Nhịn có… Nhục?

Tổng hợpThứ Ba, 29/05/2012 01:30:00 +07:00

Người ta nói rất nhiều về sự nhường nhịn trong cuộc sống hàng ngày. Nhường nhịn hiểu nôm na là sự thông cảm và chấp nhận nhau.

Người ta nói rất nhiều về sự nhường nhịn trong cuộc sống hàng ngày. Nhường nhịn hiểu nôm na là sự thông cảm và chấp nhận nhau. Nhưng liệu Nhịn có phải là Nhục?


 
 

Nhịn sếp

 

Thượng đế của bạn ở công sở là ai? Tất nhiên, đó là sếp. Sếp có vị thế riêng, lời nói của sếp luôn có giá trị (bởi thế mà trong tất cả cuộc họp, lời của sếp luôn được thư ký cẩn thận ghi chép đầy đủ). Sếp có rất nhiều quyền năng nữa nhưng quan trọng hơn, sếp là người trang trải các khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình bạn. Một điều quan trọng không kém, đó là sếp rất ít khi… nhận mình sai. Một cơ quan nọ có ông sếp nổi tiếng là độc đoán và phũ mồm. Bị phê bình khắt khe, nhân viên A liên tục phân tích, lập luận, “phản pháo”, tất nhiên là mang tính xây dựng. Sếp ậm ừ lắng nghe, ria mép giật liên hồi. Nhân viên B cũng bị mắng xa xả vào mặt, tức muốn lòi ruột ra nhưng vẫn gật đầu chăm chú lắng nghe như nuốt lời sếp. Xong, gãi đầu gãi tai xin nhận trách nhiệm, xin lỗi, xin hứa, xin đủ thứ. Sếp cũng ậm ừ nhưng nhếch mép có vẻ hài lòng. Nghe đâu sau đó, nhân viên B được sếp giao cho dự án ngon lắm, anh A thì đì đẹt, bình quân mỗi tháng bị chửi hai lần. Thế mới biết, một khi sếp có việc gì đó không đúng hay nóng giận hơi quá mức, chúng ta cũng chịu khó bỏ qua. Vì có phản ứng thì cũng biết kết quả như thế nào rồi. Đối đầu với sếp như trứng chọi với đá chỉ có thiệt thôi chứ đời nào có lợi. Vì thời cuộc, phải biết nhịn một chút.

Thôi thì nhịn, nhịn không phải nhục mà nhịn để tốt cho tương lai của mình.

 

Nhịn đồng nghiệp

Có vẻ cáu giận nơi công sở thời nay đã được che đậy, được ghìm nén, nhẫn nhịn đi rất nhiều. Cơ quan tôi có một chị, mà hễ có tranh luận thì y như rằng chị ấy… thắng. Thắng vì chả ai thèm chấp. Thắng vì chả ai muốn “dây với hủi”. Thắng vì chị ấy có chiêu “cả vú lấp miệng em”, lúc nào cũng xồn xồn như đánh nhau đến nơi. Đồng nghiệp tránh đụng độ chỗ quan trường, sếp cũng cố mà nhịn cho xong việc. Thôi thì email nội bộ cứ phang tới tấp cả vào ngày nghỉ.

Xét cho cùng, đồng nghiệp là những người mà chúng ta phải đối mặt thường xuyên trong công ty hay một tổ chức. Vì thế, thay vì sống theo bản năng, hãy đối xử thật khôn ngoan với những người này. Không ai bảo bạn phải là người luôn rộng lượng, nhường nhịn và hi sinh bản thân mình để giúp đồng nghiệp nhưng hãy làm hết khả năng để đối xử với những người khác một cách thân thiện, lịch sự và tôn trọng. Hãy “đối xử với mọi người như cách bạn muốn họ đối xử với mình”. Luôn kiểm soát tình cảm và những cơn phẫn nộ tức giận của bạn bằng cách nghĩ trước khi nói và hành động. Chỉ cần nóng giận mà buông một lời bình luận hoặc lời nói thiếu suy nghĩ cũng có thể gây ra các hậu quả rất nghiêm trọng mà bạn không thể dự đoán trước được.

Nhịn ở đây cũng không phải nhục, mà nhịn tốt cho công việc của mình.


 
 

Nhịn khách hàng

Nửa đêm, nữ nhân viên trực tổng đài của một công ty chuyên về game  nhận được cuộc gọi từ khách hàng có nội dung sau: ““Em có biết ngoài kia trời đang mưa không. Nỗi nhớ em cứ cồn cào trong trái tim anh. Em ơi, biết nói làm sao để em hiểu rằng anh yêu em nhiều như thế nào?”, giọng nam trong máy điện thoại cứ liên tục lặp đi lặp lại những câu “sến chảy nước” như vậy. Đây không phải là lần đầu cô rơi vào tình huống “trời trồng” này, càng không phải là người duy nhất bị làm phiền bởi những khách hàng “bệnh hoạn” kiểu như thế. Nhẹ thì người ta gọi đến buôn chuyện, hỏi cách sử dụng… lò vi sóng, cách chọn mua quả thanh long, thậm chí hỏi số điện thoại gọi pizza tại nhà… Nặng thì tán tỉnh, ăn nói khiêu dâm, khủng bố tinh thần, quát tháo, chửi bới vì một lý do rất “trời ơi đất hỡi”. Trên đây cũng chỉ là một ví dụ nhỏ về mối quan hệ giữa bạn và khách hàng. Hiện nay, bất kỳ một ngành nghề một tổ chức nào cũng cần tới dịch vụ. Và người để có thể đánh giá được chất lượng dịch vụ của công ty chúng ta tốt hay chưa tốt thì không ai khác, chính là khách hàng. Khách hàng là những người không phải luôn đúng nhưng chẳng bao giờ chịu nhận mình sai. Họ ý thức được mình là “thượng đế” và họ tận dụng triệt để quyền năng của mình. Cãi nhau, đôi co với họ? Bạn có nguy cơ bị giảm lương hoặc mất việc. Vậy tốt nhất hãy nhịn.

Nhịn ở đây cũng không phải là nhục, nhịn là để đảm bảo chất lượng dịch vụ mà bạn hoặc công ty bạn đang làm, cũng là gián tiếp đảm bảo đồng tiền bát gạo cho gia đình bạn.

 

Nhịn bạn đời

Nhiều người phàn nàn là “càng nhịn chồng, chồng càng coi thường”. Thế mới nói, nhịn chồng cũng phải có kỹ thuật. Mới yêu thì cái gì cũng đẹp, cái khó là khi về sống với nhau. Bất đồng là chuyện thường tình. Nhưng phải cố gắng sao cho mâu thuẫn nhỏ không trở thành lớn, mỗi người đều phải tiết chế cái tôi của mình. Đàn ông là giống bảo thủ, biết sai sờ sờ nhưng vẫn khăng khăng mình đúng. Lúc đó đàn bà không nên đôi co ngay mà để lựa khi vợ chồng đang chuyện trò vui vẻ, hẵng thủ thỉ góp ý với chồng. Ông cha ta đã dạy “Cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”, thế nhà mới yên. Chứ mồm năm miệng mười, ai cũng quyết ăn thua thì sớm muộn cũng ra tòa. Các nhà tâm lý đều cho rằng, trong nhà mà đàn bà ít lời thì khả năng hạnh phúc sẽ nhiều hơn.

Nói đến đức hi sinh và nhường nhịn, mọi người đều nghĩ ngay đến phụ nữ, như một thuộc tính đặc trưng không ai thay thế được. Nhưng nhiều người đàn ông cho rằng, nói về sự nhường nhịn, có lẽ chẳng ai qua nổi các ông. Nhất là trong các cuộc “xung đột” và hàng ngày phải chịu đựng sự cằn nhằn kinh niên của các bà vợ thì đức tính này lại càng được khẳng định chắc chắn thêm nữa. Trong nhiều trường hợp, các ông chồng nghĩ “im lặng là vàng” và họ thường rút lui khỏi cuộc chiến về ngôn ngữ. Bởi đúng là các ông thường không có kinh nghiệm và không đủ vốn từ về những cuộc cãi vã. Thôi thì công bằng mà nói, phụ nữ sinh ra đã vất vả hơn đàn ông, bởi họ có thiên chức làm mẹ, mang nặng đẻ đau, sinh nở và chăm sóc con cái. Bởi vậy, đàn ông phải làm mọi điều có thể để bù đắp cho những mệt nhọc, hy sinh ấy. Đàn ông - dù đóng vai trò chủ lực về kinh tế, làm ra tiền của thì cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm so với những đóng góp cho gia đình của người vợ. Tôn trọng, nhường nhịn, chiều chuộng vợ, làm những điều lãng mạn để cuộc sống sinh động hơn... là cách mà đàn ông nên làm để vun đắp cho tổ ấm đích thực của cuộc đời mình.

Có thể kết luận, nhịn vợ nhịn chồng chẳng đi đâu mà thiệt, nhịn được là tốt cho mình, cho con, cho cả gia đình.

 

Nhịn… người dưng

Người dưng có thể không nấu cơm cho bạn ăn hàng ngày, cũng không chi trả lương cho bạn hàng tháng, nhưng có nhịn người dưng thì bạn mới thấm hết câu nói “một sự nhịn là chín sự lành”. Những cuộc tranh cãi trên các trang mạng cá nhân hay các diễn đàn thường rất khó kết thúc, bởi ai cũng muốn là người… nói câu cuối cùng. Ban đầu chỉ là tranh luận vui, mang tính xây dựng, rồi càng luận lại càng hăng, lời qua tiếng lại, rốt cuộc là mang cả tông ti họ hàng nhau ra mà… luận. Luận trên mạng chưa đã, có khi còn hẹn nhau ra quán cà phê, ra công viên, mang hẳn gậy gộc ra để tiếp tục “luận”… Cái kết thảm thương vẫn nằm nhan nhản trên các mặt báo.

Lên mạng gõ Google “chết vì va chạm giao thông” ra ngay hơn 2,3 triệu kết quả trong vòng 0,29 giây. Chưa xét đến con số cụ thể các vụ thiệt mạng nhưng cũng đủ khiến người ta rùng mình trước đủ các kiểu chết, hết “bị đánh chết”, rồi lại “bị đâm chết”, “bị chém chết”, “bị bắn chết”… chỉ vì va chạm ngoài đường với… người dưng. Thế mới thấy, “nhịn” người dưng quan trọng như thế nào. Cãi sếp: tệ lắm là bị đuổi việc. Đánh vợ: bi đát lắm là tự mình nuôi con. Nhưng đôi co với người dưng, thậm chí chỉ cần quắc mắt lên ở chốn ngoài đường ngoại chợ thì có khi lại mất mạng trong tíc tắc. Vậy nên tuyệt đối phải nhịn, ở nhà nhịn một, ra đường phải nhịn mười.

 Nhịn này không phải là nhục, mà nhịn để bảo toàn mạng sống của mình.

 

Nhịn… chính mình

Đạo Phật đã dạy “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Vậy suy ra, trong tất cả sự nhịn thì “nhịn chính mình” là khó khăn nhất. Con người, ai cũng có cái “Tôi” của mình. Tùy vào tính cách, hoàn cảnh mà cái “Tôi” đó phát triển đến mức nào. Nếu buông xuôi, sống bản năng và không kiểm soát được cái “Tôi” ấy, bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ. Con người, ai cũng có lòng tham - sân - si, muốn hạnh phúc thì phải học cách từ bỏ chúng. Phải biết nhẫn nhịn. Muốn đi chơi nhưng việc chưa xong, phải kìm nén ham muốn lại. Muốn học cao, giàu sang, nhưng thời cơ chưa tới, đều phải đợi chờ. Con người sinh ra có số phận khác nhau. Người đẹp kẻ xấu, người yếu kẻ mạnh, có người không may lại bị tật nguyền. Mỗi người phải tự chấp nhận thực tế của chính mình mà đi lên. Trong cùng một hoàn cảnh, người nhẫn nhịn chịu thương chịu khó, phấn đấu liên tục, có lý tưởng cao đẹp, nghịch cảnh biến thành thiên đường. Người không biết nhẫn nhịn thì nôn nóng đòi hỏi, bất chấp quy luật, đi đâu cũng vấp, nghịch cảnh là địa ngục. Nói tóm lại, nhẫn nhịn khiến con người từ bị động chuyển sang chủ động, từ thế yếu chuyển sang thế mạnh, trong đắng cay nếm được vị ngọt ngào.

Nhịn chính mình là khó nhất, nhưng vinh hoa mang lại cũng rực rỡ nhất.

 

Kết

Vậy, chắc chắn: Nhịn không phải là Nhục. Xưa, Ðức Khổng Tử từng bảo “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” và suy ra rằng việc nhỏ mà chẳng nhịn thì cái mưu lớn ắt phải hư hoại. Phật Thích Ca cũng đã dạy: “Hãy luôn luôn nhẫn nhịn với tất cả, có được thế mới thành công”. Nhiều gia đình Việt Nam ngày nay cũng thường treo chữ Nhẫn trong nhà, như tự răn mình để giữ được hòa khí trong gia đình. Nhịn đi có một sự, đổi lại được những chín sự lành. Nhịn, nên lắm chứ!

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn