Phát biểu dậy sóng cư dân mạng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy trần tình

Thời sựThứ Sáu, 26/05/2017 11:55:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đã trần tình về phát biểu “nếu không tố cáo thân chủ thì luật sư sẽ bị khởi tố về tội “che giấu tội phạm” khiến dư luận dậy sóng, nghi ngờ chất lượng đại biểu.

Ngày 24/5, khi tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật hình sự 100/2015/QH13, Nguyễn Thị Thủy (TS chuyên ngành Luật hình sự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viển Kiểm sát nhân dân tối cao) đã đề nghị đưa quy định luật sư phải tố cáo thân chủ vào bộ luật Hình sự sửa đổi, nếu không tố cáo thì luật sư sẽ bị khởi tố về tội “che giấu tội phạm”. Ngay lập tức, quan điểm này nhận phải sự phản đối của dư luận và giới luật sư.

Trả lời bên hành lang Quốc hội sáng 26/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, luật sư trước hết là nghề có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Luật 2015 đang quy định luật sư không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác thân chủ của mình, trừ trường hợp anh không tố giác tội mà thân chủ đã thực hiện là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hinh anh Phat bieu day song dan mang, dai bieu Nguyen Thi Thuy tran tinh

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) 

“Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, đây là điều đầu tiên bất kỳ người dân nào cũng phải bảo vệ. Nếu an ninh quốc gia bị lung lay, xâm phạm, đe dọa thì không một nghề nghiệp nào có thể ổn định để mà yên tâm, chứ chưa nói đến nghề bào chữa của luật sư”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, được giới hạn ở điều 389, ví dụ tội giết người khi người bào chữa không tố giác tội đó thì anh phải chịu trách nhiệm do không tố giác tội phạm.

“Luật sư trong quá trình bào chữa mà anh biết thân chủ của mình đã thực hiện hành vi giết người chôn xác ở sau nhà, trong khi đó gia đình đang đau khổ, tìm kiếm người thân của mình. Các cơ quan tố tụng cũng đang nỗ lực để tìm ra tội phạm, luật sư biết điều đó mà anh không tố thì…đó là một việc.

Ví dụ thứ hai, là tội đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi. Tức thân chủ đó đã có hành vi đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi của gia đình này với con gia đình khác. Đó không chỉ là tội phạm hình sự thông thường nữa mà đó là tội ác.

Bây giờ anh biết việc đó mà anh không tố giác ra thì tôi nghĩ rằng ở góc độ đạo đức, đạo lý của một con người thông thường đã không thể chấp nhận được, chưa nói một người luật sư mang trên mình sứ mệnh bảo vệ công lý, là người có trách nhiệm bảo vệ pháp chế theo điều 3 của Luật luật sư, điều đó chúng tôi thấy không đồng tình với một số ý kiến phát biểu”, đại biểu Thuỷ tiếp tục phân tích.

Đại biểu Thuỷ cho rằng, những tội được liệt kê ở điều 389 không còn là tội phạm hình sự thông thường nữa mà khi hành vi đó xảy ra nó đã là tội ác rồi.

"Quan điểm của tôi cho rằng, nếu phi hình sự hóa tiếp tội không tố giác tội phạm do thân chủ của mình với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng trong điều 389 là điều rất đáng phải cân nhắc", đại biểu Thuỷ bày tỏ.

Video: Đề nghị xử lý hình sự người từ 14-16 tuổi

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ khẳng định: “Phát biểu của tôi là trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc, vì sự bình yên chung của nhân dân. Những điều đó cũng cần phải tiếp tục trao đổi tiếp.

Tôi rất lắng nghe các ý kiến, để từ đó có thêm thông tin để phục vụ hoạt động người đại biểu đại diện cho nhân dân ngày càng hoạt động tốt hơn”.

 Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), từng Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Khi chúng tôi cãi cho những kẻ phạm tội thì đó là quyền hiến định của họ, công lý cho phép họ được đứng ra bào chữa thì có nguyên tắc như vậy.

Bây giờ có ranh giới ở chỗ này, khi những người ấy họ bộc lộ trong quá trình bào chữa thì biết được một số thông tin người đó có thể có phạm tội nhất định thì ranh giới giữa trách nhiệm công dân đối với đất nước, đối với xã hội và đối với nghề luật sư đối với người thân chủ là niềm tin mà người ta đã trao cho mình thì ranh giới này ở mỗi nước có thể có khác nhau, nhưng tôi đồng ý có ranh giới, tức là quyền miễn này không tuyệt đối.

Chính vì vậy, tôi kiến nghị tại vì anh dùng chữ "tố giác" rất rộng. Tố giác, anh có biết gì nhiều không mà anh tố giác, có những người thực sự họ nhận tội nhưng họ không có tội, họ nghĩ hôm đấy tôi đã đẩy thằng đó chết nhưng thực ra người đó chết không phải vì do anh ta đẩy nhưng người ta ăn năn hối lỗi người ta nhận tội, rồi mình đi tố giác chẳng hạn.

Chữ "tố giác" giao cho luật sư một nghĩa vụ tố giác mà không giới hạn lại thì phá hỏng, làm hư đi quan hệ của luật sư và làm cho vai trò của luật sư trong hệ thống tư pháp và trong nhiệm vụ bảo vệ công lý là bị ảnh hưởng, nó khác với những người mà vì tình cảm mà người ta không tố giác.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn