Nơi thế giới giành sự sống từ "hỏa ngục"

Thế giớiThứ Sáu, 29/07/2011 04:21:00 +07:00

(VTC News) - Họ đang cố gắng hết sức để đấu tranh để giành lấy sự sống từ địa ngục này, mà không cần phải ngửa tay đi ăn xin. Nhưng tất cả dường như quá sức...

(VTC News) - Những người tị nạn Somalia đã buộc phải trốn chạy khỏi cảnh hạn hán và sống lay lắt trong các trại bên kia biên giới ở Ethiopia.

Hàng nghìn người Somalia đã chạy trốn hạn hán, nạn đói và chiến tranh để tới trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Kenya, khiến các trại tị nạn ở đây chật cứng người. Khoảng 65.000 người đã buộc phải tự giải quyết chỗ ở cho mình trong các hộp các tông hay các thùng nhựa ở bên ngoài trại.

 

Phát ngôn viên Emmanuel Nyabera của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã nói với tờ AlertNet: "Vào cuối ngày hôm nay (28/7), chúng tôi sẽ di dời khoảng 3.000 người vượt quá số lượng cho phép ra khỏi khu vực này. Chúng tôi đã sử dụng lều tạm như một biện pháp khẩn cấp lúc này. Sau đó, có thể chúng tôi sẽ thay lều bằng những ngôi nhà tạm".

Dòng người tị nạn Somalia 

Chính phủ Kenya đã mở trại Dadaab – chiếc trại được thiết kế cho khoảng 90.000 người tị nạn vào năm 1991 như một giải pháp tạm thời để giải quyết cuộc nội chiến ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, giờ đây, nơi này đã trở thành nhà của nhiều người tị nạn.

Phục hồi mau chóng về sức khỏe dường như là việc quá xa lạ với những người tị nạn này khi mà họ đã phải đi khắp sa mạc từ Somalia tới Dolo Ado, chỉ thông qua khu vực biên giới Ethiopia.




Dolo Ado là khu vực nằm ở góc đông nam của Ethiopia, cách vùng biên giới với Kenya khoảng 40 km về phía bắc và cách Somalia khoảng 5 km. Nắng rát, dù ở trong bóng râm thì nhiệt độ cũng phải lên tới trên 40 độ C.

Tại khu vực trung tâm quá cảnh ở Dolo Ado, về lý thuyết, những người tị nạn sẽ được cung cấp những bữa ăn nhanh, lều bạt, một vài chiếc nồi để nấu ăn cùng một cơ hội để nghỉ ngơi và phục hồi sau hành trình đi bộ xuyên qua sa mạc của mình. Từ đây, họ sẽ di chuyển tới nhiều trại đã được cắm dọc theo con đường hiểm trở tới Addis Ababa.




Liên Hợp Quốc đã thừa nhận rằng thật khó để giải quyết nơi ăn chốn ở với lượng người khổng lồ như vậy. Chỉ tính riêng tại trung tâm quá cảnh này đã có tới 14.000 người “nhồi nhét” trong một không gian mà theo như dự tính ban đầu chỉ dành cho khoảng 1/10 con số đó.

Trong khi đó, dòng người mới vẫn đều đều đổ đến, trung bình hơn 2.000 người mỗi ngày trong suốt vài tuần nay. Tình trạng thiếu lương thực giờ được xem là một “căn bệnh mãn tính”.

 


Những túp lều tồi tàn, rách rưới đã được dựng lên cho những người tị nạn trú qua ngày. Liên Hợp Quốc đã thừa nhận họ đã không chuẩn bị kĩ các biện pháp để đối phó với làn sóng khổng lồ những người tị nạn trước khi cuộc khủng hoảng này nổ ra.

Thực phẩm tiếp tế đến từ Addis Ababa, nhưng do đường xá quá xa xôi – tới hàng nghìn cây số - nên các xe tải phải mất tới 3 ngày mới có thể hoàn thành hành trình của mình. Trong khoảng thời gian chờ đợi tiếp tế đó, các nhà chức trách cần suy tính để tạo ra một đường dây hỗ trợ cho khoảng 120.000 người dọc 4 tiểu trại ở Dolo Ado.





Những người tị nạn chỉ tới các trang trại này khi vật nuôi cuối cùng trong nhà họ cũng không thể tồn tại được do nắng nóng gay gắt hoặc khi họ đã cạn kiệt lương thực, ăn tới túi ngô cuối cùng và chẳng còn bất cứ lựa chọn nào khác. Đối với người Somalia, hạn hán là điều quá đỗi quen thuộc, họ đã chuẩn bị tươm tất để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, việc đối phó với thảm hoạ vừa qua được xem là “quá sức” với hàng triệu người dân nơi đây.

Người Somalia đang cố gắng hết sức để đấu tranh để giành lấy sự sống từ địa ngục này, mà không cần phải ngửa tay đi ăn xin; dù trong số họ, chẳng ai muốn sống tại một trại tị nạn đông đúc, bon chen, bụi bẩn và gió có thể thổi bay như thế này cả.

Minh Quân(theo Aljazeera, Reuters)


Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011
nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn



Bình luận
vtcnews.vn