Tài xế ô tô tông chết thợ cơ khí đang sửa xe đậu bên lề đường có thể bị xử lý thế nào?

Pháp luậtThứ Hai, 21/01/2019 07:48:00 +07:00

Theo luật sư, nếu cơ quan chức năng xác định việc tài xế xe ben dừng xe đúng quy định và lái xe con sử dụng rượu, bia thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Gần 14h ngày 18/1, trên đường quốc lộ 32 hướng Sơn Tây - Phú Thọ, một xe ben bị hỏng ốc phía gầm xe nên tài xế dừng xe trước cửa nhà anh Trần Mạnh Dũng (chủ xưởng cơ khí ở phường Viên Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) nhờ thợ hàn ra kiểm tra.

Sau đó, anh Tuấn (SN 1989, quê ở Phú Thọ) vừa ra kiểm tra thì bị xe con BKS 29D 302.23 tông chết.

Anh Trần Mạnh Dũng, thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế xế xe ben vẫn bật xi nhan và đoạn đường này không có biển cấm dừng cấm đỗ.

222

 Hiện trường vụ việc. (Nguồn: Văn Tiến Đạt)

Trả lời VTC News, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, để xác định trách nhiệm trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần làm rõ việc dừng, đỗ của xe ben có phù hợp với các quy định tại khoản 3, 4 điều 18 Luật Giao thông đường bộ: Có tín hiệu báo cho các phương tiện khác biết, dừng đỗ đúng nơi quy định... hay không.

"Nếu xe ben đã thực hiện đầy đủ các quy định an toàn giao thông liên quan quan đến dừng, đỗ xe, thì lái xe ô tô con phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Tiền cho hay.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tài xế ô tô đâm chết thợ sửa xe bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm khi đủ các cấu hiệu cấu thành tội phạm.

Bên cạnh đó, nếu tài xế xe con sử dụng rượu bia khi lái xe dẫn đến tai nạn trên thì mức phạt tù có thể lên đến 10 năm.

"Nếu lái xe taxi gây tai nạn có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, hay sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác, không có giấy phép lái xe thì có thể bị phạt tù từ 3-10 năm theo khoản 2 Điều 260 BLHS 2015", luật sư Tiền chia sẻ.

Tuy nhiên, nếu tai nạn xảy ra do xe bồn dừng, đỗ xe không đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật và tài xế lái xe con không có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì sẽ không phải chịu trách nhiệm.

Căn cứ khoản 1, Điều 18, Luật giao thông đường bộ 2008, khi dừng xe người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ quy định tại khoản 3, 4 điều 18 Luật giao thông đường bộ như sau như sau:

Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.

Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn. Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người tham gia giao thông biết.

Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.

Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn.

Đồng thời, người điều khiển phương tiện cũng không được dừng, đỗ xe tại các vị trí mà pháp luật không cho phép tại khoản 4 Điều này, bởi đây là các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất lớn nếu thực hiện việc dừng đỗ xe.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn