NSƯT Văn Vượng: Nốt trầm kiêu hãnh…

Tổng hợpThứ Ba, 30/10/2012 08:22:00 +07:00

Tiếng đàn “làm đầu câu chuyện”, bất cứ ai đến chơi nhà Văn Vượng, sẽ được chủ nhà mến khách đãi ngay vài bản nhạc tích tịch tình tang...

Sáng mùa Thu tháng 10. Nắng vàng, gió nhẹ trải dịu dàng xuống góc ban công khu tập thể Tô Hiệu, nơi có người nghệ sĩ mù đang đứng hít thở, vươn vai chào bình minh ngày mới… Rồi ông ôm đàn, gảy những bản tình ca da diết, nồng nàn… Căn gác nhỏ, bỗng rộng thênh thang…

Yêu guitar như một tín ngưỡng

Văn Vượng ở nhà một mình. Một mình nhưng không có nghĩa là cô độc. Bởi bên cạnh ông lúc nào cũng có đến 5 chiếc guitar. Như một bản năng tự nhiên, ông lần mò tìm cây đàn mà mình “say đắm” nhất. Chậm rãi ôm và vuốt ve từng thớ gỗ, từng sợi dây đàn. Thật tự nhiên, những nốt nhạc vang lên trong không gian phòng khách rất nhỏ như sự sẻ chia. Bản Romance de l’Amour. Sâu lắng. Giản dị. Mộc mạc. Qua chuyển soạn của Văn Vượng mang nét buồn sâu thẳm và tinh tế hơn. Mê hồn và khắc khoải buồn.

Tiếng đàn “làm đầu câu chuyện”, bất cứ ai đến chơi nhà Văn Vượng, sẽ được chủ nhà mến khách đãi ngay vài bản nhạc tích tịch tình tang như thế. Tiếng đàn khơi gợi lòng người, và câu chuyện về cuộc đời Văn Vượng cũng lần theo từng giọt âm thanh ấy.

Lên 4 tuổi, ông bị bệnh đậu mùa. Một buổi sáng, mắt tự nhiên không nhìn thấy gì nữa. Cậu bé òa khóc. Các anh chạy ra chợ gọi mẹ, mang lên Hà Nội ở nhà thương dốc Hàng Gà. Bác sĩ bảo mắt kéo màng còn mỏng quá, hẹn 3 ngày nữa lên sẽ bóc. Nhưng rồi chiến tranh nổ ra (1946). Mẹ đặt Văn Vượng vào cái thúng đi chạy giặc. Thế là bóng tối đeo đẳng cậu bé từ thuở  ấy.

 
Tha thẩn chơi một mình, cậu mày mò chế tạo được “cây đàn” bằng sợi dây chun căng ngang miệng chiếc âu đựng trầu mất nắp của mẹ. Những âm thanh ngây ngô cũng phần nào làm cậu bé vui hơn khi phải chờ đợi người lớn đi làm về. Đến năm lên tám, gia đình mua cho cây đàn băng-giô-an-tô bốn dây, mặt tròn căng da trâu - một món quà vô giá đối với cậu bé. Cứ thế, Văn Vượng học qua truyền khẩu, truyền tay. Thế mà trong 5 tháng, ông học gần hết chương trình trung cấp.

Năm 13 tuổi, Vượng may mắn gặp được người thầy dạy cho chữ nổi. Mất 3 buổi sáng để biết hết ký hiệu nhạc nổi, Văn Vượng lọ mọ tự học và đã chép toàn bộ các bản nhạc ra chữ nổi. Miệt mài. 15 tuổi, Văn Vượng đã tự sáng tác bài Hoàng hôn trên sông. 18 tuổi, lần đầu tiên, Văn Vượng lên sân khấu biểu diễn bài Trống Cơm của danh cầm Tạ Tấn, được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt. Lần đó, Vượng rơi nước mắt vì hạnh phúc. Rồi Đài Tiếng nói Việt Nam về Hải Dương, thu một số bản nhạc của Văn Vượng. Tiếng đàn của ông cứ thế vang xa.

 
Không có thầy dạy, cậu nghe đàn qua đài tiếng nói Việt Nam rồi tập đánh lại. Không có giáo trình, chỉ mò mẫm tự học gam, phím bấm nhầm lẫn lung tung. Tập đánh hoàn chỉnh một bản nhạc nhiều khi bật máu mấy đầu ngón tay… Yêu đàn như một tín ngưỡng, Văn Vượng quyết tâm lên Hà Nội lập thân bằng tiếng đàn và không ngừng luyện tập để mang tiếng đàn đến với công chúng, cũng là cách giãi bày tình cảm nồng nàn với cuộc sống này.

Tự mày mò với cây đàn guitar, Văn Vượng đã có được kỹ thuật biểu diễn  hết sức sáng tạo, linh hoạt. Không chỉ dùng dây đàn, ông còn tận dụng các phần khác nhau của thân đàn, thùng đàn và cần đàn để tạo nên những âm thanh, tiết tấu phong phú. Thành ra, trong suối nhạc tuôn trào khi êm ái, ngưng đọng, khi ào ào như thác đổ ấy, Văn Vượng đã tạo ra từ đôi tay mình khi thì dăm tiếng chuông ngân, khi cả 6 dây đàn cùng hòa quyện vào nhau, khi chỉ có tiếng thùng đàn được bàn tay vỗ về nhè nhẹ…

 
Có một thời, Cung Văn hóa Hữu nghị chật kín người xem chờ nghệ sĩ mù Văn Vượng biểu diễn. Những bản nhạc như “Người Hà Nội”, “Trường ca Sông Lô” và hơn 300 bản nhạc mang dấu ấn riêng của ông đã vang lên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Một Văn Vượng đậm chất flamenco, tài hoa và bản sắc trong từng nét nhạc.

Hơn nửa thế kỷ chơi đàn tự do, vào độ tuổi 55, Văn Vượng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Ông là nghệ sĩ khiếm thị duy nhất được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ở Việt Nam.

Đến nay ông đã có một gia tài âm nhạc kha khá gồm hàng trăm bản nhạc chuyển cho đàn guitar, hơn 8.000 buổi biểu diễn và 7 CD đã thu. Mỗi CD đều đánh dấu một bước đi của người nghệ sĩ tài hoa này.

Ngoài ra, ông còn chuyển soạn hàng trăm bản nhạc cho đàn guitar, trong đó có những bản nhạc cổ điển nổi tiếng như For Elise (Beethoven), Nhạc chiều (Schubert), Phiên chợ Ba Tư (Ambecatenbey) hay Diễm xưa, Cát bụi của Trịnh Công Sơn. Văn Vượng đã có khoảng 8.000 buổi biểu diễn trên khắp mọi miền đất nước.

Văn Vượng nói, “của nả” quý nhất của ông bây giờ là 5 cây đàn. Một cây đàn guitar gỗ cổ điển có 6 dây (từ 1970), một cây 4 dây (từ 1950), treo trưng bày trong nhà. Ba cây đàn chuyên biểu diễn được treo ở góc riêng: đàn dây nilon Tây Ban Nha, để đánh bài cổ điển; hai đàn Yamaha thì một để chơi nhạc Việt Nam, một guitar điện (do học trò người Pháp tặng năm 1992) để chơi rock. Thế mà lão nghệ sĩ già vẫn chép miệng ao ước có cây đàn mới của Tây Ban Nha thật tốt để tha hồ mà phiêu, tha hồ thử nghiệm những khám phá mới.

 
NSƯT Văn Vượng đi biểu diễn ở nước ngoài khá nhiều. Ông đã từng biểu diễn ở Nhật, đã từng chơi đàn biểu diễn cả ở các nhà máy của Đức, chơi các bản Serenata cho bác sĩ nghe. Họ ôm hôn ông và ngạc nhiên sao một người châu Á có thể có một tình cảm như người châu Âu đến thế. Khi Bộ Ngoại giao mời ông biểu diễn cho nhiều người khách Cuba, ông chơi bài Sibone và có người thốt lên: Nếu nhắm mắt lại nghe thì tôi đang ở La Habana.

Có lần Văn Vượng biểu diễn bài Sibone (nhạc Cuba) do ông chuyển soạn ở Cung Văn hóa Hữu nghị, đang biểu diễn thì dây son bị đứt. Gần hết bài lại đứt tiếp dây la. Ngay lập tức, ông đã biểu diễn tác phẩm này bằng cây đàn chỉ còn có 4 dây. Buổi biểu diễn vẫn thành công xuất sắc và hầu như không ai biết đến sự cố này.

Tiếng đàn của Văn Vượng thiên về tả cảnh, những khung cảnh mà ông chưa một lần được thấy trong đời. Kỹ thuật điêu luyện của ông đã tạo cho bản nhạc một sức sống mới, với những đoạn mô phỏng tiếng chuông nhà thờ trong trẻo, tiếng gồng gánh va nhau kĩu kịt, tiếng bom rơi đạn nổ trong một "trời Hà Nội đỏ máu", tiếng còi tàu vào ga hay tiếng chim gù bên cửa sổ.

Ánh sáng đã bỏ Văn Vượng nhưng đôi tay lại mang về cho ông hạnh phúc... Những bản nhạc qua tay ông như được mang một linh hồn mới truyền cho người nghe những cảm xúc mới, vui tươi và yêu đời hơn. Ông bảo, có những khi chơi đàn và cảm xúc dâng lên mạnh đến mức tim đập liên hồi, khiến ông phải ngừng lại nghỉ một lúc mới chơi tiếp được. Thậm chí, “khi đánh xong một bài, tôi cảm thấy như kiến bò khắp người. Vì tập trung ghê quá và vì cảm xúc nữa”.

Khúc hoan ca ngân lên từ bóng tối

Những ký ức xa xôi, niềm vui và cả những cay đắng của cuộc đời nghệ sĩ đôi khi khiến giọng Văn Vượng như chùng lại. Mỗi lúc cảm xúc dâng cao, ông lại dừng câu chuyện, khẽ khàng ôm cây đàn lên. Vừa chơi vừa hát ngân nga.

Văn Vượng yêu nhiều. Có những mối tình kéo dài 9 năm, nhưng không vượt qua được những định kiến xã hội. Trái tim nhạy cảm hứng chịu những tổn thương. Đã bao lần, ông thả mình đi vô định giữa đêm Hà Nội. Rồi cũng bao lần, gã trai thất tình ngồi lặng nghe tiếng giun dế kêu ở chân tường trong đêm khuya thanh vắng như một bản nhạc buồn thê thiết.

Nhưng rồi, hạnh phúc đã tìm đến ông, dù muộn mằn. Ở tuổi 41 tuổi, khi đang hoang mang giữa ngã ba đường, Văn Vượng gặp cô học trò trường Y tìm đến ông xin học đàn. Chỉ sau 3 tháng cô đã thầm yêu ông. Hai kẻ yêu nhau, sống chết thề nguyền bên nhau dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Một đám cưới được tổ chức như thời chiến diễn ra năm 1983, mặc dù, trước đó ông đã nhận được lời đe dọa sẽ “phá”.

 
Đám cưới của Văn Vượng trở thành “huyền thoại” trong giới văn nghệ sĩ thời đó. Để chắc ăn, Vượng bố trí hai chiến sĩ an ninh, có súng trong người, đứng hai đầu ngõ Văn Chương. Rồi báo cả cảnh sát khu vực phòng có chuyện để họ ứng phó. Trong đám rước dâu cũng có hai anh cảnh sát mặc thường phục. Gã nghệ sĩ si tình cũng không quên bố trí “một thằng bạn rất giỏi võ” đứng ngay ở nhà cô dâu. Và nhờ thế, đám cưới diễn ra êm đẹp, vui vẻ.

Vượt qua những thử thách, sóng gió, giờ đây bình yên đã về trên căn gác nhỏ chưa đầy 45m2 ấy. Và mỗi ngày, bên tiếng ghita dặt dìu, ngân lên trong bóng tối của người nghệ sĩ già đã có thêm tiếng đàn piano thánh thót, du dương, đầy màu sắc của cậu con trai chớm tuổi đôi mươi.

Gần 30 năm chung sống, ông vẫn luôn thầm cảm ơn người phụ nữ đã hy sinh và mang đến cho ông một cuộc đời bình dị, hạnh phúc. Một đứa con trai ngoan ngoãn, giỏi giang… Chỉ tiếc, ông chưa một lần nhìn thấy mặt vợ con…

Văn Vượng hồ hởi khoe cậu con trai duy nhất của mình sau 10 năm học đàn piano vừa thi trúng tuyển chính thức vào Học viện âm nhạc và đỗ cả ĐH Quốc gia. Thoả theo nguyện vọng của con, ông ủng hộ để "quý tử" học cả hai trường cùng lúc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ở tuổi 70 ông vẫn sẽ phải giữ sức khoẻ và tiếp tục làm việc kiếm tiền nuôi cho những ước mơ của con thành hiện thực.

Văn Vượng đang viết hồi ký, đó là những góc khuất trong cuộc đời mình. Ông nói, mọi người chỉ nhìn thấy một Văn Vượng ôm đàn ghi ta hát, đầy hào quang, rực rỡ. Nhưng có mấy ai biết, một Văn Vượng của những góc khuất cuộc đời…

Vào những ngày đẹp của mùa thu Hà Nội năm nay, nghệ sĩ Văn Vượng lại nhận được tin vui khi đoạt giải thưởng lớn "Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội 2012" do báo Thể thao văn hoá tổ chức và trao giải. "Khi được người của BTC báo tin tôi mừng và ngạc nhiên. Không ngờ mọi người vẫn quan tâm đến tôi. Với tôi 20 triệu không quá lớn nhưng đó là món quà bất ngờ đáng trân trọng mà tôi nhận được từ cuộc sống. Có những khi tôi tưởng mọi người lãng quên mình rồi" – Vượng rưng rưng nói.

 
Ông hay buồn mỗi khi trời đổ mưa. Những lúc ấy, ông thường mở cửa phòng, lặng lẽ đứng ngoài ban công, hướng gương mặt về khoảng sáng mờ ảo nơi có những giọt mưa đang gieo xuống và suy ngẫm về cuộc đời mình.

Thiệt thòi nhưng chưa bao giờ Văn Vượng cảm thấy đau khổ và chán nản cuộc sống. Mỗi lúc cô đơn hay tủi thân, ông lại càng hiểu mình cần âm nhạc đến thế nào. Cuộc sống có buồn có vui, cũng như một bản nhạc có nốt cao nốt trầm. Văn Vượng không thích cái gì nhàm chán, đơn điệu. Ngay cả những bản nhạc buồn hay những khúc nhạc vui, ông đều chơi một cách mãnh liệt, buồn ra buồn và vui cũng phải thật tưng bừng.

Nghị lực và tình yêu cuộc sống cháy bỏng đã giúp Văn Vượng làm nên những kỳ tích. Người ta gọi ông là phi thường. Nhưng ông chỉ dám nhận mình là một người bình thường và hơi khác thường. Một người mù tự tin, dám sống và dám sống hết đam mê.

“Có người bảo tôi đừng chữa mắt, vì sẽ nhìn thấy cuộc đời nhiều đau khổ. Nhưng tôi muốn được biết, được cảm nhận tất cả, được nhìn thấy khuôn mặt yêu dấu của vợ và con trai”- ông tâm sự.

Càng sống, càng yêu đời, ông càng khao khát tìm nguồn sáng cho đôi mắt của mình. Ngay cả lúc này đây, khi ngồi nói chuyện cùng tôi, trong ông vẫn khắc khoải với giấc mơ đó. "Nếu trước khi chết mà có một điều ước, tôi ước có đôi mắt sáng để được nhìn thấy khuôn mặt vợ con, những người thân yêu nhất của tôi, nhìn thấy Tổ quốc xinh đẹp của tôi"- ông chậm rãi thổ lộ. Nghe đâu, có một bác sĩ ở Nga có thể chữa lành đôi mắt cho Văn Vượng. Số tiền lên tới 50.000 đô la. Một món tiền quá lớn với đời nghệ sĩ nghèo…

Ông có thói quen lang thang trên những con đường vắng của Hà Nội về đêm, để cảm nhận thật sâu nơi chốn mình đang sống. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và cũng gần chừng ấy thời gian, sống trong bóng tối, nhạc sĩ Văn Vượng đã dùng tiếng đàn rong ruổi khắp các miền đất nước, rong ruổi vào những ngõ ngách tâm hồn người và rong ruổi trong chính tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của mình…

 Cho đến nay, Văn Vượng vẫn khao khát được đi chữa mắt. "Gần đây ở Siberia có giáo sư Bon đa sép tìm ra cách chữa cho một cô ở Kiev mù lúc 7 tuổi, nay hơn 40. Nhãn cầu chỉ còn bằng hạt đỗ. Ông ấy đã chữa cho cô có thể nhìn được, đọc cả chữ. Tôi đã liên hệ và giáo sư đã mời. Nhưng chưa có tiền đi". Hỏi bao nhiêu thì đủ, Văn Vượng buồn rầu nhưng hy vọng. Ông bảo "Chắc phải khoảng 50.000 USD. Mỗi người chỉ cần cho 1 USD, cả nước chắc sẽ cứu được đôi mắt cho Văn Vượng..."

 

 

Thanh Hương
Bình luận
vtcnews.vn