Những cơ hội lớn mà Internet mang lại cho nền kinh tế Việt Nam

Chuyển đổi sốThứ Năm, 23/11/2023 16:03:00 +07:00
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định chuyển đổi số là cơ hội lịch sử, mở ra thời kỳ phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà nền tảng là sáng tạo số.

Đất nước muốn tăng trưởng nhanh hơn thì cần không gian mới, không gian mới là kinh tế số. Không gian mới muốn to hơn thì cần động lực mới, động lực mới là sáng tạo số. Vậy Internet đang ở đâu trong quá trình phát triển này?” - đó là câu hỏi được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đặt ra trong phần phát biểu khai mạc sự kiện Internet Day 2023 diễn ra ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số, bất kể hình thức nào, đều được xây dựng trên Internet và do đó Internet luôn cần rộng hơn, nhanh hơn, bền vững hơn và an toàn hơn để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại sự kiện Internet Day 2023.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại sự kiện Internet Day 2023.

26 năm kể từ khi hòa vào mạng Internet toàn cầu (19/11/1997-19/11/2023), Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 79,1%. Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%.

Quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.

Đây rõ ràng là cơ hội to lớn mà Internet đã và đang mang lại cho sự phát triển của Việt Nam. Triển vọng phát triển to lớn này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore”, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hạ tầng Internet nói chung của Việt Nam còn hạn chế so với quy mô người dùng Internet và dân số: chỉ có 5 tuyến cáp quang biển; số lượng và quy mô các trung tâm dữ liệu còn rất khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia; điện toán đám mây thì về cơ bản là bán lại dịch vụ cho các nền tảng nước ngoài; hệ sinh thái kết nối Internet còn nhỏ bé và đơn giản so với các nước tiên tiến trong ASEAN.

Mặc dù vậy, xét ở khía cạnh khác, sự thiếu thốn hạ tầng sẽ là cơ hội vì còn nhiều không gian để phát triển hạ tầng Internet Việt Nam.

Thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân chung tay tổ chức sự kiện nhiều ý nghĩa và giá trị cho cộng đồng Internet Việt Nam suốt 11 năm qua.

Với sự kiện Internet Day, Thứ trưởng hi vọng sẽ mang đến một diễn đàn uy tín, cổ vũ và thúc đẩy cho sự phát triển của Internet tại Việt Nam, tạo ra cơ hội để cùng nhau thảo luận việc thực hiện định hướng và đưa ra các giải pháp triển khai để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Bộ TT&TT đã đề ra.

Thứ trưởng Phạm Đức Long tham gia trải nghiệm các dịch vụ công nghệ số tại Internet Day 2023.

Thứ trưởng Phạm Đức Long tham gia trải nghiệm các dịch vụ công nghệ số tại Internet Day 2023.

Những con số biết nói về sự phát triển viễn thông, Internet trong 5 năm qua:

- Số thuê bao băng rộng cố định tăng từ 13 triệu lên 22,5 triệu, tăng hơn 72%

- Số thuê bao băng rộng di động tăng từ 52,84 triệu lên 84,88 triệu, tăng hơn 60%, chiếm tỷ lệ 85,4% dân số

- Lưu lượng dữ liệu sử dụng/thuê bao băng rộng di động hàng tháng tăng từ 2,9G lên 12,2G, tăng gấp 4,2 lần

- Băng thông quốc tế tăng từ 7,6 Gbps lên 13,4 Gbps, tăng hơn 76%

- Hạ tầng băng rộng đã phủ sóng tới 99,8% dân số; 21,4 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 78,3% số hộ gia đình

- Có 78,6 triệu người Việt sử dụng Internet, chiếm 79,1% dân số

- Internet Việt Nam được chuyển đổi sang thế hệ mới hoạt động với IPv6 với tỷ lệ ứng dụng IPv6 đạt 60%, đứng thứ 9 thế giới

- Hệ thống phân giải tên miền (DNS) quốc gia đi đầu, nước đầu tiên trong khu vực ứng dụng tiêu chuẩn  quốc tế DNSSEC để đảm bảo an toàn, tin cậy cho tên miền, hệ thống DNS và các dịch vụ trực tuyến trên Internet. Đến nay đã có hơn 600.000 tên miền quốc gia .VN được đăng ký và sử dụng, góp phần đưa người dân, các tổ chức, doanh nghiệp lên môi trường số

- Trạm trung chuyển Internet quốc gia được xây dựng và phát triển theo mô hình chuẩn mực quốc tế, kết nối các nền tảng số và hỗ trợ dự phòng kết nối khi các dường Internet quốc tế bị sự cố.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn