Nhìn bóng đá Thái Lan, thấy thương cho bóng đá Việt Nam

Thể thaoThứ Bảy, 17/10/2015 02:29:00 +07:00

(VTC News) - Ở Thái Lan, một trận đấu nghiệp dư cũng có khoảng 1000 khán giả tới sân theo dõi, và bóng đá nước này hiện đang có 121 đội bóng từ bán chuyên cho đ

(VTC News) - Ở Thái Lan, một trận đấu nghiệp dư cũng có khoảng 1000 khán giả tới sân theo dõi, và bóng đá nước này hiện đang có 121 đội bóng từ bán chuyên cho đến chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt Nam không có hệ thống các giải đấu có sự kết nối xuyên suốt từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp với một thể thức, điều lệ nhất quán. Chính điều này đã dẫn tới việc, những nguồn lực dành cho bóng đá như cầu thủ hay tài chính, đều có hạn sử dụng rất ngắn và phải tái đầu tư nhiều lần. 
Để rõ ràng hơn chúng ta tạm lấy hệ thống giải đấu bóng đá Thái Lam làm thước đo chuẩn mực nhất trong cách làm bóng đá cho Việt Nam. Nói "tạm" là bởi ở mức độ từ bán chuyên cho đến chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam hiện tại chỉ có 36 đội bóng ở ba giải V-League (14), Hạng Nhất (8) và Hạng Nhì (14). Con số còn thua Malaysia - 46 đội, Indonesia - 54 và kém xa Thái Lan - 121. 
Trận derby vùng Đông Thái Lan giữa Nakhon Ratchasima và Buriram tại Thai Premier League, thu hút 35 nghìn khán giả tới sân
 Trận derby vùng Đông Thái Lan giữa Nakhon Ratchasima và Buriram tại Thai Premier League 2015, thu hút 35 nghìn khán giả tới sân
Thống kê năm 2015, hệ thống bóng đá "cấp cao" của Thái Lan chia thành 3 cấp độ từ thấp đến cao lần lượt là Thai Premier League (18 đội), Division 1 (20), Regional League Divison 2 (83). Và nền tảng tạo nên sự vững chắc của hệ thống này nằm ở giải Regional League Division 2 có nhiều đội bóng nhất. Vì bản thân Regional League Division 2 cũng là một hệ thống các giải đấu. 
Đi từ thấp đến cao và phân theo khu vực địa lý, Regional League Division 2 có 6 giải đấu gồm: vùng Bangkok (14 đội), vùng phía Bắc (14 đội), vùng phía Nam (10 đội), vùng Trung - Đông (14 đội), vùng Trung - Tây (13 đội), và vùng Đông - Bắc (18 đội). 
Sau mỗi mùa giải Regional League Division 2 ở các vùng, 12 đội mạnh nhất (nhất và nhì mỗi vùng) sẽ tập trung thi đấu tiếp theo thể thức bốc thăm chia bảng, đá vòng tròn tính điểm, để chọn ra 4 đội thăng hạng Division 1. Bốn đội này cũng sẽ thi đấu tranh thứ hạng để phân chia tiền thưởng.
Hai đội bóng mạnh nhất Thái Lan hiện tại là Muangthong hay Buriram đều từng có xuất phát điểm ở Regional League Division 2. Muangthong hồi năm 2007 còn Buriram là năm 2010. 
Chất lượng chuyên môn của Thai Premier League thực sự đã vượt tầm Đông Nam Á
Chất lượng chuyên môn của Thai Premier League đã vượt tầm Đông Nam Á 
Việc chia nhỏ cũng như "hệ thống nằm trong hệ thống" các giải đấu, đã giúp Thái Lan tạo được một môi trường bóng đá rộng khắp cả nước. Đặc biệt là nó không quan trọng vấn đề cấp độ bán chuyên hay chuyên nghiệp, bởi tham gia các hệ thống này có nhiều đội bóng các trường Đại học, Cao đẳng hoặc lò đào tạo bóng đá trẻ tại Thái Lan. Tất nhiên mục tiêu thăng hạng sẽ tùy thuộc vào chiến lược riêng mỗi đội. 
Điều này hoàn toàn khác ở Việt Nam khi nhiều giải đấu bán chuyên, phong trào có điều lệ "cấm các đội bóng sử dụng cầu thủ đã thi đấu ở những giải chuyên nghiệp". Vì thế mới xảy ra rất nhiều trường hợp các cầu thủ đủ sức "đá chuyên" nhưng lại không dám "lên chuyên". Vì "lên chuyên" phải chấp nhận sân chơi bị bó hẹp và tiền lương đá trận sẽ giảm. 
Chú trọng ngoại binh Brazil là một trong những nền tảng giúp Thái Lan duy trì được nền tảng đá kĩ thuật
Chú trọng ngoại binh Brazil giúp Thái Lan duy trì được nền tảng đá kĩ thuật 
Điểm khác biệt giữa bóng đá Thái Lan và Việt Nam còn là sự đầu tư dàn trải từ gốc đến ngọn cho bóng đá. 
Nếu chỉ tính riêng nguồn lực cầu thủ trẻ, với hệ thống các giải đấu và số lượng đội bóng nêu trên, đến cả các sinh viên đá bóng ở Thái còn có số trận thi đấu chính thức trong một năm nhiều hơn một cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam. Nhìn lại bóng đá Việt Nam ở cấp độ trẻ, mỗi năm một "đội U" thi đấu giải chỉ cỡ 5 trận và "đá xong xuôi tất cả lại về".
Bởi thế cho nên mới có chuyện một đội tuyển quân bằng... facebook như U19 Thái Lan cũng có thể hạ giòn giã 6-0 U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á 2015. Hay như chỉ năm 2014, U19 Thái Lan gọi tập trung hơn 60 cầu thủ khác nhau để chuẩn bị cho 4 giải đấu cả giao hữu lẫn chính thức. Trong khi lúc đó, U19 Việt Nam chỉ biết dựa hoàn toàn vào nguồn lực của Học viện HAGL Arsenal JMG - có số lượng chiếm 2/3 trong 28 cầu thủ khác nhau được gọi tập trung. 
Một trận đấu ngay trong khuôn viên trường Đại học, thuộc giải Regional League Division 2 ở Thái Lan
 Một trận đấu ngay trong khuôn viên trường Đại học, thuộc giải Regional League Division 2 ở Thái Lan
Bóng đá Việt Nam cần làm gì để phát triển? Câu hỏi này chắc chắn sẽ không có câu trả lời nếu chúng ta cứ mãi gặm nhắm những yếu kém, mãi đặt ra những vấn đề, mục tiêu mà chẳng hề thực hiện. 
"Lời nói gió bay". Rất nhiều lần bóng đá Việt Nam hô hào mạnh mẽ chuyện học tập theo mô hình bóng đá Nhật Bản - có hệ thống các giải đấu tốt hơn nhiều Thái Lan, với 204 đội bóng bán chuyên, chuyên nghiệp thi đấu ở 6 cấp độ. Thậm chí là đã mời chuyên gia Nhật Bản đến làm việc tại Việt Nam. 
Năm 2007, bóng đá Thái Lan mời những chuyên gia Ngoại hạng Anh sang để cải tổ lại Thai Premier League. Và sau 7 năm, họ đã có một giải VĐQG là hiện tượng tại châu Á ở chuyên môn lẫn sức hút. 

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn