Phát triển BHXH bắt buộc - Thực trạng và giải pháp

Tin nhanh 24hThứ Năm, 10/11/2022 15:37:00 +07:00
(VTC News) -

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam vừa phối hợp với BHXH tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề Phát triển BHXH bắt buộc - Thực trạng và giải pháp.

Hội thảo có sự tham gia, đóng góp nhiều giải pháp hay từ các cấp chính quyền, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Hàng chục ngàn NLĐ chưa được tham gia BHXH, BHYT

Báo cáo tại Hội thảo, ông Trần Khắc Thắng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, bước đầu tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Công tác phối hợp, tuyên truyền được quan tâm và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; số người tham gia BHXH bắt buộc tăng dần qua các năm…

Phát triển BHXH bắt buộc - Thực trạng và giải pháp - 1

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam vừa phối hợp với BHXH tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề Phát triển BHXH bắt buộc - Thực trạng và giải pháp.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, thực tế việc triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh cũng còn hạn chế, vướng mắc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện ở một số nội dung. Vì vậy, chỉ tiêu về phát triển BHXH bắt buộc chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra khá nhiều. Cụ thể, tính đến nay toàn tỉnh có 2.453 đơn vị chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc, với tổng số lao động là 23.360 người; 3.110 đơn vị chưa tham gia đầy đủ với số lao động là 73.646 người (tổng số lao động chưa tham gia là 97.006 người). “Đây là thực trạng đáng báo động vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của NLĐ, đến việc thực hiện chính sách ASXH và tiềm ẩn nguy cơ trật tự xã hội”- ông Thắng lo ngại.

Thông tin thêm tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017-2021, số NLĐ tham gia BHXH so với lực lượng trong độ tuổi lao động có tăng lên đáng kể. Cụ thể, nếu năm 2017, Quảng Nam có 847.372 người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 19,47% lực lượng trong độ tuổi lao động), thì năm 2021 tăng lên 908.709 (chiếm 22,85%). Tuy nhiên, theo ông Danh, con số trên chưa tương xứng với niềm năng phát triển tại tỉnh Quảng Nam. Bởi thực tế vẫn còn hàng chục ngàn NLĐ chưa được tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với nhiều nguyên nhân.

Theo khảo sát của BHXH tỉnh Quảng Nam tại 755 đơn vị, DN với 7.217 NLĐ chưa tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc và 832 đơn vị, DN với 21.025 NLĐ chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cho thấy việc tuân thủ pháp luật lao động, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở bộ phận không nhỏ người SDLĐ và NLĐ chưa cao. Có nhiều biểu hiện làm trái pháp luật như thỏa thuận giữa người SDLĐ và NLĐ không tham gia; biến tướng HĐLĐ thành các loại hợp đồng khác; kê khai ngày giờ làm việc, mức thu nhập không đúng…

Bên cạnh đó số lượng DN trên địa bàn khá lớn, tuy nhiên phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sử dụng ít lao động, SDLĐ phổ thông, lao động tại chỗ, công việc không thường xuyên… do đó mối quan hệ giữa người SDLĐ và NLĐ thiếu bền chặt dẫn đến phát sinh quan hệ quyền và nghĩa vụ của hai bên không rõ. Nhiều DN vì nhiều lý do khác nhau mà chỉ hình thành DN mà không có thuê mướn lao động.

Theo số thống kê của Cục Thuế Quảng Nam tại thời điểm cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 1.782 đơn vị nhưng không có lao động làm việc. Dữ liệu quản lý NLĐ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn chưa được liên thông. Riêng dữ liệu được cơ quan Thuế cung cấp hiện nay là dữ liệu NLĐ sau một năm quyết toán thuế thu nhập cá nhân nên có nhiều trường hợp NLĐ đã không còn làm việc tại đơn vị, DN. Hơn nữa đây là dữ liệu liên quan đến tài chính của người nộp thuế thu nhập cá nhân nên chưa thể hiện rõ họ có quan hệ hợp đồng thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệpbắt buộc hay không. “Ngoài ra nhận thức của một bộ phận NLĐ, người SDLĐ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập…”- ông Danh cho hay.

Giải pháp nào?

Ông Danh cho rằng, để đảm bảo quyền lợi thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệptrên địa bàn tỉnh cả hình thức và nội dung tuyên truyền theo hướng chuyển gần sát cơ sở; nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan BHXH các cấp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế, cơ quan công an, các đơn vị liên quan… để quản lý dữ liệu đơn vị và cá nhân phục vụ công tác quản lý. Đồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Trong khi đó bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết: Quảng Nam là một trong những địa phương rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ và đảm bảo ASXH. Trong thời gian đến, Ban VH-XH HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan, quan tâm một vấn đề sau: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến từng nhóm chủ thể; trong đó lưu ý thông tin chính sách của Nghị quyết 41/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 về hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện tỉnh Quảng Nam đến người thụ hưởng, góp phần đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 55.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

“Đến nay, tình trạng nợ đọng, chây ỳ, chiếm dụng 10,5% lương NLĐ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHthất nghiệp vẫn tiếp tục xảy ra và tại các đơn vị, DN là chủ yếu. Vì vậy, các sở, ngành chức năng liên quan cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phối hợp tốt trong công tác thẩm định hồ sơ, kịp thời phát hiện người hưởng BH thất nghiệp không đúng quy định để ra quyết định hủy hưởng, chấm dứt hưởng, thu hồi số tiền đã hưởng. BHXH tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện xử lý theo quy định pháp luật hiện hành về hành vi trốn, nợ BHXH, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi NLĐ”- bà Thu đề nghị.

Đồng quan điểm bà Phạm Thị Xuân Tuyền - Chánh Văn phòng Hiệp hội DN tỉnh Quảng Nam cho rằng: Để người SDLĐ và NLĐ hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh cả hình thức và nội dung tuyên truyền, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH với các ban, ngành liên quan. Bên cạnh đó cần huy động sự vào cuộc một cách tích cực của các cơ quan chuyên môn, các cá nhân có trách nhiệm nhằm định hướng, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Hiệp hội DN tỉnh cũng đề xuất DN cần mở rộng cơ chế cho phép NLĐ nghỉ bệnh được trả lương, trợ cấp ốm đau, nghỉ thai sản, nghỉ chăm sóc con nhỏ hoặc gia đình do nguồn tài chính tập thể chi trả để đảm bảo thu nhập cho những người bị bệnh, bị cách ly hoặc chăm sóc trẻ em, người già hoặc các thành viên khác trong gia đình NLĐ.

“DN nên bổ sung các chế độ đảm bảo việc làm và giữ chân NLĐ. Như giảm thời gian làm việc hay tăng trợ cấp thất nghiệp và các hình thức hỗ trợ có thời hạn khác như trợ cấp lương khi cho nghỉ tạm thời trong dịch, quyền lợi cho NLĐ nghỉ để đào tạo…”- bà Tuyền đề xuất.

Đứng ở góc độ cơ quan thực thi pháp luật, bà Bùi Thị Thu Sương- Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Nhờ sự phối hợp tốt giữa Công an tỉnh Quảng Nam và BHXH tỉnh Quảng Nam, công tác phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT được thực hiện hiệu quả. Cụ thể, trong các năm 2020, 2021 hai ngành đã phối hợp đã làm việc với 52 đơn vị, DN hoạt động trên địa bàn tỉnh có nợ đọng tiền BHXH, thì có 47 DN đã truy nộp nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền hơn 32,032 tỷ đồng; phối hợp xử lý vụ việc có dấu hiệu gian lận quỹ BHYT xảy ra tại BVĐK Trung ương Núi Thành gây thiệt hại hơn 820 triệu đồng, hiện đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can; tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi có dấu hiệu phạm tội về lĩnh vực BHXH là 10 vụ, với 10 đối tượng là DN…

Qua nắm tình hình, Công an tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, nhận diện một số thủ đoạn trốn đóng BHXH của các đơn vị, DN chủ yếu hiện nay như: Đơn vị, DN giao kèo, thỏa thuận trái pháp luật để ép hoặc yêu cầu NLĐ không tham gia BHXH nhằm trốn tránh việc đóng BHXH theo quy định; chế tài xử lý đối với hành vi chậm đóng BHXH cho NLĐ chưa nghiêm nên DN cố tình chây ỳ trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của NLĐ; đơn vị, DN chuyển đổi hình thức ký HĐLĐ sang giao kết hợp đồng thuê khoán, hợp đồng miệng, ký liên tiếp chuỗi hợp đồng thời hạn 1 tháng hoặc kéo dài thời gian thử việc; lập khống bảng chấm công cho NLĐ thể hiện không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng để trốn đóng; lập, sử dụng 2 hệ thống sổ sách liên quan đến việc SDLĐ để đóng BHXH thấp hơn mức đóng theo quy định…

Vì vậy, theo bà Sương, để tiếp tục duy trì và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng chế tài xử lý đối với các vi phạm hành chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đặc biệt nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi thường xuyên diễn ra hiện nay như: Trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của chủ SDLĐ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để người dân, DN và NLĐ tham gia hiểu rõ được trách nhiệm và quyền lợi của chính mình khi thực hiện các quy định về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

THANH DŨNG
Bình luận
vtcnews.vn