Nốt trầm bóng đá Việt 2017: U22 Việt Nam thất bại, Long An đứng yên để đối phương ghi bàn

Thể thaoThứ Năm, 28/12/2017 08:01:00 +07:00

Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 và những bê bối V-League là "điểm đen" của bóng đá Việt Nam trong năm 2017.

Bóng đá Việt Nam chứng kiến những "điểm đen" không đáng có, trải dài từ cá nhân đến tập thể, từ U22 Việt Nam đến V-League trong năm 2017.

Nỗi xấu hổ Long An

Bóng đá Việt Nam hiếm khi xuất hiện trên những mặt báo quốc tế như Eurosport, Daily Mail,... nhưng sự cố trên sân Thống Nhất ở vòng 6 V-League là một ngoại lệ. Đáng tiếc, sự kiện đưa bóng đá Việt Nam đến tầm thế giới lại là một trong những bê bối đáng quên nhất của bóng đá nước nhà trong năm 2017.

Toàn đội Long An bỏ sân để phản ứng với quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư trong trận đấu với CLB TP.HCM. Đến khi quay lại, đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng yên trên sân, để mặc đối thủ ghi liên tiếp 3 bàn thắng. Xấu hổ hơn, thủ thành Minh Nhựt còn... chổng mông về phía đội chủ nhà trong pha sút phạt đền của tiền vệ Victor (CLB TPHCM), lộn nhào một vòng trong tình huống cản phá đối mặt.

longanphanung1-19-2-17-1487510566638

 Cả đội Long An phản ứng quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư

Báo chí thế giới dành những từ ngữ không mấy tốt đẹp như "kỳ quặc", "lố bịch",... cho sự cố của Long An. Tuy nhiên, bi kịch với đội bóng này chỉ đến sau trận đấu, khi huấn luyện viên (HLV) Ngô Quang Sang rời ghế chỉ đạo, đội trưởng Huỳnh Quang Thanh và thủ môn Minh Nhựt bị cấm thi đấu, trong khi chủ tịch Võ Thành Nhiệm phải từ chức. Long An rơi xuống đáy bảng xếp hạng, và "nằm im" ở đó đến khi mùa giải hạ màn.

Bế bối trên sân Thống Nhất không phải bi kịch của riêng Long An, mà còn là cho cả V-League khi bao lâu nay, sự chuyên nghiệp chỉ tồn tại đơn thuần như chiếc áo gượng gạo mà giải đấu này mặc mãi không vừa. Niềm tin giữa CLB, cầu thủ với ban tổ chức, trọng tài suy giảm, và nếu thực trạng này còn tiếp diễn, sẽ có thêm bao nhiêu đội bóng chọn cách hành động như Long An?

Video: Long An bỏ sân để phản đối trọng tài

 

V-League và những câu chuyện muôn thủa

Bạo lực sân cỏ, năng lực trọng tài hay chuyên môn của ban tổ chức vẫn đang là vấn nạn nhức nhối của V-League. Việc tiền đạo Nguyễn Văn Quyết lĩnh án phạt nặng và bị loại khỏi danh sách bầu chọn Quả bóng Vàng 2017 chỉ như giọt nước làm tràn ly, trong mùa giải V-League sống chung với bóng đá bạo lực.

Điển hình nhất là pha vào bóng thô bạo của Hoàng Vũ Samson và Trần Văn Kiên (CLB Hà Nội) với tiền vệ Châu Ngọc Quang (HAGL). Sau khi nghiên cứu băng hình, ban tổ chức V-League xử Hoàng Vũ Samson... trắng án khi pha phạm lỗi của cầu thủ này chỉ mang "tính chất liều lĩnh". Cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải cho rằng đây là phán quyết tùy tiện, trong khi chuyên gia Trịnh Minh Huế khẳng định: VFF coi thường luật bóng đá.

Sự kiện trọng tài Nguyễn Hiền Triết bị CĐV Hải Phòng... chửi hội đồng trên các khán đài vì quyết định gây tranh cãi, hay trọng tài Nguyễn Trung Kiên mắc sai lầm và phải gọi điện cho SLNA để xin lỗi sau trận,... cũng khiến người xem ngán ngẩm. 

hanoi-hagl3-014_tgwt

 Pha vào bóng thô bạo của Samson (giữa).

Cuộc đua vô địch kịch tính đến vòng cuối không thể cứu rỗi những hình ảnh phản cảm mà V-League 2017 mang lại. Sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, BLV Quang Huy khẳng định: Bóng đá nước nhà sở hữu lứa trẻ tài năng, song V-League lại quá thiếu tính thực chiến, minh bạch với những trận đấu thật giả lẫn lộn. Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, cần mạnh tay tổ chức lại V-League cho xứng với hai tiếng "chuyên nghiệp", để khôi phục lòng tin người hâm mộ và không lãng phí tài năng của các lứa cầu thủ trẻ.

Toyota cắt hợp đồng với V-League

Năm 2017 khép lại với V-League bằng một sự kiện đáng quên, khi Toyota chính thức rút lui khỏi cương vị tài trợ cho giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam. Động thái của Toyota cho thấy: V-League ngày càng mất giá, mà nếu không có cú hích thực sự về thượng tầng cũng như công tác tổ chức, xây dựng hình ảnh, không có gì đảm bảo V-League 2018 sẽ tránh được những sự cố đáng buồn như năm 2017 đã từng.

U22 Việt Nam thất bại tại SEA Games 29

Trước thềm giải đấu được mong đợi nhất trong năm, BLV Quang Huy nhận định: "Nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games này, chẳng biết bao giờ chúng ta mới vô địch được nữa".

Thật vậy! HLV Hữu Thắng sở hữu thế hệ cầu thủ đầy tiềm năng và có kinh nghiệm thi đấu cả trong nước lẫn quốc tế như Công Phượng, Xuân Trường,... lại có thêm "tiếp viện" từ lứa U20 Việt Nam (vừa dự U20 World Cup) như Quang Hải, Văn Hậu. Thực tế, U22 Việt Nam đã khởi đầu hứa hẹn với 9 điểm sau 3 trận. Nhưng 2 trận còn lại đã vượt quá tầm kiểm soát.

Sau trận hòa 0-0 trước U22 Indonesia, U22 Việt Nam bại trận 0-3 trước U22 Thái Lan dù chỉ cần một kết quả hòa để có mặt ở bán kết. Bị loại ngay ở vòng bảng, U22 Việt Nam lại bị chỉ trích bởi những nguyên nhân xưa cũ như yếu thể lực, yếu tâm lý và hay mắc sai lầm cá nhân. Trong một năm thi đấu rất thành công ở các vòng loại châu Á, thất bại của U22 Việt Nam là nốt trầm lạc lõng, đủ sức lấn át những nốt thăng còn lại.

u22-vietnam4-1503616528275 3

 U22 Việt Nam sớm bị loại ở SEA Games 29.

Vận hạn thủ môn

Năm 2017 xứng đáng trở thành năm đen đủi với các thủ môn Việt Nam. Phí Minh Long mắc sai lầm tai hại trong thất bại trước U22 Thái Lan ở SEA Games 29, Y Êli Niê khiến U18 Việt Nam dừng bước ngay ở vòng bảng giải khu vực với kịch bản không tưởng, Bùi Tiến Dũng đấm bóng hụt trong trận gặp U22 Hàn Quốc, hay thủ thành Đặng Văn Lâm dính chấn thương sau sự cố với trợ lý Sỹ Mạnh (Hải Phòng). 

Có nhiều cách lý giải sự trồi sụt của các thủ môn Việt Nam, như công tác đào tạo thiếu bài bản (các HLV thủ môn không có bằng cấp đủ tiêu chuẩn), tâm lý kém (căn bệnh mãn tính) hay xu hướng sử dụng cầu thủ trẻ dè dặt của một số đội bóng V-League. Sự xuất hiện của HLV thủ môn Jason Brown được xem như giải pháp hợp lý cho bóng đá Việt Nam vào lúc này.

Hy vọng trong năm 2018, các thủ môn Việt Nam sẽ chơi ổn định và không còn "được" nhắc tên với những lý do chẳng ai mong muốn nữa.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn