Nỗi ám ảnh xe đạp điện: Ngang nhiên đầu trần, lạng lách trước bốt CSGT

Thời sựThứ Ba, 12/05/2015 11:32:00 +07:00

Nhiều nam sinh, nữ sinh điều khiển xe đạp điện ngang nhiên đầu trần, lạng lách trước bốt cảnh sát giao thông như chốn vô pháp luật giữa thủ đô.

(VTC News) – Nhiều nam sinh, nữ sinh điều khiển xe đạp điện ngang nhiên đầu trần, lạng lách trước bốt cảnh sát giao thông như chốn vô pháp luật giữa thủ đô.

Vô tư đầu trần đi qua mặt CSGT

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải chấp hành luật lệ, quy tắc an toàn giao thông và cũng bị xử phạt vi phạm hành chính như xe gắn máy.

Nhưng trên thực tế, rất ít các trường hợp xe đạp điện vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý. Trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, Công an TP Hà Nội đã thực hiện một số đợt ra quân xử lý xe đạp điện vi phạm, đặc biệt là lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Một cô gái điều khiển xe máy điện phóng vù vù trên đường Phạm Hùng

Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân, tình trạng người đi xe đạp điện, xe máy điện vẫn hiên ngang vi phạm trên đường như chốn vô pháp luật.

Chiều 11/5, phóng viên VTC News đã có cuộc khảo sát quanh một số tuyến phố Hà Nội như Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Trường Chinh...

Chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ đi qua các con phố này, chúng tôi đã bắt gặp gần 40 trường hợp đi xe đạp điện, xe máy điện trên đường không đội mũ bảo hiểm.

>>>Nỗi ám ảnh từ những cú tạt đầu ô tô kinh hoàng của xe đạp điện

Lúc 17h30 cùng ngày, tại cổng một trường THPT lớn trên đường Hoàng Minh Giám, 2 học sinh treo mũ bảo hiểm lên phía trước tay lái, vô tư đầu trần lái xe đạp điện hướng về phía ngã tư Hoàng Minh Giám – Trần Duy Hưng.

Tại ngã tư này luôn có lực lượng CSGT túc trực nhưng hai học sinh nói trên vẫn vô tư phóng qua ngã tư, ngay gần vị trí chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông.

Hai học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm vô tư hướng về ngã tư luôn có lực lượng CSGT chốt trực.

Trao đổi với chúng tôi, một học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm cho biết, trong trường học cũng được các thầy cô tuyên truyền về luật giao thông, nhưng khi ra đường thấy nhiều bạn đi xe đạp điện không đội mũ nên cũng quên...không đội.

“CSGT chẳng mấy khi bắt học sinh đi xe đạp điện cả. Chính vì thế mà các em không sợ và vô tư phạm luật. Nếu CSGT cũng xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm của người lái xe đạp điện, xe máy điện như xe máy thông thường thì tôi nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn, người ta sẽ sợ mà chấp hành”, một người dân bán hàng tại khu vực đường Khuất Duy Tiến chia sẻ.

Đi xe đạp điện cũng phải có giấy chứng nhận

Trao đổi với PV VTC News, Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân thủ đô ưu tú năm 2012, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, số lượng xe đạp điện, xe máy điện đã gia tăng nhanh chóng, lứa tuổi sử dụng xe đạp điện hiện nay phần lớn là học sinh.

Theo ông Đoàn, một trong những nguyên tắc cơ bản là khi tham gia giao thông, người tham gia phải được học và hiểu biết pháp luật, đặc biệt là đối với các loại xe có tốc độ cao.

Sau khi phanh gấp để tránh va chạm, người phụ nữ mặc áo xanh ngán ngẩm nhìn theo nữ sinh điều khiển xe đạp điện. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Trãi.

"Tuy nhiên, học sinh cấp 1, cấp 2 thì chưa đến tuổi học và được cấp giấy phép lái xe. Luật pháp nước ta hiện nay cũng chưa giới hạn về độ tuổi được điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.

 

Xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ khá cao. Vì thế, đi các loại xe này cũng cần phải có kỹ năng, cần phải hiểu biết về luật pháp. Nếu học sinh không hiểu biết về các loại biển cấm, không biết đâu là đường ngược chiều, đường cao tốc... mà cứ đi vào thì rất nguy hiểm.
Thượng tá Lê Đức Đoàn
 
Nhiều phụ huynh cứ thấy xe đạp điện thuận tiện nên mua cho con em họ sử dụng. Bây giờ ra đường, chúng ta thấy rất nhiều trẻ em mới 11 – 12 tuổi cũng đi các loại xe này.

Rất nhiều người đi xe đạp không đội mũ bảo hiểm. Không chỉ vậy, họ còn kẹp 3 phóng vù vù, vượt đèn đỏ... Điều này gây mất an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người điều khiển xe đạp điện và cả những người tham gia giao thông xung quanh”, ông Đoàn nói.

Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, các cơ quan chức năng hiện nay cần thiết phải xem xét tới việc giới hạn độ tuổi được đi xe đạp điện. Bên cạnh đó, cũng cần phải có quy định bắt buộc người đi xe đạp điện, xe máy điện phải tham gia một khóa đào tạo về luật lệ an toàn giao thông.

“Thứ nhất, cần phải yêu cầu bắt buộc đăng ký với cả xe đạp điện để quản lý. Thứ 2, cần xem xét giới hạn đến một độ tuổi nào đó thì công dân mới được đi xe đạp điện. Cứ để trẻ em cũng được điều khiển phương tiện này là rất nguy hiểm.

Thứ 3, việc yêu cầu người điều khiển các loại xe dưới 50 phân khối, trong đó có xe đạp, xe máy điện phải có giấy phép lái xe là chưa cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cần phải mở các lớp đào tạo kỹ năng, luật lệ an toàn giao thông cho người điều khiển các loại phương tiện này.
Vô tư đèo ba người, đầu trần phóng xe trên đường. 

Trước khi được điều khiển xe máy điện, xe đạp điện thì nên bắt buộc người dân, đặc biệt là giới trẻ phải tham gia và được cấp một giấy chứng nhận từ các khóa đào tạo này.

Xe đạp điện, xe máy điện có tốc độ khá cao. Vì thế, đi các loại xe này cũng cần phải có kỹ năng, cần phải hiểu biết về luật pháp. Nếu học sinh không hiểu biết về các loại biển cấm, không biết đâu là đường ngược chiều, đường cao tốc... mà cứ đi vào thì rất nguy hiểm”, ông Đoàn đề xuất ý kiến.

>>>Nỗi ám ảnh từ những cú tạt đầu ô tô kinh hoàng của xe đạp điện

Trước câu hỏi vì sao người đi xe đạp điện vi phạm hiện nay rất hiếm khi bị CSGT xử lý, ông Đoàn nói:

“Điều này cũng có phần đúng. Nhưng thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý đối với người điều khiển loại phương tiện này. Trước đây, CSGT đã xử lý thì nay cần phải kiên quyết hơn nữa với người đi xe đạp điện có hành vi vi phạm.

Video: Hai cô gái bị ngã vì vừa đi vừa đứng trên xe máy điện

Tuy nhiên, để người đi xe đạp điện tuân thủ luật lệ an toàn giao thông thì không chỉ có trách nhiệm của lực lượng CSGT. Nhà trường, báo chí, các tổ chức xã hội cần phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của mọi người.

Đường xá có tốt, cảnh sát có nghiêm nhưng người dân thiếu ý thức thì vi phạm khó có thể chấm dứt. Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra là do người tham gia giao thông vi phạm luật lệ như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, say bia rượu...”

Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn