Pararazzi Việt: Thừa sấn sổ, thiếu chuyên nghiệp

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 13/01/2011 09:56:00 +07:00

Paparazzi Việt có cách thức hoạt động cũng như mánh khóe để săn được ảnh nhưng họ hoạt động chẳng theo lề lối nào và tiền bán ảnh là khái niệm quá xa xỉ.

Nếu chiểu theo tiêu chí đơn giản nhất để nhận diện paparazzi thứ thiệt tại các làng giải trí lớn là những tay săn ảnh đời tư của người nổi tiếng để bán cho các tờ báo lá cải thì ở Việt Nam… chưa có paparazzi!

Bởi xem ra, paparazzi Việt có cách thức hoạt động cũng như những mánh khóe để săn được ảnh nhưng họ hoạt động chẳng theo một lề lối nào và tiền bán ảnh là khái niệm quá xa xỉ.

Bao nhiêu một bức ảnh?

Mặc dù truyền thông trở thành ngành kinh doanh béo bở và ngày càng có sức hút mạnh mẽ với một lực lượng lao động hùng hậu ở các thành phố lớn, các trang báo mạng, những tờ báo giải trí dạng “lá cải” ngày càng có nhiều độc giả (phần nào) nhờ vào các bức ảnh "nóng" của sao nhưng chẳng tờ báo hay trang mạng nào phải bỏ tiền tấn ra mua những bức ảnh ấy, và kẻ chụp thì chỉ nhận được vài đồng keng, thậm chí là không công.

Brangelina thoải mái với giới săn ảnh trong lần đầu tiên đến VN. 
Ở các báo mạng, những bức ảnh dù nóng hay nguội do phóng viên được “nuôi” để thực hiện hầu như được trả tiền theo một mức và nếu có khá hơn thì cũng chỉ chút đỉnh và mang tính động viên là chính. Nhiều báo mạng còn không tính tiền ảnh cho phóng viên mà chỉ trả nhuận bút cho nội dung bài viết có đăng tải những bức ảnh đó. Vì thế mà cánh phóng viên dù có lăn xả hay ra sức chộp giật để có những bức ảnh độc nhất, được đăng tải sớm nhất thì nhiều khi chỉ vì máu nghề nghiệp chứ chẳng hề vì tiền. Còn ở báo giấy, dẫu là báo lá cải, những bức ảnh “trắng trợn” quá cũng khó mà được đăng, và cho dù có “độc” thì nhuận ảnh cũng chỉ hơn giá của những bức ảnh bình thường không đáng kể. Thậm chí một ở tạp chí giải trí, vốn nổi tiếng với những bài viết, phỏng vấn xung quanh các tin đồn, nghe nói đã bỏ cả khoản tiền lớn để có được những bài phỏng vấn dạng độc quyền để nhân vật tiết lộ nhiều “bí mật” của mình, nhưng không hề có chuyện bỏ tiền to ra mua ảnh đời tư ngôi sao. Đó là chưa kể mạng này “luộc” ảnh của mạng nọ, báo giấy thuổng ảnh của báo mạng mà chẳng cần xin phép và đương nhiên là không trả một xu cho người chụp, còn cánh phóng viên với nhau thì thường xài ké hoặc xin.

Giới chụp ảnh bán được tiền lại không phải đám săn ảnh nóng, hình “lộ hàng” của ngôi sao Việt mà là những phóng viên ảnh thực thụ và nơi mua ảnh của họ cũng là những hãng thông tấn quốc tế. Giới phóng viên ảnh vẫn kháo nhau chuyện V.C bán được cho AP và Reuters vài 3 bức ảnh Angelina Jolie và Pax Thiên trong lần cô đào nóng bỏng này tới Việt Nam nhận Pax Thiên làm con nuôi với tổng trị giá là 1.150 USD, Q.N có vài chục đô-la Mỹ cho mỗi bức ảnh anh chụp mẹ con cô đào này .v.v…

Lẫy lừng nhất là V.D với 15.000 USD tiền bán bức ảnh ca sĩ người Anh Garry Glitter trên đường bị công an Việt Nam dẫn độ từ Bình Thuận ra sân bay Tân Sơn Nhất vì phạm tội hiếp dâm một trẻ em Việt Nam. Có lẽ đó là cái giá cao nhất mà giới săn ảnh Việt thỏa thuận được. Tuy nhiên, tiếng là bán được 15.000 nhưng người chụp được bức ảnh đó chỉ bỏ túi được không quá… 3.000 USD bởi số tiền còn lại anh phải chi trả cho “kinh phí đầu tư” để có thể chụp được và bán được bức ảnh đó.

Nếu paparazzi nước ngoài luôn có sẵn đơn đặt hàng từ các hãng thông tấn hay báo chí thì paparazzi Việt luôn ở trong tình trạng chụp xong chẳng biết bán cho ai. Thế nên để “móc ngoặc” được với người có cung, họ chỉ còn cách chi tiền cho hoa tiêu. Nghe nói, số tiền mà V.D phải chi cho kẻ dắt mối là 1/3 tổng số tiền anh được hãng thông tấn kia trả.

Minh tinh màn bạc Hàn Quốc Lee Young Ae trong lần đến thăm trại trẻ mồ côi ở Thị Nghè - TP.HCM (tháng 6/2008) 

Một paparazzi đụng độ với vệ sĩ của Angelina Jolie khi tay săn ảnh này bất ngờ mở cửa xe chở Jolie để chụp hình. 

Paparazzi, photographer hay những kẻ-biết-chụp-ảnh tò mò?

Hầu hết những người thu được tiền từ việc bán ảnh nói trên đều khẳng định họ không phải paparazzi, họ là phóng viên ảnh của các tờ báo lớn và họ chụp được những bức ảnh độc đó là do quá trình tác nghiệp nghiêm túc tại các sự kiện. Với họ, đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu và không có ý định xâm phạm đời tư của giới celebrity (người nổi tiếng). Họ coi thường những tấm hình chụp các ngôi sao lộ hàng, xem thường cách chĩa máy ảnh vào “công trình phụ” người nổi tiếng (rồi sau đó loa lên là các sao lộ hàng) của những tay máy mà trình độ nghề nghiệp còn chưa ra đầu ra đũa. Sự việc một tay máy quăng mũ bảo hiểm vào gầm xe của Angelina Jolie khi cô đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến khách sạn Park Hyatt gây bất bình cho họ bởi nó rất dễ khiến cho giới chụp ảnh báo chí Việt Nam mang tiếng xấu trong khi hoạt động săn ảnh vẫn còn ở mức nghiệp dư.

Nhìn lại những bức ảnh được xem là hot trên báo mạng sẽ thấy hầu hết là ảnh lộ hàng của các ngôi sao. Tuy nhiên, bao nhiêu phần trăm trong số đó thực sự là ảnh săn? Câu trả lời là 1%! Trong số 99% còn lại kia, một phần là do các tay máy lăm lăm chĩa ống kính vào các vị trí cấm kỵ nhưng lại “tự kỷ ám thị” rằng mình đang chụp ngôi sao lộ hàng và một phần rất lớn là sao tự lộ hoặc thậm chí tự chụp mình trong các tình huống nhạy cảm để mong được dư luận chú ý. Hay ngay cả với những hình chụp của các đám cưới được truyền thông giật tít là “bí mật”, nhìn góc chụp, chất lượng các bức ảnh thì chẳng dân chuyên nghiệp nào bảo đó là ảnh săn, chỉ là do sao tự “bật mí” mà thôi.

 Ảnh được xem là "săn" cho đến nay ở VN hầu hết là ảnh lộ hàng của các ngôi sao, tuy nhiên có nhiều bức hoàn toàn chỉ là do góc chụp của tay máy (Ảnh: Ca sĩ Minh Thư tại Rock Storm 2007 - SVĐ Hàng Đẫy, HN).
Lê Quang Nhật, phóng viên báo Sài Gòn tiếp thị, người có một trong những bức ảnh Angelina Jolie và Brad Pitt đẹp chụp 2 người (được đăng lên bìa của báo này) hồi họ đến Việt Nam, kể về kỷ niệm đáng nhớ của anh: “Tôi đứng rất gần Brad Pitt và anh ấy quay sang nói với tôi rằng cứ chụp thoải mái đi nhưng bảo mấy người kia đừng chiếu flash vào mặt tôi nhất là khi tôi đang lái xe ra đường!”. Sở dĩ có chuyện đó là vì tuy Jolie và Pitt khá thoải mái để cho paparazzi chụp nhưng họ khó chịu vì cả rừng máy ảnh cứ nháy flash liên tục khiến họ chói mắt. Dịp đó, làng ảnh báo chí Việt bội thu những bức ảnh chụp Brangelina vì họ không chủ trương chống paparazzi, chứ lần Angie trở lại đón Pax Thiên, chiến lược anti-paparazzi của họ đã khiến các tay máy Việt Nam “khóc thét”. Suốt 7 ngày cô đào này ở Việt Nam, chỉ vài “thợ săn” trong số một rừng máy ảnh có được ảnh của cô.

Thừa khả năng sấn sổ nhưng không chỉ nghiệp dư về cách thức chụp ảnh, giới paparazzi Việt còn nghiệp dư trong cả nhận định về độ “hot” của ngôi sao. Chẳng hạn hồi Dương Tử Quỳnh, nữ diễn viên mà tới tuổi ngoài 50 vẫn được tuyển vào vai chính trong các bộ phim bom tấn của Trung Quốc, thậm chí phim Hollywood, tới Việt Nam để làm truyền thông cho chiến dịch vận động người dân sử dụng mũ bảo hiểm khi chạy xe máy, hầu như các bức ảnh đều được chụp bởi giới phóng viên thời sự, văn hóa chứ không có người săn ảnh và cũng không có bức nào được gọi là ảnh săn…

Nhiều người chụp ảnh nhận định rằng với sự phát triển rầm rộ của show-biz và cách thức bùng nổ của truyền thông hiện nay, sự ra đời của paparazzi chỉ là chuyện sớm chiều. Tuy nhiên, muốn phát triển và đi đến chuyên nghiệp thì phải có luật lệ, mà điều ấy xem ra còn “chậm chân” lắm.

“Paparazzi phương Tây người ta còn có chút ít đạo đức, cùng lắm họ chỉ làm phiền người nổi tiếng vì đưa những khoảnh khắc riêng tư lên báo hoặc họ chụp những người “có vấn đề” thực sự. Nhưng tôi thấy gần đây ở Việt Nam, với sự phát triển chóng mặt của những trang mạng, dường như họ chuyên đi soi mói và chuyên rình rập những “tại nạn” của người nổi tiếng thì phải. Tôi cá là những người có thâm niên chụp thời trang hay người nổi tiếng chả hiếm khi tình cờ chụp được những tai nạn kiểu ấy, mà bây giờ người ta hay gọi là... “lộ hàng” trên sân khấu biểu diễn hay khi đi chụp hình studio hoặc ngoại cảnh. Nhưng chúng tôi thường xóa ngay những hình ấy. Giữ lại chả để làm gì và chắc chắn không tờ báo nào lại đi đăng mấy hình ấy lên cả. Ai cũng hiểu đấy chỉ là tai nạn không tránh khỏi khi làm nghề. Thế nhưng thời gian gần đây hình như có một đội ngũ chuyên môn đi rình chụp những cảnh ấy. Và tệ hơn nữa họ cũng cố tình tạo ra “sự cố” bằng công việc chụp của mình. Khi người mẫu, ca sĩ đang mặc váy ngắn diễn trên sân khấu mà cứ chụp hất sát từ dưới lên thì kiểu gì chả nhìn thấy nội y, chưa kể họ còn vỗ đèn flash vào cho rõ. Tương tự là những góc cao nhắm xuống những chiếc váy khoét sâu cổ”.

Phóng viên ảnh Na Sơn
 

Dương Vân Anh (TT&VH cuối tuần)
 

Bình luận
vtcnews.vn