Ông thương binh đi tìm đồng đội

Tổng hợpThứ Năm, 16/12/2010 01:28:00 +07:00

Hơn 4 năm qua, ông Nguyễn Duy Quyết, một cựu chiến binh ở TP.Thái Nguyên đã giúp hàng trăm gia đình tìm lại được hài cốt liệt sĩ...

Hơn 4 năm qua, ông Nguyễn Duy Quyết - một cựu chiến binh ở phường Phan Đình Phùng, TP.Thái Nguyên đã giúp hàng trăm gia đình tìm lại được hài cốt liệt sĩ.

Khoác balô lặn lội vào chiến trường xưa ở An Giang, Tây Ninh, Campuchia… chắp nối những thông tin rời rạc, ông Quyết đã “điểm mặt, chỉ tên” khoảng 400 ngôi mộ của những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường xưa.

Những chuyến đi trả nợ nghĩa tình

Khoảng giữa năm 2006, những hộ dân ở gần nhà số 246 đường Phan Đình Phùng (TP.Thái Nguyên) không khỏi ngạc nhiên khi thấy những vị khách lạ cứ nườm nượp đến thăm nhà với thái độ rất lạ. Người thì tần ngần rồi bắt tay rối rít, người lại khóc rất to khi mới đến cửa. Đó chính là khoảng thời gian người cựu chiến binh già Nguyễn Duy Quyết bắt đầu có những chuyến đi hàng nghìn cây số để “trả nợ nghĩa tình đồng đội”.

Ông Quyết sinh năm 1949 ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa, nhập ngũ khi chưa đủ 18 tuổi. Năm 1967, ông đã có mặt ở chiến trường Tây Nguyên trong hàng ngũ của Sư đoàn 1. Sau đó là những năm tháng chiến đấu ở vùng Bình Long, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang. Năm 1978, ông tiếp tục tham gia chiến đấu đánh đuổi Pôn Pốt trên đất Campuchia. Nghỉ chế độ đã 18 năm, nhưng người cựu chiến binh già vẫn khoác balô lần mò lại những chiến trường xưa để tìm lại các đồng đội đã nằm xuống.

Chuyến đi sang Campuchia tìm phần mộ liệt sĩ Trần Công Hoan năm 2006 (chụp lại từ ảnh của nhân vật). 

Ông Quyết kể lại nguyên nhân của hành trình “trả nợ nghĩa tình đồng đội”: “Năm 1997, tôi cùng một vài đồng đội vào vùng Bảy Núi, An Giang tìm mộ của hai đồng đội cùng hy sinh năm 1973, nhưng vô vọng”. Những đêm trắng bám theo ông sau chuyến đi đó, ông buồn vì không tìm thấy hai người bạn chiến đấu thân thiết và cảm thấy như mắc nợ gia đình của hai liệt sĩ.

Hành trình tìm lại những đồng đội đã nằm xuống của ông Quyết bắt đầu từ đó. Ông bảo: “Khi chiến đấu, tôi được giao nhiệm vụ chính trị phụ trách mảng thương binh, liệt sĩ nên nắm được nhiều thông tin về các đồng đội đã hy sinh ở chiến trường”. Ông bắt đầu đi gặp những người đồng đội cũ để chắp nối thông tin về các địa điểm chôn cất đồng đội ở chiến trường. Năm 2005, ông và các đồng đội được họp mặt ở chiến trường xưa tại Bảy Núi, An Giang nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 101 và tham dự hội thảo phát hiện và tìm mộ liệt sĩ.

Sau chuyến đi đó, hành trang trở về của ông Quyết có thêm những bản danh sách các liệt sĩ của trung đoàn đã được quy tập, cùng danh sách những người còn nằm lại chiến trường. Ông giật mình nhận thấy có nhiều đồng đội đã được quy tập về các nghĩa trang ở An Giang, nhưng gia đình vẫn không hề hay biết. Nhưng bản danh sách ông có được nhiều tên họ liệt sĩ, địa chỉ, quê quán không được viết chính xác. Ông tất tả đi tìm lại danh sách cũ của trung đoàn. Rồi về nhà, nhiều đêm ông và vợ là bà Nguyễn Thị La cùng nhau ngồi “luận” ra tên của đồng đội, tên địa danh quê quán để báo tin cho gia đình liệt sĩ.

Ông Quyết cầm bản danh sách liệt sĩ quy tập đã ngả màu, giải thích: “Tưởng như có danh sách là ổn rồi, nhưng anh nhìn xem, ví dụ ở đây ghi liệt sĩ Lê Duy Ký, xã Tài Kinh, huyện Phú Bình. Có gửi thư báo thì cũng chịu. Tên của liệt sĩ là Quý chứ không phải Ký, quê ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình”. Cầm bản danh sách, chúng tôi hỏi thêm vài cái tên nữa. Chỉ cần nhắc đến tên, ngay tức khắc ông Quyết đọc vanh vách quê quán, năm hy sinh, nghĩa trang quy tập của liệt sĩ.

Từ những thông tin đó, ông gửi thư đến từng gia đình liệt sĩ để báo tin. Đơn cử như gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Nhữ (quê huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, hy sinh năm 1972 tại Campuchia) từng nhận được tin báo là liệt sĩ thuộc dạng mất di vật, gia đình gần như hết hy vọng tìm thấy anh, nhưng nhờ thông tin chính xác do ông Quyết cung cấp, em trai liệt sĩ là ông Nguyễn Văn Chương đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Nhữ đưa về quê hương.

Đến nay, 400 bức thư đã được gửi và khoảng 150 gia đình đã đến gặp ông để báo tin, cảm ơn ông đã giúp đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Đó là với những đồng đội đã được quy tập, còn với nhiều người vẫn đang phải nằm lại chiến trường đất bạn Campuchia, ông đi thực địa rồi lục lọi trí nhớ, phối hợp với các đồng đội còn sống vẽ lại các bản đồ nghĩa trang trước đây. Những bản đồ quý giá đó đã giúp 16 thân nhân liệt sĩ tìm lại được hài cốt người thân, trong đó có 4 bộ bên đất Campuchia. Đội A93 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang cũng đã mời ông cùng sang Campuchia tìm lại các nghĩa trang trong chiến tranh và thành quả ban đầu là tìm được một nghĩa trang ở huyện Tà Keo - nơi chôn cất trên 30 liệt sĩ.

Ước nguyện chưa tròn

Chuyến đi tìm đồng đội gần đây nhất của ông Quyết là vào đầu tháng 10 vừa rồi. Ông đã dẫn hai người cháu của liệt sĩ Nguyễn Văn Bộn, quê ở xã Đức Chính, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vào nghĩa trang liệt sĩ thị xã Hà Tiên. Chuyến đi 10 ngày suôn sẻ, gia đình liệt sĩ Bộn đã đưa được hài cốt của anh từ tỉnh Cam Pốt (Campuchia) về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Cụ Nguyễn Thị Đỡ là mẹ liệt sĩ Bộn, năm nay đã bước sang tuổi 101 ngồi ôm di ảnh con trai rất lâu bên chiếc quách quấn cờ đỏ sao vàng. Đã 38 năm trời mòn mỏi để được đón con về, nên khi biết hài cốt Bộn đã được đưa về, nước mắt cụ Đỡ lại trào ra trên gương mặt đầy nếp nhăn.

Ông Quyết nhớ rõ rất nhiều vị trí chôn cất đồng đội cùng lý lịch của hàng trăm liệt sĩ cùng đơn vị. 

Cùng với trường hợp liệt sĩ Bộn, chuyến đi đầu tiên sang Campuchia vào tháng 4.2006 tìm hài cốt của liệt sĩ Trần Công Hoan (quê xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cũng khiến ông Quyết xúc động mạnh. Tháng 8.1973, anh Hoan là liên lạc viên của trung đoàn hy sinh tại huyện Kyryvông, tỉnh Tà Keo. Trong vườn một ngôi chùa ở xã Tà Ô, chính tay ông Quyết đã quấn tăng bạt, đặt đồng đội nằm lên một cánh cửa gỗ rồi khấn: “Các anh em vừa tròn đôi mươi, tôi đặt các anh nằm cách bậc tam cấp 20 bước”. 33 năm sau, ngôi chùa không còn nhưng bậc tam cấp bằng đá vẫn ở nguyên chỗ cũ. Sau hai lần đào, đội tìm kiếm đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Hoan cùng 3 người đồng đội nữa. Phía dưới vẫn còn dấu tích của tấm cửa gỗ trước đây lót lưng cho các anh.

Trong những cuốn sổ nhật ký đã ngả màu của ông Quyết còn ghi lại hàng trăm dòng lưu bút cảm động của thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Đem đến niềm vui cho hàng trăm gia đình đồng đội, nhưng bản thân ông Quyết vẫn canh cánh trong lòng vì chưa trọn nghĩa với người anh trai và các bạn chiến đấu thân thiết. Anh trai ông Quyết là liệt sĩ Nguyễn Văn Cao, hy sinh ngày 6.4.1972 đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Những dòng thông tin ít ỏi ông Quyết có được về ngày mất, địa điểm là “mặt trận phía nam” không đủ để ông tìm thấy người anh trai. Cùng với đó, phần mộ của hai người bạn thân nhất đơn vị là liệt sĩ Trịnh Quang Hai - quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa và liệt sĩ Phùng Khắc Thơm - quê Ba Vì, Hà Tây - vẫn chưa được tìm thấy. Ông đã đi nhiều chuyến, lật lại nhiều địa điểm chiến đấu cũ, nhưng kết quả chưa khả quan.

Trước khi chia tay, ông Quyết khẳng định chắc nịch với chúng tôi: “Tôi vẫn đi tiếp, còn gia đình đồng đội nhờ, tôi còn đi”. Trên tay ông Quyết khi đó là hơn ba chục lá thư chuẩn bị đi gửi. Hy vọng những lá thư sẽ đem tin vui đến các gia đình liệt sĩ và các anh sẽ được trở về với mảnh đất quê hương.

Theo Báo Lao Động 

Bình luận
vtcnews.vn