Phát triển công nghệ tái chế: Tăng giá trị kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường

Đời sốngThứ Hai, 02/11/2020 15:03:00 +07:00
(VTC News) -

Trước vấn nạn rác thải nhựa, việc cần làm lúc này là phát triển các công nghệ tái chế, làm sao để tận dụng giá trị sử dụng của nhựa mà không gây ô nhiễm môi trường.

Tại toạ đàm trực tuyến chủ đề “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường” diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hưởng, Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đánh giá, việc tái chế rác thải nhựa sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, vừa tiết kiệm tài nguyên, đồng thời giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh..., theo đó vừa mang giá trị kinh tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, dù việc tái chế đem lại nhiều tiềm năng song bà Hưởng cũng đánh giá công nghệ tái chế nhựa của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn tới lãng phí nhiều tài nguyên đồng thời gây áp lực lớn đến môi trường do lượng rác thải nhựa xả thẳng ra quá lớn.

Phát triển công nghệ tái chế: Tăng giá trị kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường - 1

 

Theo ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC), nhựa như nhiều vật liệu khác, cần làm như thế nào để tận dụng các giá trị của nó mà không gây tác động tới môi trường. 

Cũng theo ông Bái, công nghệ tái chế phổ biến trên thế giới có thể chia làm 3 công nghệ chính, thứ nhất là thu gom, làm sạch, phân loại theo từng loại nhựa và chuyển hoá thành hoạt chất căn bản, ví như từ chai nước thành sợi polyester. Thứ hai là làm sạch lại, băm ra thành mảnh nhựa nhỏ, nhựa nguyên sinh, sau đó cho vào máy đùn để ép ra sản phẩm khác. Thứ 3 là biến chất thài nhựa thành 1 phần của vật liệu xây dựng, trong đó có bê tông. 

Ông Bái cho biết, hiện quy trình tái chế nhựa phổ biến ở Việt Nam chủ yếu là mang sản phẩm nhựa về ép ra sản phẩm mới với quy mô nhỏ, do vậy, vẫn cần phải phát triển thêm 1 số công nghệ khác để không lãng phí "tài nguyên rác", đồng thời giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đối với môi trường trong tương lai. Hiện nay, Chính phủ, Bộ TN&MT và các Bộ chuyên ngành khác cũng đang tạo ra cơ sở pháp lý cho các công nghệ mới phát triển.

Song song với việc xử lý chất thải nhựa, việc quan trọng không kém đó là quản lý các sản phẩm từ nhựa. Điều này đòi hỏi các cơ quan chính quyền cần tuyên truyền người dân hiểu rõ cách sử dụng các chế phẩm từ nhựa, hạn chế thải sản phẩm nhựa ra môi trường, ông Bái nhấn mạnh.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn