Phải xử lý doanh nghiệp nợ BHXH để bảo vệ người lao động

An SinhThứ Sáu, 03/11/2023 11:18:00 +07:00
(VTC News) -

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần xử lý nghiêm những hành vi chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc của các công ty, doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Nợ BHXH, người lao động chịu thiệt

Ngày 1/11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội (Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề cập đến vấn đề nợ BHXH. Theo đại biểu Nguyệt, tình trạng người sử dụng lao động nợ đóng BHXH, thậm chí cố tình trốn tránh trách nhiệm khiến người lao động phải gánh chịu hậu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn hướng đến mục tiêu là chăm lo cho con người, vì sự phát triển của con người. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy tình trạng người sử dụng lao động nợ BHXH, thậm chí cố tình trốn tránh trách nhiệm trong việc trích đóng BHXH trong khi người lao động đã nộp BHXH được khấu trừ hằng tháng trong bảng lương không phải là con số nhỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đóng góp ý kiến tại hội trường (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đóng góp ý kiến tại hội trường (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, khi phát sinh quyền lợi thì người lao động bị từ chối thanh toán. Ở đây có thể thấy rằng, lỗi không phải là của người lao động mà người lao động lại gánh hậu quả này.

Bà Nguyệt đề nghị Chính phủ một mặt tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm. Mặt khác, cần có giải pháp bảo đảm quyền lợi liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động cũng như các rủi ro khi xảy ra tai nạn lao động, đau ốm, thôi việc, nghỉ việc, chuyển việc khi có đủ cơ sở xác định người lao động đã tham gia đóng đủ BHXH, BHYT.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trong dự thảo Luật đang đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nợ đóng BHXH.

Hiện tại, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH; cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm theo Bộ luật Hình sự; bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động...

Tất cả các phương án sẽ được thảo luận kỹ lưỡng và đề xuất thêm, để cuối cùng có được những giải pháp bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, hiệu lực cao nhất.

Doanh nghiệp hậm, trốn đóng BHXH khiến người lao động chịu thiệt.

Doanh nghiệp hậm, trốn đóng BHXH khiến người lao động chịu thiệt.

Xử lý nghiêm hành vi chậm, trốn đóng BHXH

Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần xử lý mạnh với những hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan BHXH trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính với lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho rằng, vấn đề quan trọng cần tăng cường hiện nay là khắc phục và xử lý mạnh mẽ hành vi chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc.

Theo đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan BHXH trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Đề nghị bổ sung chức năng xử phạt hành chính khi phát hiện trường hợp chậm, trốn đóng BHXH cho cơ quan BHXH Việt Nam. Hiện tại, dự thảo Luật chỉ quy định cho cơ quan BHXH phát hiện, khởi kiện và kiến nghị khởi tố.

Dự thảo Luật cũng không quy định vai trò, quyền của Công đoàn trong việc khởi kiện người sử dụng lao động chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc. Do đó, đề nghị bổ sung: Công đoàn có quyền khởi kiện người sử dụng lao động mà không cần điều kiện người lao động ủy quyền, vì Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), ngay tại Kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ đã có Báo cáo số 406 gửi tới Quốc hội về tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH. Cụ thể, số tiền trốn đóng, chậm đóng BHXH (trong 5 năm trở lại đây) khoảng 10 tỷ đồng/năm là con số rất lớn. Việc trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Khoản 5, Điều 37, dự thảo Luật quy định: Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH thì cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, không chỉ cơ quan BHXH có thể kiến nghị khởi tố, bởi trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định: các cơ quan tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, thì thực hiện quyền kiến nghị khởi tố.

Nếu dự thảo Luật chỉ giao cho cơ quan BHXH là còn thiếu, trong khi thanh tra lao động cũng có quyền kiến nghị, thì quy định như dự thảo Luật lại đang thu hẹp so với Bộ luật Tố tụng hình sự.

Các ĐBQH đề nghị dự thảo Luật BHXH đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nợ đóng BHXH.

Các ĐBQH đề nghị dự thảo Luật BHXH đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng nợ đóng BHXH. 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cũng thông tin trong quá trình hoạt động Công đoàn khởi kiện nhiều chủ doanh nghiệp về hành vi chậm, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, khởi kiện thì được nhưng thi hành án rất hạn chế vì chủ sử dụng lao động trốn, hoặc không còn khả năng đóng.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy cũng nêu thực tế, nhiều cán bộ công đoàn được người sử dụng lao động trả lương nên khi có vấn đề, người lao động phải ủy quyền lên công đoàn huyện hoặc công đoàn khu chế xuất, đề nghị lên công đoàn cấp trên khởi kiện.

Do đó, cần nghiên cứu quy định để công đoàn cấp trên được hưởng ủy quyền của người lao động để khởi kiện chủ sử dụng lao động vi phạm.

THƯ CHÂU
Bình luận
vtcnews.vn