Những game hay nhưng thua lỗ về tài chính năm 2011

Thế giới gameThứ Năm, 29/12/2011 12:00:00 +07:00

Không phải bao giờ “mới” cũng đồng nghĩa với “thành công” về mặt tài chính và sau đây là những cái tên như thế.

2011 chứng kiến sự vững mạnh của nhiều thương hiệu cũ và cả sự trỗi dậy của không ít tên tuổi mới. Bằng cách đưa đến các nhân tố sáng tạo mới mẻ, nhiều sản phẩm thực sự đã đổi gió cho thị trường game vốn đang dần bão hòa với những “ông lớn” có phần già nua. Tuy nhiên, không phải bao giờ “mới” cũng đồng nghĩa với “thành công” về mặt tài chính, và sau đây là những cái tên như thế:
 
Bulletstorm
 
 
Nếu được chọn, xin đề cử đây là tựa game FPS “đáng chơi” nhất trong năm 2011. Đáng chơi bởi những điều mà Bulletstorm đem lại khiến cho bất kỳ ai ham mê dòng game FPS đều phải gật gù tán thưởng.
 
Sản phẩm của People can fly chứa đựng đầy đủ những yếu tố: hài hước, gay cấn, đồ họa bắt mắt, gameplay sáng tạo với phong cách bắn phá điên cuồng, đặc biệt hệ thống skillshot rất dễ gây nghiện. Chí ít khi chơi Bulletstorm, bạn sẽ không bao giờ có cảm giác “lại” Battlefield, “lại” Call of duty, hay “lại” Halo,…
 
 
Tuy vậy, cho dù có đến 300,000 bản bán được sau tháng đầu tiên, Epic Games vẫn phải ngậm ngùi công bố Bulletstorm không nằm trong diện “có lãi”. Một điều vô cùng đáng tiếc, bởi đây là tựa game hiếm hoi nổi bật đến từ các nhà phát triển độc lập thứ ba. Đáng buồn hơn, khả năng lớn phần tiếp theo sẽ khó có cơ hội xuất hiện.
 
Shadow of the Damned
 
 
Một anh chàng ngổ ngáo người Mexico với giọng tiếng Anh khó có thể lẫn vào đâu được, một chiếc đầu lâu lửa có khả năng hóa thành đủ các loại vũ khí, một cuộc hành trình vào địa ngục để cứu người yêu, chỉ cần một trong số ba điều kể trên đã đủ để tạo nên một game hấp dẫn. Shadow of the Damnedcó đủ cả ba.
 
Được thiết kế bởi một trong những nhà phát triển “điên rồ” nhất giới làm game: Suda 51, tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba này sẽ khiến chúng ta tạm quên đi Gears of War. Hơn thế nữa, EA đích thân đỡ đầu dự án nên thật đáng ngạc nhiên khi Shadow of the damned thất bại thảm hại về mặt tài chính khi chỉ bán được 24,000 bản trên cả Xbox360 và PS3 cộng lại.
 
 
Suda nói rằng ông sẽ tiếp tục phát triển phần tiếp theo nếu như có “đủ” người yêu thích sản phẩm của ông. Tuy rằng khái niệm “đủ” là rất tương đối nhưng con số 24,000 trong thị trường game hiện nay đồng nghĩa với “Không”.
 
Child of Eden
 
Child of Eden cho phép bạn vừa bắn, vừa hành động, vừa nghe nhạc. Đi kèm với Kinect, đây có thể là tựa game lôi cuốn nhất sử dụng bộ phận điều khiển cảm ứng của Microsoft trong năm nay. Mặc dù gameplay không quá hấp dẫn do chỉ đơn thuần là bắn, bắn, và bắn nhưng bù lại, phong cách đồ họa bắt mắt độc đáo, âm nhạc dễ chịu kèm với một cô gái xinh xắn lơ lửng phía sau, Child of Edenđủ để khiến người chơi phải múa may trước màn hình cả ngày.
 
 
Nhưng cho dù vậy, danh tiếng của Tetsuya Mizughuchi cùng Rez cũng chỉ giúp cho Child of Edenbán được 34,000 bản riêng trên Xbox360. Khó mà có tương lai tốt đẹp cho thương hiệu này, tia sáng lẻ loi nằm ở việc Ubisoft “dự định” đưa Child of Eden thành cái tên lớn hơn trên Kinect. Nhưng mỗi hãng game lớn hàng năm có khi có đến cả tá “dự định” như thế.
 
Brink
 
 
Bethesda rất “mát tay” trong việc phát hành game. Và con số 401,000 bản dành cho Brink trên PS3 và Xbox360 trong tháng đầu tiên cho thấy điều đó. Đây là một tựa game đáng chú ý trong năm nay khi đem đến cho dòng game FPS hệ thống SMART (Smooth Movement Across Random Terrain – Di chuyển mượt mà qua mọi địa hình) gần giống với Parkour ngoài đời.
 
Hệ thống này khiến cho phần chơi mạng của Brink đặc biệt đáng chú ý, khi đem đến những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt về phần di chuyển so với phần lớn các game FPS hiện nay.
 
 
Phần chơi đơn thì lại ngược lại, quá mờ nhạt, rời rạc và thiếu chiều sâu. Và tuy bán được 401,000 bản trong tháng đầu nhưng đây là con số không thuyết phục đối với một sản phẩm được đầu tư nhiều đến như vậy, kể cả về vấn đề thiết kễ lẫn kế hoạch marketing. Tương lai đối với Brink thì vẫn tương đối khả quan, bởi Splash Damage từng phát biểu trong một vài năm trước rằng họ có một kế hoạch lớn dành cho Brink 2 và 3, thời gian cụ thể thì hiện tại chúng ta chưa thể biết được.
 
Homefront
 
Tưởng chừng như khi ra mắt, Homefront sẽ bị đánh giá là “cái bóng” của Call of Duty nhưng những gì tựa game này đem lại đã khiến rất nhiều người phải nghĩ lại. Xây dựng hình ảnh một nước Mỹ hoang tàn rất thuyết phục, cùng những trường đoạn không thua kém các bộ phim chiến tranh, và thậm chí là không thua kém cả Call of Duty, Homefront xứng đáng có được những lời khen ngợi từ những fan FPS khó tính nhất.
 
 
Trò chơi này bán được hơn một triệu bản, một con số ấn tượng. Nhưng số tiền đầu tư vào thì lại hơn rất nhiều, hệ quả là studio Kaos bị đóng cửa vĩnh viễn. May thay, Homefront vẫn tiếp tục được phát triển trong tương lai. Hai cái tên thay thế cho studio Kaos là THQ Montreal và Crytek. Nếu như giữ được chất, hai nhà phát triển thuộc hàng “thứ dữ” này hoàn toàn có thể khiến Homefront trở thành một thương hiệu lớn.

(Theo GenK)
Bình luận
vtcnews.vn