Phát biểu kỳ thị cha mẹ đơn thân: Cô giáo lạnh lùng, nghiệt ngã thì dạy học sinh được gì?

Giáo dụcThứ Sáu, 15/11/2019 15:22:00 +07:00

Theo chuyên gia, là cô giáo mà nói lạnh lùng, định kiến người đơn thân và người nghèo như vậy thì làm sao dạy học sinh tốt lên được.

Trong cuộc họp ban phụ huynh tại trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Đào thị Hồng Phượng nêu quan điểm thể hiện sự kỳ thị với các cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo đang gây ra sự phẫn nộ. Điều đáng nói chị này còn là giáo viên một trường cấp 2 ở Hà Nội.

"Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ... những người như thế tôi nghĩ chưa đủ tư cách để tham gia ban phụ huynh", là một trong câu nói của cô giáo mà theo nhiều người là tư duy lệch lạc.

Xem lại tư chất nhà giáo

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội bất ngờ vì không hiểu vì sao là cô giáo mà lại có phát ngôn như vậy, không phân biệt được đúng sai. Đáng ra khi người ta nhận thức sai thì cô phải phân tích cho phụ huynh hiểu, chứ cô lại nêu quan điểm thiếu nhân văn, thiếu văn hóa như vậy thì phải lên án.

Không những vậy, việc cô giáo này được bầu làm hội trưởng hội cha mẹ học sinh của trường thì cần xem xét lại. 

CVA

Một phụ huynh là giáo viên có quan điểm thể hiện sự kỳ thị với các cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo đang gây ra sự phẫn nộ. (Ảnh cắt từ clip)

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Ngân cũng rất buồn vì phụ huynh đó lại là giáo viên, nghĩa là cô không chỉ có kiến thức chuyên môn, mà còn cô còn có năng lực sư phạm, để dạy chữ, dạy người.

Theo tiến sĩ Ngân, cô giáo này cũng là người mẹ với những mong muốn tốt đẹp nhất cho con mình. Ở vai trò nào, cô cũng là người dạy dỗ, giáo dục. Hẳn cô giáo cũng biết một trong những phương tiện giáo dục tốt nhất của người mẹ hoặc người thầy luôn là sự gương mẫu. Nhân cách của thầy cô, của cha mẹ sẽ là tấm gương cho học trò, cho con cái.

Vậy sau khi nghe những lời lạnh lùng, nghiệt ngã của cô, các con sẽ học được điều gì ở cô đây?", chị Ngân nói. 

"Việc cô giáo xúc phạm những phụ huynh bất hạnh, điều kiện khó khăn hơn cần thái độ nghiêm khắc của cộng đồng, như cách neo giữ lương tri lại bên bờ tử tế", chị Ngân nói.

Mặt khác, cô Ngân cũng đặt ra vấn đề khi một cô giáo như vậy lại được bầu vào ban phụ huynh. "Người bỏ phiếu bầu đồng tình với việc đó hay họ thờ ơ? Họ không nhận ra vấn đề về sự kém cỏi trong cả nhân cách, trí tuệ hay họ nghĩ không việc gì tới mình? Đáng sợ nhất, họ thầm nghĩ: Ít nhất, mình không phải những đối tượng bất hạnh kia?"

Cô giáo Đặng Thị Thảo, trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Nội) khá sốc sau khi xem lại video và nghe những lời nói của cô giáo tại trường Tiểu học Chu Văn An. 

Một nhà sư phạm dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, sự việc đúng sai ra sao cũng không được phép thiếu giáo dục như vậy. Việc bày tỏ ý kiến cá nhân là đúng, nhưng phải hiểu ý kiến đó bày tỏ ở đâu, với ai và trong thời đại nào.

Chúng ta không thể, chính xác hơn là không được phép miệt thị người khác dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Cô giáo ấy quên một điều cơ bản nhất muốn có một thế hệ học sinh giỏi thì thái độ và suy nghĩ của người dạy học phải cấp tiến. Thử hỏi với những định kiến đó, làm sao dạy học sinh của mình tốt được. Những phát ngôn ấy thật sự cổ hủ và không thể chấp nhận được”, cô Thảo chia sẻ.

Suy nghĩ lạc hậu 

Là bà mẹ một mình nuôi hai đứa con, chị Lương Thu Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, bản thân có chút chạnh lòng vì những lời nói kỳ thị của cô giáo trong buổi họp phụ huynh tại trường Tiểu học Chu Văn An.

"Cùng là phụ nữ với nhau, đáng lẽ cô giáo ấy phải thấu hiểu hơn là kỳ thị. Lời xin lỗi chẳng bao giờ đủ để chúng tôi lấy lại niềm tin từ các cô”, chị Hoài nói.

Anh Nguyễn Quốc Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) là ông bố đơn thân, chia sẻ, anh lựa chọn nuôi con một mình vì với anh đây là cách mang lại hạnh phúc và những điều tốt nhất cho con thay vì hàng ngày để con lớn lên trong cảnh bố mẹ "mặt nặng mày nhẹ" suốt ngày.

Dù vậy, anh Bình là hội trưởng hội phụ huynh 8 năm nay. Con gái anh hiện 18 tuổi. Bé phát triển bình thường về tâm sinh lý và học lực xuất sắc. "Không có lý gì lại nói những bố mẹ nuôi dạy con sẽ khiếm khuyết, suy nghĩ đó là ấu trĩ và thiếu tiến bộ", anh Bình nói.

Không cần biết cô giáo đó cố tình hay vô ý, nhưng theo anh Bình cô cần xem lại chính bản thân đã đủ chuẩn mực để làm một phụ huynh có hiểu biết hay chưa. Đồng thời, nhà trường cũng nên xem xét lại vị trí trưởng ban đại diện phụ huynh, vì người không đủ tinh tế, không đủ tín nhiệm thì bầu lên cũng không nghĩa lý gì.

Trong cuộc họp ban phụ huynh tại trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây, cô Đào Thị Hồng Phượng phát biểu: 

"Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con của mình trước đã.

Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ. Hãy để người ta có thể đi lo hạnh phúc cho bản thân người ta đã, phải thật tốt thì mới lo được cho con mình và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con được hạnh phúc... những người như thế tôi nghĩ chưa đủ tư cách để tham gia Ban phụ huynh.

Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức và tôi kính mong Ban giám hiệu ở đây xem xét về trích lục của bố mẹ, gia đình như thế nào thì hãy để trong Ban phụ huynh được. Chứ còn lệch bố lệch mẹ thì không ổn một chút nào".

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn