Nhiều người tham gia tẩy chay trên mạng, mấy ai biết tẩy chay sao cho văn minh

Tản mạnThứ Tư, 16/06/2021 11:00:00 +07:00

Những người trẻ ngày nay đặc biệt nhiệt tình trong việc tẩy chay, nhưng làm thế nào để tẩy chay cho đúng và văn minh?

Tẩy chay là một nỗ lực thuyết phục một lượng lớn cộng đồng không sử dụng một sản phẩm, nhãn hàng/không ủng hộ một cá nhân hoặc doanh nghiệp cụ thể. 

Tẩy chay thực hiện hai điều chính. Đầu tiên, nó tạo ra nhiều dư luận tiêu cực chống lại doanh nghiệp/cá nhân bị tẩy chay. Thứ hai, do kết quả của sự công khai tiêu cực này, nó đe dọa lợi nhuận, kinh tế của đối tượng bị tẩy chay. Một cuộc tẩy chay được xem thành công khi thuyết phục một người hoặc tập thể thay đổi chính sách hoặc một điều gì đó nhất định.

Nhiều người tham gia tẩy chay trên mạng, mấy ai biết tẩy chay sao cho văn minh - 1

(Ảnh: The Hollywood Reporter)

Thời gian gần đây chúng ta chứng kiến nhiều cuộc tẩy chay của cộng đồng mạng Việt, trải dài từ nhãn hàng thời trang và đến các nhân vật trong giới giải trí. Bên cạnh sự ủng hộ đông đảo của dân mạng, ta vẫn thấy được không ít tranh cãi dấy lên đằng sau những cuộc tẩy chay ấy. Suy cho cùng, động thái “cạch mặt” của công chúng dành cho những tổ chức/cá nhân mắc lỗi là điều chẳng có gì sai. 

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn điều tồn đọng sau mỗi “trận chiến” mạng, đó là những trăn trở về cách tẩy chay văn minh, tẩy chay sao cho đúng. Vậy làm thế nào để làm được điều này?

Nhiều người tham gia tẩy chay trên mạng, mấy ai biết tẩy chay sao cho văn minh - 2

(Ảnh: @Loelee)

Tẩy chay, theo một nghĩa rất thực tế, là một hành động “chiến tranh”. Bạn đang tấn công "kẻ thù" - nơi mà nó dễ bị tổn thương nhất. Và vì vậy, trước khi bạn quyết định bước vào một cuộc tẩy chay nào đó, hãy xem đây là biện pháp cuối cùng - khi các bước nhẹ nhàng hơn sẽ không hiệu quả. Cho dù người bạn muốn tẩy chay là một nhãn hàng lớn, một người nghệ sĩ nổi tiếng hay chỉ đơn thuần là một đối tượng bình thường, cố gắng đối thoại cùng nhau để tìm ra tiếng nói chung nên là bước đầu tiên.

Tẩy chay bằng lý trí

Trước khi buông lời phán xét ai, bạn hãy có cái nhìn công tâm để đánh giá sự việc. Hãy đảm bảo chắc chắn rằng đối tượng/tổ chức mà bạn đang hướng đến việc tẩy chay là đúng. 

Nhiều người tham gia tẩy chay trên mạng, mấy ai biết tẩy chay sao cho văn minh - 3

(Ảnh: Ello)

Đừng a dua

Đừng vì những bình luận được nhiều lượt thích; vì thói cuồng ngôn vị kỷ núp bóng sau bàn phím mà kêu gọi tấn công người khác bằng từ ngữ xấu xí; nuôi dưỡng lòng căm ghét, gieo những điều tiêu cực. Cũng đừng ảo tưởng tôn vinh chỉ qua vài câu triết lý sáo rỗng mà đánh tráo khái niệm yêu, ghét và thù hận. Tẩy chay chỉ vì a dua; không phân biệt phải trái thì chẳng khác nào con dao găm giết chết ý chí một người.

Trung thực

Không ai cấm việc tỏ thái độ yêu - ghét, tuy nhiên, đừng để việc tỏ thái độ tẩy chay trở thành trò “ném đá hội đồng”; đừng đưa ra lời phát ngôn thiếu căn cứ, mang tính vu khống, xúc phạm người khác. Hoạt động tẩy chay cần phải dựa trên nền tảng văn hóa và không trái với các quy định của pháp luật.

Nhiều người tham gia tẩy chay trên mạng, mấy ai biết tẩy chay sao cho văn minh - 4

(Ảnh: Trendland)

Đừng lạc hướng

Có rất nhiều bạn trẻ cũng bởi vì tẩy chay theo hình thức a dua nên ý nghĩa của việc tẩy chay vì vậy mà bị méo mó đi. Mục đích thực sự của hoạt động tẩy chay là nhằm giúp doanh nghiệp/cá nhân hiểu ra sức mạnh của dư luận để tự điều chỉnh hành động của mình. Nhưng có không ít hoạt động tẩy chay hiện nay khiến người ta nghĩ nhiều hơn tới việc bôi nhọ, “bắt nạt” trên mạng xã hội. Hãy luôn nhớ ý nghĩa thực sự của nó, tẩy chay văn minh chứ không phải bắt nạt. 

Cersei(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn