Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu

Tin tứcThứ Tư, 21/12/2022 15:42:00 +07:00
(VTC News) -

Báo điện tử VTC News phối hợp tổ chức chương trình Hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng", hướng đi tất yếu để bảo vệ sản xuất và tiêu dùng.

Có thể nói thực phẩm chức năng (TPCN) đang ngày càng phổ biến và hầu hết mọi gia đình đều từng biết hoặc sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên phần lớn thông tin tiếp nhận trên các phương tiện truyền thông là nội dung xấu như sản phẩm TPCN nào đó vi phạm quy định về quảng cáo, bị cơ quan chức năng xử phạt, hoặc cơ quan chức năng phát hiện ra một cơ sở sản không đảm bảo chất lượng, sản phẩm giả các nhãn mác có tên tuổi trên thị trường...

Tất cả thông tin đó làm sai lệch cái nhìn của cộng đồng, của người tiêu dùng về công dụng, hiệu quả của TPCN.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IV của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam mới đây, PGS.TS Trần Đáng - người có 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch hiệp hội, tiếp tục được bầu vào vị trí Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - khẳng định, 20 năm qua, TPCN ở Việt Nam phát triển từ không đến có. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đồng hành đưa TPCN trở thành một ngành kinh tế - y tế.

Lời khẳng định của PGS.TS Trần Đáng chỉ rõ một sự thực ngành TPCN Việt Nam đang có cơ hội phát triển rất lớn, là thị trường mở với cả trong nước và quốc tế. Điều quan trọng là làm thế nào để cơ hội phát triển này ngày càng nhiều hơn để ngành TPCN Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, các cơ quan thông tấn báo chí và Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cùng quan tâm.

TPCN đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ những năm 2000. Số liệu do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, lúc đó số lượng TPCN được bán tại thị trường Việt Nam đa phần là các sản phẩm nhập khẩu, số lượng chỉ vài chục sản phẩm, còn số lượng sản xuất trong nước đếm trên đầu ngón tay.

Sau 20 năm phát triển, thị trường TPCN Việt Nam phát triển nhanh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm có thể lên tới con số chục nghìn, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng TPCN tăng lên trên 60%.

Người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm TPCN ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội của chính các công ty phân phối. Sự quan tâm của người tiêu dùng tới hiệu quả của TPCN ngày càng tăng lên.

Thế nhưng, cùng với đó, các vấn đề nảy sinh liên quan đến việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN cũng tăng lên. Có thể liệt kê ra những vi phạm đó như sau:

- Trong sản xuất, có hiện tượng sản xuất sản phẩm TPCN không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Nà sản xuất còn vì lợi nhuận mà cho thêm chất cấm, chất độc hại vào trong sản phẩm.

- Trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo TPCN như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang, khiến dư luận bức xúc.

Liên tiếp thời gian qua, rất nhiều sản phẩm TPCN vi phạm quảng cáo, Cục ATTP đã và đang công khai trên trang web của Cục để cảnh bảo đến người tiêu dùng nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.

Tuy nhiên, các vấn đề của ngành TPCN không chỉ có vậy. Làm thế nào để ngành TPCN phát triển bền vững? Làm thế nào để các ngành chức năng và các doanh nghiệp cùng nhau bắt tay giải quyết vấn đề? Đây cũng là lý do mà Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Báo điện tử VTC News tổ chức Hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng".

Chương trình hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế; Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; TS. Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Ông Nguyễn Ngọc Tâm - Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam; Bà Ishikawa Yoshie - Giám đốc Công ty TNHH UNP Healthcare Việt Nam; Ông Phù Tường Nguyên Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sa Sâm Việt…

Liên quan đến nội dung chủ đề hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, thời gian vừa qua, TPCN đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, vấn đề hoàn thiện thể chế, vấn đề hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm chức năng làm sao cho đúng với tác dụng và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Chính vì vậy, Báo điện tử VTC News phối hợp Cục An toàn Thực phẩm, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng” với mục tiêu cùng nhau bàn và thảo luận, để tham mưu và đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện và thể chế quản lý thực phẩm chức năng, từ đó để đưa ra các giải pháp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng sao cho đúng, đảm bảo quy định để tránh việc người dân hiểu nhầm thực phẩm chức năng giống như thuốc chữa bệnh.

Hội thảo là dịp tuyên truyền để người dân trong cả nước hiểu đúng, từ đó sử dụng thực phẩm chức năng theo đúng hướng dẫn, tránh bị lạm dụng thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị.

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 1

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên.

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, TPCN là sản phẩm hỗ trợ giúp cơ thể con người thoải mái, giảm nguy cơ bệnh tật. TPCN bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước, giúp bổ sung thành phần có lợi, từ đó TPCN phát triển mạnh hơn qua các nước như Mỹ, Canada, đặc biệt là Trung Quốc.

TPCN vào Việt Nam những năm 2000, khái niệm phương thức quản lý vẫn gọi chung là thuốc, viên nén, viên nhộng, thời kỳ đó, có thông tư để quản lý. Sau này, khoảng năm 2010 bắt đầu có luật, xây dựng thêm thông tư hướng dẫn như thông tư 43 quản lý TPCN, năm 2018 có nghị định 45 tiếp cận được nguyên tắc quản lý như các nước. Chúng ta đã có quy định tiệm cận với quốc tế.

Việt Nam có lợi thế lớn phát triển TPCN, trên cơ sở tận dụng nguyên liệu tự nhiên do ông cha ta nhiều năm nghiên cứu, từ bài thuốc Đông y, các nhà khoa học đã kết hợp, chiết xuất, tách chiết để tạo ra sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ. Nhiều doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy hiện đại về TPCN.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. 

Thời gian cũng tồn tại nhiều quảng cáo TPCN sai sự thật. Cụ thể, theo Luật quy định, các đơn vị chỉ được quảng cáo TPCN những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Thực tế, nhiều đơn vị lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo thực phẩm chức năng. Điều này là vi phạm pháp luật, cần được xử lý. 

Mong muốn các chuyên gia, đơn vị doanh nghiệp thẳng thắn đóng góp ý kiến nêu lên các ý kiến còn tồn tại và những biện pháp nhằm xử lý. Thống nhất đưa thị trường TPCN của VN phát triển bền vững. 

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 2

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, DS. Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã nêu tổng quan tình hình Thực phẩm chức năng tại Việt Nam. Việt Nam là nước đang phát triển với quy mô nền kinh tế (GDP năm 2021 là 362,6 tỷ USD) ở tầm mức trung bình trên thế giới.

Với sự phát triển với tốc độ cao, Việt Nam chuẩn bị đứng vào hàng ngũ các nước đang phát triển trung bình khá (dự kiến vào 2025). Thực trạng ngành Tân dược Việt Nam hiện nay về Y tế điều trị: Quá tải bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh chưa được giải quyết hiệu quả. Hiện tượng thiếu thuốc men, trang thiết bị, sinh phẩm trong bệnh viện đang tồn tại.

Về Y tế cơ sở,  y tế cơ sở nơi thục hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, các trạm xá, công tác phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm… còn nhiều bất cập.

Về giá trị kinh tế, giá trị gia tăng của các sản phẩm tân dược không cao do hầu hết phải nhập khẩu thành phẩm hoặc nguyên liệu chính, chưa có chiến lược hiệu quả cho phát triển ngành này để tỷ lệ nội địa hóa gia tăng.

Trong khi đó, tổng quan ngành thực phẩm chức năng thế giới đã phát triển rất nhanh.

Đáp ứng xu thế xã hội: Bảo vệ thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu, các sản phẩm thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự hứng thú trong điều trị bằng thuốc y học cổ truyền… 

Khả năng điều trị lâu dài: Trong cơn thủy triều các bệnh mạn tính không lây thì các thuốc tân dược không đáp ứng được nhu cầu điều trị lâu dài trong khi đó TPBVSK là giải pháp thay thế rất tốt.

Tình hình thực phẩm chức năng ở ASEAN: Tốc độ phát triển khá nhanh, khối cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn hòa hợp về TPCN để các nước trong khối cùng tuân thủ. Ở Mỹ la tinh, Châu Phi, Trung Đông, thị trường TPCN còn chưa phát triển, cũng là các thị trường tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu.

Châu Âu, Mỹ thường chỉ sản xuất TP bổ sung vitamin, khoáng chất, chất sinh học, không trực tiếp nhắm vào hỗ trợ điều trị bệnh. Hàn Quốc, Đài Loan là thị trường rất tiềm năng do họ có ngành công nghệ sinh học phát triển cao và y học cổ truyền cũng rất phát triển..

Tổng quan thực phẩm chức năng Việt Nam: Tổng quy mô ngành thực phẩm chức năng Việt Nam năm 2021 là 12 tỷ USD.

Nguyên nhân sự phát triển thực phẩm chức năng: Công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến sự thay đổi trong lối sống, trong chế biến thực phẩm. Từ thực phẩm và chế biến truyền thống sang thực phẩm chế biến sẵn, từ việc lao động bên ngoài tới ngồi trên máy tính trong văn phòng, ít vận động.

Các loại bệnh mạn tính không lây ngày càng phát triển, không gian sinh sống và sinh hoạt ngày càng đô thị hóa. Con người ngày càng chú ý tới các sản phẩm phi truyền thống từ TPCN tới các liệu pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp…

Ứng dụng công nghệ cao nhất là công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử.

Tiềm năng phát triển: Các yếu tố phát triển, Nguồn dược thảo phong phú, Nền y học cổ truyền lâu đời. 

Những chia sẻ đa góc nhìn từ các khách mời tham gia Hội thảo đã nêu bật được bức tranh tổng thể về thị trường thực phẩm chức năng hiện nay.

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 3

DS. Nguyễn Xuân Hoàng

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 4
Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 5

Toàn cảnh hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng".

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 6
Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 7
Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 8

Bà Ishikawa Yoshie - Giám đốc Công ty TNHH UNP Healthcare Việt Nam trao đổi thông tin với Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News Ngô Văn Hải.

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 9

PGS.TS Lê Văn Truyền -  Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế trò chuyện và trao đổi với các khách mời về những vấn đề liên quan đến thực phẩm chức năng.

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 10

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam đang xem chất lượng các sản phẩm.

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 11

Các đại biểu, khách mời tham dự hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng".

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 12
Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 13

Rất đông khách mời tham gia hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" tỏ ra hào hứng khi được nghe chia sẻ của các đại biểu.

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 14
Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 15

Các khách mời dự hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" dùng điện thoại quay lại những chia sẻ của các đại biểu.

Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng - hướng đi tất yếu  - 16

Các đại biểu thảo luận bàn tròn và trả lời những câu hỏi từ khách mời tham dự hội thảo.

Chương trình Hội thảo đã dành rất nhiều thời lượng để thảo luận về hướng đi, xu thế tất yếu để phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng. Việc làm đúng, quảng cáo đúng và sử dụng đúng thực phẩm chức năng chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi thông qua những lợi ích mà thực phẩm chức năng mang lại.

Đồng thời, thông qua tuyên truyền và sự quyết tâm của các cấp, các doanh nghiệp và khách hàng, sự hiểu biết về thực trạng thực phẩm chức năng hiện nay cũng góp phần giúp nhà sản xuất và người tiêu dùng xích lại gần nhau, cùng nhau đưa sản phẩm này phát triển đúng hướng.

Tham gia hội thảo có đại diện các Sở ban ngành, Đại diện các Hội, Hiệp hội, Đại diện các tổ chức và doanh nghiệp. Đồng hành cùng sự kiện là các phóng viên, nhà báo đến từ gần 30 cơ quan báo chí trung ương và địa phương, cùng nhà tài trợ kim cương - Công ty TNHH UNP Healthcare Việt Nam và các nhà tài trợ khác.

Thảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp