở một góc độ khác, thiết kế công trình xanh theo phương pháp thụ động như kết hợp hướng nhà, trồng cây xanh tạo ra bóng mát, sử dụng hiên, giàn cây…vẫn được nhiều chủ đầu tư ưu tiên sử dụng như một giải pháp kiến trúc xanh truyền thống.

Chính vì thế, khi sự phối hợp giữa bộ ba “nhà thiết kế - nhà sản xuất – chủ đầu tư” không đủ chặt, các kiến trúc sư không giữ được đạo đức nghề nghiệp, chấp nhận quan điểm “ăn xổi” thì việc phát triển các công trình xanh còn chậm là điều đương nhiên.

“Luật pháp cần phải có cơ chế ràng buộc để 3 nhà ngồi lại với nhau ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án. Phát triển theo thị trường nhưng luật cần phải quy định rõ ràng, nếu kiến trúc sư vi phạm đạo đức sẽ phải tước giấy hành nghề, nghiêm minh như quy định ở các quốc gia khác” - KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam đưa ra quan điểm.

Từng bước thay đổi tư duy

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, một số nước có chính sách ưu đãi mạnh mẽ đầu tư công trình xanh. Như tại Trung Quốc, các đơn vị từ sản xuất vật liệu xây dựng xanh đến đầu tư phát triển công trình xanh đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất... Chính phủ nước này còn ban hành chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua nhà trong các dự án đạt tiêu chuẩn xanh.

Một số quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia ban hành các chính sách chặt chẽ hơn, buộc các nhà đầu tư phát triển dự án theo hướng xanh hóa, quy định cụ thể các khu vực nào chỉ được phép phát triển công trình xanh.

Đại diện Bộ Xây dựng tại hội thảo cho biết, thời gian tới sẽ tập trung sớm hoàn thiện ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có tiêu chuẩn về phát triển vật liệu xanh; xây dựng khung pháp lý, cơ chế khuyến khích các thành phần tham gia phát triển công trình xanh cũng như thành lập các đơn vị đánh giá thẩm định chuyên nghiệp về chất lượng công trình theo tiêu chí xanh, bước đầu hình thành thị trường, thay đổi nhận thức để phát triển bền vững.

image005 3

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo “Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”.  

Theo ý kiến của các chuyên gia, đầu tư phát triển công trình xanh tại Việt Nam, hai “nhà” bao gồm nhà đầu tư, nhà thiết kế, kiến trúc sư cũng cần thay đổi tư duy, không nên nhìn suất đầu tư ban đầu cao, mà cần tính cho cả vòng đời dự án (khoảng từ 30 đến 50 năm).

Đơn cử như, nếu đầu tư công trình xanh ban đầu có thể cao hơn khoảng 30%, nhưng hằng năm, tiền điện, nước, năng lượng... sẽ giảm khoảng từ 25 đến 30%. Toàn bộ vòng đời dự án 30 năm, con số tiết kiệm chi phí sẽ lớn hơn nhiều khoản đầu tư ban đầu. Ðó là chưa kể đến những lợi ích khi người dân được sinh sống trong điều kiện thoải mái, ít ô nhiễm.

Về phía nhà sản xuất, bên cạnh việc tích cực cập nhật công nghệ, phát triển sản phẩm mới, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường tạo “chất keo” kết nối với nhà đầu tư, nhà thiết kế, kiến trúc sư, tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh để nâng cao nhận thức của người dân.

Đây là việc làm hết sức cần thiết mà các doanh nghiệp lớn, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng xanh như Eurowindow đã và đang làm được, vấn đề là rất cần sự chung tay của đơn vị khác để tạo nên “làn sóng thay đổi tư duy” ở Việt Nam. 

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn