Nhóm giáo viên giành giải nhất thi Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa

Câu chuyện xanhThứ Tư, 13/12/2023 15:57:00 +07:00
(VTC News) -

Nhóm giáo viên Quảng Bình giành giải nhất cuộc thi Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa do Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Ngày 13/12, Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa cho 6 đội đạt giải cao nhất.

Với tác phẩm “Tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo giúp nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa, hướng tới tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” nhóm Trường học xanh do cô Lê Thị Hảo, Giáo viên trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình làm trưởng nhóm đã đạt giải nhất.

Hai giải nhì được trao cho "Dự án chuỗi triển lãm Reborn Décor" của nhóm tác giả đến từ TP.HCM và "Túi nilon - không đáng sợ" của đoàn Hà Nội.

Ba giải ba bao gồm: Bê tông nhựa xanh (Green Asphatlt Concrete) của Công ty cổ phần Lagom Việt Nam – TP.HCM; Ảnh hưởng của dịch chiết là trà xanh (Camellia sinensis) đến chất lượng tôm sú (Penaeus monodon) trong điều kiện bảo quản lạnh của Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ và Thành phố nhựa tái chế Plaslantic của tác giả Hoàng Anh Trung – TP.HCM.

Cô Lê Thị Hảo, giáo viên trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thay mặt nhóm nhận giải.

Cô Lê Thị Hảo, giáo viên trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thay mặt nhóm nhận giải.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cuộc thi "Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa" là hoạt động nằm trong Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam".

Các ý tưởng sáng tạo và mô hình hay về tiêu dùng xanh thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các sản phẩm nhựa dùng một lần, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và khám phá những giải pháp thân thiện với môi trường.

Từ đó tạo thành tựu có giá trị và là nguồn cảm hứng cho cả cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia, góp phần xây dựng một tương lai bền vững, môi trường trong lành và cơ hội phát triển tốt đẹp cho đất nước. 

Ban Tổ chức không chỉ khuyến khích, mà còn đánh giá cao những ý tưởng và sáng kiến góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ sự phát triển bền vững của đất nước. Những ý tưởng khả thi sẽ được lưu trữ trong thư viện "Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa".

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu.

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu.

TS Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam chia sẻ, trước tình trạng đáng báo động về “ô nhiễm trắng”, Việt Nam đã nhanh chóng có nhiều chính sách, hành động để ứng phó.

Trong đó phải kể đến Quyết định 1746/QĐ-Ttg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Trong đó có Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (Dự án) do WWF-VN tài trợ; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thay mặt Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì Dự án.

Mục tiêu của Dự án là "Góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa trên biển tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến rác thải nhựa và các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để giảm thiểu rác thải nhựa, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia nêu trên.

Từ năm 2020 đến nay, thông qua nhiều hoạt động trong khuôn khổ Dự án đặc biệt là các chiến dịch truyền thông tăng cường nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa và giảm thiểu rác thải nhựa từ trung ương đến địa phương, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng WWF-VN đã phối hợp để hỗ trợ được 9 địa phương xây dựng được các kế hoạch hành động giảm nhựa, truyền thông điệp cùng chung tay giảm nhựa, hiểu biết hơn về nhựa tới hàng triệu cá nhân để mỗi người chủ động thay đổi hành vi và đồng hành cùng chính phủ trong cuộc chiến lâu dài và khó khăn này.

Để tiếp tục tạo nên sự chuyển biến tích cực trong phong trào chống rác thải nhựa, việc thúc đẩy tiêu dùng xanh được coi là giải pháp mang tính căn cơ, bền vững. Tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam. 

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn