Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn

Đời sốngThứ Tư, 12/02/2020 06:29:00 +07:00
(VTC News) -

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV kể lại những ngày cách ly trong hoảng loạn khi phải đón Giao thừa trong bệnh viện.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 1

 

Cuộc sống ở làng Nội Hà (huyện Yên Định, Thanh Hóa) yên bình trôi đi, corona - thứ virus đang làm cả thế giới chao đảo vừa ghé đến nhưng lại như chưa từng xuất hiện ở ngôi làng nhỏ bé này.

Trong căn phòng nhỏ ở gác 2 ngôi nhà đang xây dở, Nguyễn Thu Trang (25 tuổi) bắt đầu ngày mới bằng việc thức dậy, tự chuẩn bị bữa sáng cho mình.

Trang chính là 1 trong 3 bệnh nhân người Việt đầu tiên được phát hiện dương tính với chủng mới của virus corona, cũng là người Việt đầu tiên được chữa khỏi, xuất viện và trở về với gia đình.

“Các bác sĩ bảo phải ăn uống đầy đủ, tăng cường dinh dưỡng để có thể trạng tốt nhất mới nhanh chóng bình phục”, Trang cười và cho biết, tuy đã âm tính với virus corona nhưng để đảm bảo an toàn, cô được các bác sĩ dặn tự cách ly ở nhà 2 tuần và luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người xung quanh.

Kể từ khi xuất viện (ngày 3/2), Trang tuân thủ nghiêm ngặt lời dặn dò của bác sĩ, hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Cô cách ly trên căn phòng ở tầng 2. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều tự mình thực hiện.

Một ngày với Trang hiện giờ vẫn chỉ gắn liền với căn phòng nhỏ, “ăn, ngủ, đọc sách và lên mạng trò chuyện với mọi người”. Tuy vẫn phải tự cách ly nhưng cuộc sống hiện tại đã là một điều đáng mơ ước so với khi cô ở bệnh viện.

“Được ra viện, trở về với gia đình, thoát khỏi căn phòng cách ly lạnh lẽo, hít thở bầu không khí trong lành, yên ả của làng quê là điều tuyệt vời nhất”, Trang mỉm cười.

Dưới khẩu trang che gần kín mặt, sự lạc quan, vui vẻ hiện rõ trên đôi mắt cô gái trẻ vừa chiến thắng virus corona.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 2

 

Nhớ lại quãng thời gian trước khi sang Vũ Hán (Trung Quốc) và không may nhiễm virus corona, Trang kể, tốt nghiệp đại học, cô đi làm ở Hà Nội một thời gian nhưng rồi nhận ra công việc không phù hợp với bản thân mình. Vì vậy, khi có cơ hội, cô quyết định sang Nhật thử sức với môi trường mới.

Tuy nhiên, thời gian đi Nhật của cô không kéo dài, chỉ khoảng 1 năm rưỡi. Trở về nhà với vốn tiếng Nhật được tích luỹ, cô dự định sẽ xin vào một công ty Nhật để có thể vận dụng khả năng ngoại ngữ của mình.

Sau khi tìm kiếm công việc trên mạng, nhiều lần nộp hồ sơ tại các công ty ở Hà Nội, Hải Phòng và cả Vĩnh Phúc, cô gái thấy mình có duyên với công ty sản xuất phụ tùng ô tô của Nhật Bản.

“Cũng có nơi em kỳ vọng nhưng không được chọn. Có nơi đến khi họ chọn em thì em đã quyết định thử sức ở nơi khác rồi. Như người ta nói ‘nghề chọn người chứ người không chọn được nghề’. Em đến với công ty Nhật Bản cũng như vậy”, Trang kể.

Ngày 15/11/2019 chỉ vài ngày sau khi vào làm tại công ty, Trang cùng 7 người khác được cử sang Trung Quốc tập huấn.

“Ngay khi phỏng vấn, em đã biết điều kiện trước khi làm sẽ phải sang Vũ Hán (Trung Quốc) để tập huấn 2 tháng. Vì thích bay nhảy nên em sẵn sàng đi để trải nghiệm”, cô cười và nói không cảm thấy hối hận với quyết định sang Vũ Hán của mình.

Thời điểm đó chưa có bất cứ thông tin nào về dịch bệnh ở Trung Quốc. Đoàn của Trang được đưa đến 1 khu công nghiệp ở Vũ Hán. Toàn bộ sinh hoạt, ăn uống đều đã được công ty sắp xếp nên khi sang, mọi người chỉ ở trong ký túc xá và đi làm.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 3

 

“Bên Vũ Hán chúng em gần như chỉ ăn và đi làm. Thời gian học ở đó ít mà khối lượng công việc lớn nên các anh chị em trong đoàn cũng chủ yếu ở trong ký túc xá, không có thời gian rảnh để ra ngoài đi chơi xa. Kể cả Tết Dương lịch cũng không được đi đâu, chỉ thỉnh thoảng ghé ra siêu thị.

Gần như chúng em không tiếp xúc với người ngoài, ngay cả đi siêu thị thì cũng phải chỉ vào màn hình để thanh toán chứ không giao tiếp nhiều vì không biết tiếng Trung.

Sau này, em cũng nghe được thông tin về dịch bệnh corona trên báo chí, nhưng lúc đầu cũng không lo lắng vì nghĩ nó không nguy hiểm.

Đến thời điểm gần về nước, Giám đốc công ty có nói với mọi người: Ở Vũ Hán đang có dịch, không nên đi ra ngoài nhiều, nếu ra ngoài thì nên đeo khẩu trang. Lên sân bay cũng nên cẩn thận đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm”, Trang nhớ lại.

Biết có dịch, Trang và mọi người trong đoàn bắt đầu lo lắng. Ngày về nước, cả đoàn đều trang bị khẩu trang kín mặt, không ai tháo ra cho đến khi về nhà. Trước khi lên máy bay, cả đoàn cũng được khám và kiểm tra thân nhiệt và không có biểu hiện gì bất thường.

“Đến thời điểm hiện tại em cũng không thể hiểu nổi đã bị lây nhiễm virus từ đâu, bởi chúng em gần như không tiếp xúc với ai. Còn ở trong công ty tại Vũ Hán thì đến bây giờ vẫn chưa có ai nhiễm virus cả”.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 4

 

Ngày 17/1/2020, Trang đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Cô cùng 7 người trong đoàn trở về trụ sở nhà máy ở Vĩnh Phúc bằng xe ô tô, làm việc thêm vài ngày trước khi nghỉ Tết.

Vì chưa có chỗ ở nên Trang ở nhờ nhà người bạn ở Vĩnh Phúc. Đến ngày 29 Tết, cô một mình bắt xe khách về quê.

“Chiều tối 29 Tết, em về đến nhà thì lúc ăn cơm xong bắt đầu bị sốt, ho và có chút khó thở. Em uống thuốc nhưng sáng hôm sau cũng không đỡ. Đến khoảng 12h trưa ngày 30 Tết thì cả nhà thống nhất sẽ đưa em đi viện vì lúc đấy em cũng lo lắng là mình từ vùng dịch về.

Khi lên đến bệnh viện huyện, em có khai báo mình từ Vũ Hán về, các bác sĩ lúc đó cũng giật mình, gọi điện cho Bệnh viện tỉnh và lập tức đưa em xuống tuyến tỉnh.

Khi em chuyển từ bệnh viện huyện lên tuyến tỉnh thì mọi người ở đó đã sẵn sàng hết rồi, em chỉ bước xuống xe và vào phòng cách ly luôn”, Trang kể chi tiết.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 5

 

Nhập viện, cô vẫn nghĩ mình làm vậy để phòng tránh chứ không tin mình thực sự đã nhiễm loại virus nguy hiểm này.

“Nhìn thấy tấm biển phòng cách ly nhưng lúc đó vẫn còn rất nhiều bác sĩ xung quanh hỏi thăm nên em không nghĩ là em bị cách ly thật sự. Chỉ nghĩ vào đó truyền nước cho đỡ là sẽ được về nhà vì đã là chiều 30 Tết rồi.

Bước chân vào cửa, em tự động viên bản thân “cố gắng lên, đến giao thừa chắc các bác sĩ sẽ cho mình về”.

Chiều hôm đó, Trang hỏi bác sĩ có được về luôn không nhưng đổi lại là cái lắc đầu từ chối.

“Lúc đó vẫn hy vọng bác sĩ nói đùa, chỉ đến tối em mới xác định được là phải đón giao thừa trong bệnh viện.

Đến ngày mùng 1 Tết, em lại hy vọng là sẽ được về nhà để ăn nốt 2 ngày Tết còn lại, ngày mùng 2 lại nuôi hy vọng, cứ như vậy mỗi ngày cho đến ngày được báo kết quả dương tính”, Trang tâm sự.

Phòng cách ly được bệnh viện bố trí cho Trang rộng chừng hơn 10 m2, khép kín toàn bộ. Ô cửa số nhỏ cạnh hành lang là nơi duy nhất giúp Trang thoát tầm mắt khỏi những bức tường để nhìn ngắm thế giới bên ngoài.

“Ngày đầu biết mình bị cách ly, em rất buồn vì vừa rồi đã đi Nhật 1 năm không được ăn Tết ở nhà. Năm nay kỳ vọng là năm đầu tiên được ăn Tết với đông đủ thành viên, em cũng có nhiều dự định kế hoạch khác nhưng đều lỡ dở.Đêm đón Giao thừa có mẹ ở viện cùng em, nhưng mẹ cũng chỉ được ở ngoài, em nằm một mình trong phòng cách ly, không biết mẹ ở ngoài như thế nào nên càng buồn hơn.

Cảm giác lúc đó chỉ thấy thương bố mẹ rất nhiều vì Giao thừa vẫn phải ở đó với mình, lúc đó em chỉ muốn trốn viện đi về nhà.

Đêm đó em thức rất muộn. Tuy sốt cao, đau mỏi người, tay chân không nhấc lên được và chỉ nằm một chỗ thôi nhưng em vẫn thức đợi qua Giao thừa, cũng không biết đợt vì mục đích gì nhưng em cứ nằm đợi.

Lúc đấy em chỉ chờ xem có tiếng pháo hoa không nhưng tất cả mọi thứ đều im lặng, không có cảm giác, không có không khí gì, cảm thấy rất trống vắng”.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 6

 

Suốt 10 ngày trong phòng cách ly, Trang làm bạn với 3 chiếc giường cùng thiết bị máy móc điều trị. Toàn bộ sinh hoạt đều bó gọn trong căn phòng nhỏ bé, đồ ăn được người nhà chuẩn bị và nhờ bác sĩ đưa vào trong phòng.

Buồn bã nhưng cô không sợ hãi, không lo lắng nhiều cho bản thân mà chỉ nghĩ đến những người xung quanh. Điều khiến cô lo sợ nhất là đã vô tình lây nhiễm virus corona cho ai đó.

Trước Tết, Trang đã ở nhà bạn ở Vĩnh Phúc nhiều ngày, trong nhà có cả người già, trẻ nhỏ. Về nhà tuy chỉ ở 1 đêm nhưng lại là đêm khởi phát bệnh nên cô cũng rất lo lắng cho người thân.

Trang chống chọi với cảm giác trống vắng và lo sợ bằng cách đọc sách, lên mạng tìm xem những video có nội dung tích cực, vui vẻ và đặc biệt là thường xuyên trò chuyện với người thân, bạn bè.

“Vì lo sợ nhất là đã lây truyền virus cho người khác nên em thường xuyên hỏi thăm sức khoẻ của người nhà và gia đình bạn thân em ở Vĩnh Phúc. Biết em lo lắng nên mọi người cũng đều động viên và trấn an em rất nhiều, nhất là bạn em ở Vĩnh Phúc.

Cũng có đôi lúc em lên mạng xã hội nhưng rất ít vì mỗi lần lên mạng đọc các thông tin em lại có cảm giác mình đang bị ốm rất nặng, rất kinh khủng nên chỉ dám lên chút ít và chủ yếu theo dõi các thông tin chính thống từ Bộ Y tế. Em không đọc thông tin trên mạng vì có nhiều luồng thông tin quá nhất là những thông tin không chính thống".

Những ngày đầu trong phòng cách ly, Trang sốt cao, ho nhiều, các bác sĩ thăm khám liên tục khiến cô càng buồn và suy nghĩ hơn. Lúc đó, cô tính từng ngày để mong được về nhà.

Sau đó các cơn sốt cắt dần rồi dứt hẳn, cô cũng quen dần với căn phòng, bộ đồ bảo hộ kín mít chỉ nhìn thấy đôi mắt của các bác sĩ đã trở thành hình ảnh thân thuộc, không khiến cô cảm thấy lo sợ nữa.

Tuy nhiên, đến khi hết sốt, sức khoẻ bắt đầu ổn định, Trang lại nhận kết quả mình dương tính với virus corona.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 7

 

“Lúc đó, thực sự em rất hoang mang. Em chỉ nghĩ “ôi sao mình lại bị thế này”. Em không biết phải làm gì và như thế nào nữa. Sau đó em gọi điện thoại cho mẹ em thì mẹ nói các bác sĩ đã thông báo cho người nhà rồi.

Em không lo cho bản thân mình lúc đấy nữa vì sức khoẻ của em đã ổn định nhiều, nhưng em rất lo lắng cho những người xung quanh em. Rồi em vội vã hỏi tất cả mọi người có ai bị ốm không, dặn mọi người nếu có biểu hiện phải đến viện ngay.

Sau đó em gọi cho các anh chị cũng công ty thì nhận được thông tin có 2 anh chị có kết quả dương tính như mình. Lúc đó rất buồn”.

Những ngày ở bệnh viện, Trang liên tục được làm các xét nghiệm, đo thân nhiệt và được truyền dịch, thuốc.

“Các bác sĩ đo thân nhiệt cho em từ rất sớm. Sau đó thì tiêm, truyền, em không phải tiêm nhiều mà chủ yếu thuốc được đưa vào cùng với truyền dịch. Có những lúc em sốt vào ban đêm, các bác sĩ cũng rất tận tình thăm khám, chăm sóc kỹ lưỡng”.

Hàng ngày ở trong phòng cách ly, tất cả những gì Trang biết chỉ là 4 bức tường, thiết bị, máy móc, ngay cả mặt bác sĩ cô cũng chưa bao giờ nhìn thấy, vì mỗi khi vào họ đều trang bị đồ bảo hộ chỉ nhìn thấy đôi mắt. Trang hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài,

“Đến khoảng ngày thứ 3, thứ 4 là em mất hoàn toàn khái niệm về thời gian, chẳng còn nhớ được hôm nay là ngày bao nhiêu, ngày thứ mấy em bị cách ly. Chỉ đến hôm bác sĩ bảo “đã nằm ở đây được 9 ngày rồi” đến lúc đó em mới giật mình vì 9 ngày không gặp ai”, Trang nhớ lại.

Trang cũng kể, từ ngày nhập viện, cô và nhóm đồng nghiệp ở công ty liên tục trao đổi, thông báo tình hình sức khoẻ cho nhau, một ngày 2 lần vào mỗi buổi sáng và chiều. Đến thời điểm hiện tại thói quen đó vẫn được duy trì.

Lúc đó, ai cũng lo lắng và tất cả mọi người ăn Tết đều không được vui. Đến bây giờ, sức khoẻ của đồng nghiệp hầu hết đã ổn định cũng khiến cô gái này thở phào nhẹ nhõm.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 8

 

“Không cha mẹ nào lại muốn 30 Tết đưa con mình vào viện”, ông Nguyễn Văn Ly (53 tuổi, bố của Nguyễn Thu Trang) giọng buồn bã, nhớ lại trưa 30 Tết, thời điểm Trang ho, sốt, uống thuốc nhiều mà không đỡ, cả nhà cũng không nghĩ Trang nhiễm corona.

Nhưng do Trang vừa trở về từ Vũ Hán, lại có những triệu chứng điển hình như vậy, cả gia đình đồng lòng đưa Trang nhập viện để đảm bảo an toàn.

Giống như con gái, điều ông lo sợ không chỉ là sức khoẻ của bản thân Trang mà còn là việc Trang có thể lây virus cho gia đình và những người xung quanh.

“Thời điểm đó, cả nhà quyết định đưa Trang nhập viện, nếu hôm đó không đi thì những ngày Tết sẽ không thể đi được, và khi đó Trang chắc chắn sẽ tiếp xúc với rất nhiều những người khác nữa”, ông Ly nói.

Giờ nghĩ lại, ông vẫn thấy đó là một điều may mắn, nhờ vậy mà Trang sớm được chữa khỏi và những người xung quanh đến hiện tại chưa có ai bị lây nhiễm từ Trang.

“Ngày Tết mà có người thân trong gia đình ốm là điều rất buồn” ông Ly buồn rầu nhớ lại.

Trang lại bị nghi ngờ nhiễm virus corona phải cách ly nên mọi thứ càng khó khăn hơn.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 9

 

Trang là chị cả trong gia đình có 4 chị em, dưới Trang còn có em trai và 2 em gái nhỏ đang tuổi đi học. Tết năm ngoái, cô không được đón Giao thừa cùng gia đình vì đang ở Nhật. Không ngờ năm nay, khi trở về, Trang cũng không được đón Giao thừa cũng bố mẹ và các em.

Tuy vậy, người đàn ông trụ cột trong gia đình vẫn động viên các con: “Dù buồn nhưng cũng phải cố gắng vượt qua để lo cho sức khoẻ của cháu”.

Trong đêm giao thừa, mẹ của Trang ở trong viện cùng với cô. Bà cùng gia đình một vài bệnh nhân khác người góp giò, người góp bánh, kẹo cùng nhau đón Giao thừa trong bệnh viện.

 Những ngày con gái ở trong phòng cách ly, dù không được gặp mặt nhưng ông Ly cùng vợ thay phiên nhau lên bệnh viện để được ở gần con. Năm nay, gia đình ông không có Tết.

“Mấy ngày Tết tôi không đi đến nhà ai, cũng thông báo cho mọi người không đến nhà tôi để đảm bảo an toàn nhất", ông Ly nói.

Những ngày đầu nhập viện, con gái sốt cao khiên gia đình ông lo lắng. Bản thân ông không sợ virus, nhưng ông lo lắng cho sức khoẻ của con, và rất sợ virus lây lan cho cộng đồng.

Ngay sau khi Trang nhận kết quả dương tính với corona, ông lại càng thận trọng hơn với làng xóm. Tuy vậy, ông Ly cho biết, chưa bao giờ gia đình cảm thấy bị xa lánh, hay nghi ngại. Hàng xóm đều rất nhiệt tình quan tâm đến sức khoẻ của Trang.

Cuộc sống nơi đây cũng không có nhiều xáo trộn, ngoại trừ việc mọi người đeo khẩu trang theo khuyến cáo và có cán bộ y tế đến phun thuốc khử trùng.

Ngày Trang xuất viện trở về nhà, họ hàng, làng xóm đến thăm hỏi, động viên rất đông. Đến giờ này, ngoại trừ việc Trang vẫn đang tự cách ly 2 tuần theo chỉ định của bác sĩ, mọi thứ đã dần trở lại bình thường.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 10

 

Lúc mới bị bệnh, Trang thường lên mạng và quan tâm rất nhiều đến những thông tin trên mạng về tình hình dịch bệnh và cả những lời lẽ ác ý dành cho mình.

Nhiều người cho rằng đoàn của Trang không có ý thức phòng dịch nên mới nhiễm bệnh, khi đang ở vùng dịch nguy hiểm lại về nước để mang theo virus về.

Họ không biết thời điểm đoàn công ty của Trang về nước, dịch còn chưa bùng phát mạnh như bây giờ. Tất cả các thành viên trong đoàn đều có ý thức phòng bệnh, đều đã được khám, kiểm tra sức khoẻ trước khi về nước và tất cả đều bình thường.

“Những lời lẽ ác ý trên mạng ban đầu làm em buồn và xuống tinh thần rất nhiều. Những thông tin tràn lan trên mạng xã hội cũng khiến em rất áp lực, có lúc em đã phải khoá facebook cá nhân lại.

Ngay cả sau khi em ra viện, chia sẻ về những ngày chiến đấu với virus, vẫn có rất nhiều lời lẽ ác ý dành cho em, họ bảo em "nổ", "không chết là may rồi".

Tuy nhiên sau này, em không còn bận tâm tới những luồng thông tin trên mạng nữa, chỉ tìm hiểu về bệnh từ các nguồn thông tin chính thống. Với em, sức khoẻ của bản thân, của gia đình và những người xung quanh mới là điều đáng bận tâm và quan trọng nhất”, cô gái trẻ nhớ lại.

Những ngày nằm viện, Trang cũng lo lắng cho gia đình và những người xung quanh, sợ mình lây nhiễm cho nhiều người và cuộc sống của mọi người sẽ có nhiều xáo trộn.

Vậy nhưng, ngay tại chính gia đình cô và những ngôi nhà kế cận, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Người dân đeo khẩu trang khi ra đường và cán bộ y tế xuống nhà phun thuốc khử trùng.

Bạn bè có nói với em “Ngoài kia thì sóng gió nhưng ở làng mọi người vẫn đi chơi bóng chuyền vui vẻ".

Tuy nhiên, ở ngoài làng Nội Hà, mọi chuyện hoàn toàn khác.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 11

 

Những ngày Trang nằm viện, cũng là những ngày căng thẳng với với làng Nội Hà. Sự căng thẳng không phải đến từ bên trong, mà là từ những ngôi làng kế cận. Điều lạ là càng cách xa nhà của Trang, người ta lại càng sợ hãi về dịch bệnh.

Là hàng xóm kề sát nhà Nguyễn Thu Trang, anh Vũ Đức Anh Tuấn chia sẻ, ngày 30 Tết, biết Trang mới từ Vũ Hán về và phải nhập viện nhưng mọi người đều cảm thấy bình thường, không quá lo lắng.

Tuy có nghi ngờ Trang có thể nhiễm corona, biết được sự nguy hiểm của bệnh dịch này nhưng nhiều người vẫn sang chơi.

Thậm chí, ngay cả khi biết kết quả Trang dương tính với corona, hàng xóm xung quanh vẫn không tỏ ra quá lo sợ, vẫn đến nhà Trang để hỏi thăm.

“Bản thân tôi, bố mẹ tôi đều cảm thấy bình thường, tôi vẫn sang nhà Trang chơi. Những nhà hàng xóm khác tôi thấy cũng vẫn bình thường như vậy, không có ai hoang mang”.

Theo anh Tuấn, thời điểm Trang có kết qua dương tính với corona, mọi người cũng cẩn thận hơn, đa phần đeo khẩu trang, vệ sinh nhà cửa và thường xuyên rửa tay. Tuy nhiên, cuộc sống người làng cũng không có gì thay đổi.

“Nhưng ở xa thì mọi người lại sợ hãi. Tôi đi làm ở xa làng cũng thấy mọi người rất sợ”, anh Tuấn nói.

Ông Vũ Văn Tỉnh (người làng Nội Hà) kể, những ngày đầu Trang bị bệnh phải nhập viện, người trong làng không phải ai cũng biết, nhất là những người ở cách xa nhà Trang.

Sau này, nghe tin Trang bị nghi ngờ nhiễm corona, nhiều người cũng tỏ ra lo lắng, vì qua báo đài, ti vi, họ cũng ý thức được sự nguy hiểm của loại virus này, sợ sẽ có dịch bùng phát ở quê.

Nỗi lo sợ còn lớn hơn ở những ngôi làng xung quanh.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 12

 

"Lúc đó người làng Nội Hà sang làng khác cũng không được chào đón, đi mua hàng người ta không bán, hoặc có bán thì cũng không lấy tiền ngay mà chỉ đưa hàng chờ sau này quay lại thanh toán, hạn chế tối đa tiếp xúc", ông Tỉnh kể.

Những lời đồn thất thiệt về việc cán bộ y tế xuống "bắt mấy chục người làng Nội Hà đi cách ly" hay "làng Nội Hà đang trong tình cảnh nội bất xuất, ngoại bất nhập" xuất hiện ở những ngôi làng xung quanh càng khiến họ sợ hãi.

“Cuộc sống cũng có thay đổi khi đang bình thường nhưng dư luận lại xôn xao, mọi người thảo luận, bàn tán về virus mà Trang đang mang. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt, ăn uống hay làm việc của người dân trong làng vẫn diễn ra bình thường”, ông Nguyễn Văn Dụng (người làng Nội Hà) chia sẻ.

Chỉ đến ngày Trang ra viện, những lo lắng, nghi ngại của người dân mới nhanh chóng tiêu tan.

“Đến bây giờ không còn nhiều người lo sợ nữa, chúng tôi cũng đã bỏ khẩu trang mấy ngày hôm nay, người dân làng bên cũng không còn e dè khi tiếp xúc với chúng tôi nữa", ông Tỉnh nói.

Ông Lê Tiến Lợi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nội Hà cho biết, ngày 30 Tết, khi Trang phải nhập viện, thôn đã nắm được tình hình. Lúc đấy mới chỉ nghi ngờ nhưng Trang có ý thức phòng bệnh rất tốt, đeo khẩu trang ngay từ nhà.

Những ngày Trang ở viện, lãnh đạo thôn cũng thường xuyên theo dõi tình hình sức khoẻ của Trang và các thành viên trong gia đình, đặc biệt là 2 em gái, những người ngủ cùng giường với Trang trước đêm cô nhập viên.

Theo ông Lợi, tuy Trang phải nhập viện vì nghi nhiễm corona nhưng ở thôn Nội Hà cũng không có nhiều xáo trộn, Tết mọi thứ ở thôn vẫn diễn ra bình thường, chỉ hạn chế một chút việc tụ tập đông người.

“Khi có kết quả Trang dương tinh với virus corona, thông tin được thông báo rộng trên đài truyền thanh của xã để người dân nắm được và có ý thức phòng ngừa. Cán bộ y tế cũng xuống thôn phun thuốc khử trùng.

Chúng tôi cũng khuyên mọi người  bình tĩnh, không nên hoang mang, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người và có thức phòng ngừa dịch bệnh”, ông Lợi cho hay.

Theo ông Lợi, việc người dân những ngôi làng kế cận hoang mang, lo sợ, e dè người làng Nội Hà là vì họ không nắm được thông tin và có nhiều lời đồn thất thiệt.

“Chẳng hạn như việc cán bộ y tế lập danh sách và theo dõi hơn 20 người từng tiếp xúc trực tiếp với Trang thì họ lại đồn rằng hơn 20 người đã bị cán bộ y tế bắt đi rồi. Tất cả là do họ không hiểu", ông Lợi nói.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 13

 

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 14

 

Ngày 3/2, sau hơn 10 ngày cách ly trong bệnh viện, nhiều lần làm xét nghiệm với kết quả âm tính với corona, Trang xuất viện trong niềm vui sướng vỡ oà của gia đình, của các y bác sĩ và không ít người dân cả nước luôn dõi theo diễn biến của dịch bệnh này.

Điều mà Trang không ngờ được là rất đông người thân, hàng xóm và bạn bè đã có mặt khi cô trở về nhà để hỏi thăm và chúc mừng cô được ra viện.

Người thân, làng xóm không ai có thái độ e ngại, xa lánh đối với Trang. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cô chỉ chào mọi người rồi đi thẳng lên phòng để tự cách ly thêm, hạn chế tối đa tiếp xúc với nhiều người.

“Những hôm sau, họ hàng, bạn bè cũng đến rất đông, nhất là sáng sớm và tối rất đông người đến hỏi thăm nhưng em chỉ ở trên nhà thôi vì đang còn cách ly nên chưa tự tin gặp nhiều người.

Ở quê mọi người cũng không lo lắng nhiều lắm, không như những thông tin em đọc ở trên mạng, thấy ai cũng hoang mang, cũng sợ và né tránh”, Trang phấn chấn kể.

Tin Trang khoẻ mạnh xuất viện cũng giúp làng Nội Hà trút đi gánh nặng đè nén suốt nhiều ngày. Những tin đồn về bệnh dịch không có thuốc chữa được dẹp tan. Những người ở làng bên cũng không e dè khi tiếp xúc với người làng Nội Hà nữa.

Người dân bắt đầu ngừng đeo khẩu trang, cuộc sống đang dần trở lại bình thường với ngôi làng nhỏ yên bình.

Tuy vừa nhiễm phải virus nguy hiểm, nhưng Trang thường xuyên nhắc tới 2 từ “may mắn”.

“Em may mắn vì đã nhanh chóng đến bệnh viện và cách ly kịp thời khi bệnh khởi phát. Đến nay, không có ai bị lây nhiễm từ em là điều đáng mừng nhất. Và cũng may mắn vì nhập viện và điều trị sớm, được các bác sĩ chăm sóc rất tận tình nên em nhanh chóng bình phục”.

Nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên khỏi nCoV và những ngày cách ly trong hoảng loạn - 15

 

Nhìn lại những ngày qua, Trang coi đây như biến cố trong cuộc đời. Đến lúc này cô chỉ hy vọng những người đang nhiễm virus sẽ nhanh chóng khỏi bệnh, không còn ai nhiễm thêm virus này nữa, “em mong bệnh dịch này sẽ sớm qua đi để người dân bớt hoang mang, trở lại cuộc sống bình thường”.

Nói về dự định của bản thân, cô cho biết hết thời gian tự cách ly 2 tuần, nếu sức khoẻ tốt, cô sẻ trở lại Vĩnh Phúc làm việc.

Trước mắt, cô vẫn muốn gắn bó với công ty và về lâu dài, Trang sẽ tiếp tục học thêm tiếng Nhật để nâng cao trình độ của mình.

Bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, không phải bệnh nhân nào mắc virus corona (virus nCoV) cũng đều nặng, cũng có trường hợp diễn biến nhẹ.

Lý giải sự hồi phục nhanh chóng của Nguyễn Thị Trang, bác sĩ Tiến cho rằng Trang còn trẻ khỏe nên sức đề kháng tốt hơn. Cô cũng được phát hiện bệnh sớm và đưa đến cơ sở y tế kịp thời (trong vòng 24h kể từ thời gian phát bệnh).

Sau khi Trang nhập viện, các bác sĩ cách ly theo quy định, sử dụng các biện pháp phòng hộ để tránh lấy chéo trong bệnh viện, tránh lây chéo cho bác sĩ, người nhà bệnh nhân.

Trang được theo dõi, xử lý các triệu chứng theo diễn biến của bệnh. Các bác sĩ cũng theo dõi sát để đề phòng phát sinh, xử lý các biến chứng sớm, kịp thời. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng được đảm bảo để có sức đề kháng vượt qua bệnh tật.

“Về cơ bản chúng tôi theo phác đồ điều trị và hướng dẫn của Bộ Y tế, cái chính là cá biệt hóa cụ thể từng trường hợp bệnh nhân cụ thể”, bác sĩ Tiến cho hay.

Bác sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết thêm, Trang nhập viện với những triệu chứng và tiền sử dịch tễ như vậy nên lập tức được cách ly.

Bệnh viện cho làm các xét nghiệm liên quan đến cúm và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm virus corona. Trong quá trình điều trị, Trang được uống thuốc hạ sốt (Paracetamol), truyền dịch, uống kháng sinh chống nhiễm trùng…

“Bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, kịp thời nên các triệu chứng không nặng. Chụp phổi không bị tổn thương. Các xét nghiệm thông thường không có gì đặc biệt. Bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và được ra viện”, bác sĩ Cường nói.

Tuy đây là niềm vui rất lớn nhưng các bác sĩ của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cũng cho rằng, thành công bước đầu có được là nhờ sự kết hợp tổng hoà của nhiều yếu tố.

Xuân Trường - Trần Lộc (Đồ họa: Hà Thành)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp