Phát hiện nhiều dấu vết nghi của bò tót ở Quảng Bình và Quảng Trị

Thời sựThứ Ba, 15/01/2019 13:05:00 +07:00

Nhiều dấu vết nghi là của các con bò tót để lại được người dân và lực lượng chức năng 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị phát hiện trong rừng.

Ngày 15/1, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá (Quảng Trị) cử lực lượng xác minh và kiểm tra thông tin về sự xuất hiện của bò tót tại khu bảo tồn.

Trước đó vào ngày 12/1, một người dân của huyện Hướng Hoá đi lấy cây đót trong rừng thuộc khu bảo tồn thì phát hiện nhiều con vật nghi bò tót nên báo ban quản lý. 

DSC01974

Dấu chân nghi của bò tót để lại trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá. (Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá) 

Tại hiện trường, lực lượng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá ghi nhận nhiều dấu chân và nhiều mẫu phân nghi của bò tót. Các dấu chân lớn nhất đo được có đường kính 13 cm bên cạnh những dấu chân nhỏ nhất có đường kính khoảng 9 cm.

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá nhận định, có khoảng 3 con nghi là bò tót xuất hiện ở khu vực trên. Có thể những con bò tót này đã di chuyển từ Lào về Việt Nam để tìm kiếm thức ăn và ở lại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Hiện các mẫu phẩm như lông, phân và dấu chân đang được cơ quan chuyên môn phân tích để có kết luận chính thức.

0000_nsvh

Ảnh bò tót được lực lượng chức năng chụp được ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). (Ảnh: SGGP)

Tại Quảng Bình, một số người dân ở xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho rằng cũng nhìn thấy một số con bò tót về ăn ở gần bản An Bai, Hà Lẹc (thuộc thượng nguồn Khe Bang và cách suối nước nóng Bang hơn 2km). 

Lãnh đạo chương trình Việt Nature xác nhận với báo chí rằng có ít nhất 3 con bò tót (2 lớn, 1 nhỏ) xuất hiện gần bản An Bai, Hà Lẹc được người dân nhìn thấy. Trong một chương trình đặt bẫy ảnh của Việt Nature đã chụp được hình ảnh bò tót ở khu vực này vào tháng 4/2018.

Bò tót ở Việt Nam được xếp vào nhóm bò tót Đông Dương hay bò tót Đông Nam Á (có tên khoa học là Bos gaurus laosiensis hay Bos gaurus readei) được sách đỏ thế giới xếp vào nhóm động vật quý hiếm loại 1B.

Đặc điểm ngoại hình và di truyền của bò tót ở rừng Việt Nam được xếp thành phân loài riêng, là loài bò tự nhiên to nhất thế giới với những con đực cao đến 2,2 m, nặng trên 2 tấn.

AN PHÚ
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn