Những bệnh nhân “mắc kẹt” tại bệnh viện vùng lũ

Thời sựThứ Sáu, 22/10/2010 02:57:00 +07:00

(VTC News) – Đến chiều ngày 22/10, vẫn còn hàng chục bệnh nhân đang “mắc kẹt” tại tầng 2 bệnh viện huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)...

(VTC News) – Đến chiều ngày 22/10, vẫn còn hàng chục bệnh nhân đang “mắc kẹt” tại tầng 2 bệnh viện huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)...

Lấy bệnh viện làm nhà...

Vào lúc 22h30 ngày mùng 9/10 (khi bắt đầu đợt lũ thứ hai tại Hà Tĩnh), chị Nguyễn Thị Hằng (30 tuổi) trở dạ, nước ở sân nhà chị bắt đầu ngập lút tới mắt cá chân, chồng chị và hai người hàng xóm bắt đầu dìu chị đi bộ ra bệnh viện của huyện. Càng đi nước càng dâng cao nhưng không thể dừng lại bởi dừng lại lúc này chắc chắn sẽ có người bị lũ cuốn đi. Rạng sáng ngày hôm sau thì chị Hằng̀ lội được tới bờ, 30 phút sau tới được viện. Chị Hằng hạ sinh một bé gái khi còn chưa đặt tên bởi cả gia đình đang lo chống lũ.

Chị Nguyễn Thị Hằng và con gái mới sinh: Đợt lũ này làm lúa nhà chị mất trắng, trong nhà còn 7 tạ thóc để dành thì cũng đã bị nước làm nẩy mầm hết cả

Lần đầu sinh con mà vất vả, nựng con gái trong tay chị Thanh bảo: “Nỏ (không) hiểu trời mần chi  (làm gì) mà mưa dữ rứa hè”. Theo tập tục của người dân, sau khi đẻ thì phải về nhà “nằm ổ” trong một tháng, nhưng nhà vẫn đang ngập lút nước “có chỗ nằm mô (đâu) mà về”, ở nhà còn một mẹ già 80 tuổi, may có hai người bác ở ngay cạnh đôi khi còn qua chăm sóc.

Ông Trần Văn Thuận (69 tuổi), có 5 người con thì "4 người đã ra cửa nhà (lập gia đình) hết cả, may đau ốm còn có anh út đưa đi, mấy đứa kia cũng không giúp được chi vì không có tiền"

Trong thời điểm cơn lũ diễn ra thì ở đây có tổng số 33 bệnh nhân phải lưu trú tại bệnh viện vì giao thông đường bộ nay biến thành đường thủy. Đi thuyền mộc thì không biết bao giờ mới đến, trong khi ca nô cứu hộ phải ưu tiên phục vụ cho mục đích cứu hộ và phát hàng hỗ trợ người dân.  Thêm nữa ,tình hình nhà cửa của những bệnh nhân này cũng không an toàn cho người bệnh nên họ được bệnh viện cho ở lại.

Đến ngày 22/10̀ đã có 10 bệnh nhân được phép ra về, những người còn lại đều là những bệnh nhân nặng.

Màu da vàng ợt, mắt thâm quầng, anh Bùi Mạnh Toàn (50 tuổi) mắc bệnh tim, một tháng anh vào viện tới 3 lần và nhiều lần “chết đi sống lại”, điều trị xong anh muốn về nhưng chưa về được. Anh không có vợ, chỉ còn bà mẹ già 76 tuổi sống nuôi nhau nhờ vào việc làm nông, nhưng giờ lúa coi như mất trắng, mấy con gà chắc cũng trôi ra sông...

Nước lũ vẫn còn rút rất chậm

Theo ông Võ Công Hàm (Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ), tính đến 13h ngày 21/10/2010, mực nước đo được tại trạm Linh Cảm (sông La) là 5,48m, trên mức báo động 2 là 0,02m, hiện nay nước lũ vẫn còn rất chậm. Điều này đồng nghĩa với việc những người dân thuộc những xã ngoài đê của huyện sẽ phải kẹt lại tại tầng 2 bệnh viện thêm một thời gian nữa.

Ông Lữ (bên trái) may được dân quân "trổ nóc lôi ra" khi lên cơn bệnh, ông Tường (phải) sống với vợ bị tai biến đang được anh con trai chăm sóc ở vùng ngoài đê

Hiện huyện Đức Thọ có tổng số 27 trạm y tế và 1 bệnh viện. Chị Hòa (trưởng Phòng Y tế huyện) cho biết một số trạm y tế vẫn đang phải điều trị bệnh nhân trên tầng 2 của trạm do tầng 1 vẫn bị ngập nước. Anh Bích (trưởng Trạm y tế xã Đức Đồng) cho biết, các bác sĩ ở đây vẫn trực 24/24 để tiếp bệnh nhân, những bệnh nhân nào bị bệnh nặng, nguy hiểm sẽ có ca nô để chuyển lên viện tuyến trên. Ngoài xã Đức Đồng thì các trạm y tế xã Đức Châu, Đức Lạc… cũng nằm trong tình trạng tương tự.

Nước vẫn còn rút chậm tại những xã ngoài đê của huyện Đức Thọ

Giám đốc Bệnh viện huyện Đức Thọ là ông Trần Thư nói, tại bệnh viện huyện đang có 165 bệnh nhân điều trị, trong đó có 20 bệnh nhân và người nhà ở vùng ngoài đê được bệnh viện cung cấp thức ăn và chỗ ở miễn phí.

Ông Nguyễn Lữ (xã Đức Lạc) là bệnh nhân điều trị nội trú may mắn được “dân quân, người nhà cậy ngói đưa đi cấp cứu vì căn bệnh viêm phế quản, thần kinh não” xác nhận rằng ở bệnh viện ông được ăn ngày 2 bữa và rất nhớ nhà. Thứ 2 tuần sau ông sẽ vê nhà dù biết hiện tại thì ở nhà ông đang ngập ngang nhà.

Cường Cao

Bình luận
vtcnews.vn