Nữ xạ thủ số 1 Cảnh vệ VN chia sẻ bí kíp bách phát bách trúng

Thế giớiThứ Bảy, 14/12/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Chỉ trong 10 giây, chị vừa ngắm và bắn chính xác mục tiêu chỉ to bằng miệng cốc uống nước, đặt cách xa 25m.

(VTC News) – Chỉ trong 10 giây, chị vừa ngắm và bắn chính xác mục tiêu chỉ to bằng miệng cốc uống nước, đặt cách xa 25m.

Đối với người cảnh vệ, võ và súng là 2 môn chủ công, nếu không giỏi 2 thứ đó thì không thể làm cảnh vệ. Khi giỏi võ sẽ kéo theo sức khỏe tốt, khả năng quan sát, phán đoán và phản xạ vì thế cũng tăng theo. Còn về bắn súng, kỹ năng phải được thường xuyên rèn luyện, nâng cao trình độ trong quá trình công tác.

Chị Vũ Thị Hạnh Ngọc là thành viên của đội tuyển bắn súng Bộ tư lệnh cảnh vệ, thường xuyên đi thi đấu trong các giải bắn súng của Bộ Công an.

Chiến sĩ cảnh vệ nữ thường xuyên tham gia vào các giải bắn súng của Bộ tư lệnh cảnh vệ cũng như Bộ Công an 

Chị Ngọc và đồng đội đã giành được rất nhiều thành tích cao trong những cuộc thi này, đặc biệt là ở giải bắn súng toàn ngành Công an cả ở nội dung cá nhân và toàn đoàn.

Ngoài thi đấu lấy thành tích, mỗi cuộc thi còn được xem như tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cảnh vệ, kể cả cảnh vệ nữ.

Mỗi quý, các chị phải thực hiện một bài bắn đạn thật để sát hạch và kiểm tra kỹ năng. Không giống như các đồng nghiệp nam, phải bắn cả súng trường AK, tiểu liên Mp5 và súng ngắn, các nữ cảnh vệ chỉ bắn súng ngắn, loại CZ-83 của Cộng hòa Cezch.

Năng khiếu và luyện tập

Trước khi trở thành cảnh vệ, mọi chiến sĩ đều phải trải qua một khóa đào tạo nghiệp vụ gian khổ, kéo dài 15 tháng. 
Ở đó, họ sẽ được bổ sung các kỹ năng về võ thuật, bắn súng và bơi. Đối với một số phòng đặc biệt như Bảo vệ tiếp cận, các chiến sĩ còn phải học lái xe, ngoại ngữ và bơi cứu hộ.

 
Mỗi lần giơ súng, bóp cò là 1 lần căng thẳng đầu óc cực độ
 
Qua quá trình luyện tập này, các sĩ quan huấn luyện sẽ phát hiện ra những thành viên có năng khiếu để bổ sung vào đội tuyển của Bộ Tư lệnh cảnh vệ.

Sau khi được gọi vào đội tuyển, các chị vẫn công tác bình thường ở đơn vị, chỉ trước khi có giải thi đấu của ngành mới phải tập trung, luyện tập cường độ cao trong vòng 1 tháng. 

Trong thời gian đó, thành viên đội tuyển sẽ tập trung tại trường bắn. Sáng bắn. Chiều bắn. Cả ngày chỉ làm bạn với khẩu súng. 
Bắn súng rất căng thẳng, mọi giác quan đều phải tập trung tối đa. Không những thế, các giải bắn súng thường tổ chức vào mùa hè nên tháng luyện tập là thời điểm nắng nóng nhất trong năm, tạo ra nhiều khó khăn cho các tay súng.

súng ngắn cz 83
CZ-83 loại súng ngắn của Cộng hòa Cezch được các nữ cảnh vệ Việt Nam sử dụng (Ảnh minh họa)

Nắng hè bỏng rát, trong khi trường bắn chỉ có lán che kèm theo đó là âm thanh súng đạn suốt ngày là một khó khăn không nhỏ với các chị khi luyện tập. 
Chị Ngọc tâm sự rằng ‘đây là môi trường tàn phá nhan sắc chị em một cách khủng khiếp. Không những mệt về thể chất mà còn là căng thẳng tinh thần’.

Với 10 năm công tác ở phòng Cơ yếu, công việc thường xuyên phải trực đêm, mỗi tuần 2 buổi và trong tháng luyện tập cho giải bắn súng, chị vẫn ngày học bắn đêm về đi trực như bình thường. 

Kinh nghiệm và bản lĩnh

"Thực sự mà nói, mỗi mùa bắn súng xong, tôi cảm thấy như bạc cả đầu", chị Ngọc nói với tôi như vậy khi tâm sự về các giải đã từng tham gia.

Chị nói bắn súng là môn đặc biệt, có thể thành tích khi tập rất tốt nhưng khi vào giải lại kém, tất cả phụ thuộc vào bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu của người cầm súng. 
Những thiện xạ hàng đầu trong lực lượng Cảnh vệ cho biết, khi đã có kỹ thuật tốt, nhưng bản lĩnh không vững vàng, bị áp lực chi phối thì không thể áp dụng được hết vào thi đấu, thành tích sẽ rất tệ.

“Lần đầu tham gia giải cùng các chị em mình rất run, nhưng phải tìm chế ngự được cảm giác đó. Cách tốt nhất là nghĩ đến những đồng đội, khi mình bắn không tốt sẽ ảnh hưởng đến mọi người, từ đó trấn an tinh thần để có được thành tích tốt nhất cho cả đoàn. Không thể chỉ vì mình mà những tháng ngày tập luyện vất vả của mọi người trở nên vô ích”, nữ xạ thủ xuất sắc của Bộ Tư lệnh cảnh vệ chia sẻ kinh nghiệm.

nữ cảnh vệ việt nam
Trong những lần giao lưu, học tập với các đồng nghiệp nước ngoài không chỉ có võ mà cả kỹ năng bắn súng 
Mỗi lượt thi xạ thủ được bắn 20 viên, trong đó 5 viên thử bắn trước và 15 viên tính điểm, trong đó có thể có những viên điểm kém nhưng không vì thể mà mất tập trung, chán nản, ngược lại còn phải bình tĩnh, tập trung để ghi điểm ở những phát bắn tiếp theo. 
“Mỗi lần giơ súng, bóp cò là 1 lần căng thẳng đầu óc cực độ”, chị Ngọc nói.

Với 15 viên chia thành 3 loạt bắn, để đủ sự tỉnh táo đến viên đạn cuối cùng, các xạ thủ phải có độ bền trong thi đấu. Không để tiếng ồn, độ giật của súng những loạt trước ảnh hưởng đến thành tích của loạt sau.

Thành tích đáng nể

Sau một tháng luyện tập ròng rã, tất cả thành tích chỉ được quyết định trong 15 phát súng cho mỗi nội dung nhanh và chậm. Khi được hỏi về thành tích tốt nhất đã từng đạt được, chị Ngọc nói với thang điểm 10 cho mỗi viên đạn, bắn nhanh chị đạt thành tích cao nhất là 141 điểm, bắn chậm là 128 điểm.

Nghe đến đây, tôi cảm thấy băn khoăn vì sao bắn chậm lại thành tích thấp hơn được. Như hiểu ý của người ‘ngoại đạo’ chị Ngọc giải thích: “Trong bắn súng, ở nội dung bắn chậm, mỗi lượt sẽ bắn 5 viên trong thời gian 6 phút, hết thời gian bia sẽ xoay – không bắn được nữa. Tuy chậm nhưng hồng tâm (10 điểm) rất bé, chỉ bằng miệng cốc uống nước, cách xa 25m nên rất khó bắn. Trong khi đó, ở nội dung bắn nhanh, cũng 25m, mỗi viên xạ thủ chỉ có 7 giây ngắm và 3 giây nổ súng, không kịp bia sẽ xoay luôn nhưng tâm to hơn một chút”.

Sở trường của Đại úy Ngọc là bắn nhanh, mặc dù yêu cầu xử lý ở tốc độ cao nhưng chị vẫn làm chủ được khẩu súng của mình và đạt thành tích tốt. Trong khi đó, ở nội dung bắn chậm thì cân não và mục tiêu bé hơn nên thành tích kém hơn một chút.

nữ cảnh vệ việt nam
Ngoài võ thuật, bắn súng là môn chủ công của các chiến sĩ cảnh vệ Việt Nam 

Nếu thi đấu ngoài trời có thể giảm được lượng tiếng ồn, khói thuốc súng nhưng lại gặp khó khăn về thời tiết, nắng và gió ảnh hưởng rất nhiều đến điểm số. 
Nếu thi đấu trong nhà thì các khó khăn đó được giải quyết nhưng lại gây ra tiếng ồn lớn vì độ vang trong nhà, khói thuốc cũng tan chậm hơn không chỉ gây khó khăn cho thi đấu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chính vì thế, trước mỗi giải các chị sẽ phải đến làm quen với trường bắn đấu khoảng 1, 2 buổi để có thể thích nghi với điều kiện thi đấu.

Cũng liên quan đến thành tích thi đấu là khẩu súng của các xạ thủ, mỗi người dùng súng của mình nên trước mỗi cuộc thi phải chăm sóc súng cẩn thận, lau dầu, kiểm tra tỉ mì vì nếu gặp sự cố khi đang thi đấu, sử dụng súng của ban tổ chức sẽ không quen, thành tích sẽ kém đi rất nhiều.

Phải nói thêm về bắn súng, đây là môn thể thao đặc biệt, với các môn khác, khán giả càng cổ vũ thì VĐV càng có thành tích tốt nhưng với bắn súng thì sẽ càng dễ đưa đạn ra khỏi bia. Vì vậy, trong các cuộc thi không khí thường thầm lặng, căng thẳng và chỉ có tiếng súng nổ.

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn