Nhân phẩm và phục hồi nhân phẩm

Tổng hợpThứ Tư, 27/06/2012 11:40:00 +07:00

Nhân phẩm là phẩm chất giá trị con người còn được gọi là Phẩm giá, một khái niệm vô hình.

      1.Nhân cách, đạo đức, danh dự của một con người gọi chung là “Nhân phẩm”. Nhân phẩm là phẩm chất giá trị con người còn được gọi là Phẩm giá, một khái niệm vô hình. Trong khi Nhân cách là tư cách và phẩm chất con người; thì Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Và Danh dự, là sự coi trọng dư luận xã hội dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp.

 

      Vậy con người khi để thiếu Nhân cách, vô Đạo đức và mất Danh dự, có nghĩa là con người ấy đã không còn  Nhân phẩm.

      2.Khái niệm về Nhân phẩm rộng, có liên quan tới nhân cách, đạo đức, danh dự của con người thuộc mọi thứ hạng trong xã hội ta đang sống, mà sao hơn chục năm nay rất ồn ã chỉ nói tới Nhân phẩm của gái bán dâm và bắt họ cần phục hồi nhân phẩm trong các nơi được gọi là “Trại”. Có điều gì đó thiếu công bằng xã hội về quyền con người.

      Sinh hoạt tình dục có các dạng: trong hôn nhân, ngoài hôn nhân (đồng thuận và cưỡng bức), và ngoài hôn nhân nữa có mua có bán.

      Tình dục trong hôn nhân là tất yếu của cuộc sống gia đình.

      Tình dục ngoài hôn nhân, nếu đồng thuận là có tình yêu. Nếu cưỡng bức là mắc tội hiếp dâm.

      Tình dục loại có mua có bán bị pháp luật không cho phép. Mà nếu mua bán dâm có tổ chức tội nặng hơn. Hoạt động mua bán dâm có nhiều dạng nhằm trốn tránh pháp luật: Mua bán dâm theo đường dây “Gái gọi”. Ngụy trang dưới các quán bar - cafe, quán bia nhậu, quán cắt tóc gội đầu massage. Cao cấp hơn là theo tour du lịch. Có chăn dắt tiếp thị và mặc cả. Chúng thuộc loại “kinh doanh” tình dục. Ngành công an dùng thuật ngữ “phá”, “chặt đứt” một ổ mại dâm, một đường dây môi giới mại dâm hoặc gái gọi.

      Có lẽ bán dâm là loại “tội thấp hèn” chăng, mấtnhân cách nhất chăng mà người đời khinh bỉ cho là mất nhân phẩm cần được phục hồi nhân phẩm? Ngay từ ngày xưa thì tội này phải xử lăng trì, cạo đầu bôi vôi đóng bè chuối thả trôi sông hoặc ném đá hội đồng. Đó là luật tục phương Đông và thế giới Hồi giáo. Nhưng những kẻ hành xử họ lại chính là những kẻ đã mua dâm họ hoặc dùng quyền hành cưỡng dâm họ. Như một gái bán dâm trả lời trước tòa trong tiểu thuyết Phục sinh: “Em làm nghề gì thì anh Chánh án cũng biết rồi đấy!” Luật pháp không chừa một điều nào bảo vệ họ.

      Trong ngành tư pháp có thuật ngữ “Tâm lý phạm tội”. Có người lười lao động chọn bán dâm kiếm tiền nhàn hạ bằng thân xác mình không cần vốn liếng. Có người bán dâm vì nhà nghèo cha mẹ ốm đau không tiền thang thuốc. Có người bán dâm vì gặp người tình lừa đảo như “Sở Khanh”. Có người như hoa hậu người mẫu “bán dâm nghìn đô” lại vì động cơ muốn bằng chị bằng em có “xe sang nhà lầu” khi có đủ rồi thì sẽ thôi.

      Tác phẩm văn học “Truyện Kiều” Nguyễn Du dựng một cô Kiều bán mình vào lầu xanh chuộc cha, để rồi khi tái hồi Kim Trọng vẫn được chàng coi nàng là trinh trắng như tình yêu ban đầu xưa. Nhà văn bạn tôi có truyện ngắn “Lắng nghe ca –ve nói” giải phẫu tâm lý phạm tội của một ca – ve nhẹ dạ mang thai với một gã lừa tình. Được tác giả giúp đỡ và cô dành dụm đủ tiền để mua một chiếc máy may “Ba con bướm” mong trở về phố thị quê cô hoàn lương. Nhưng chưa kịp lại bị một gã lừa tình tiếp theo cuỗm sạch số tiền ấy. Cô bị bắt đi trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Ra trại. Cô không thể hoàn lương vì hai mẹ con không thể sống chay bằng lương thiện. Phải nhắm mắt trở lại quán Karaoke Chiều Tím theo đuổi cái nghề mà cô biết xã hội đang miệt thị. Cái kết của truyện thật lý thú. Khi Tổng Biên tập duyệt đăng, đã vỗ đùi đét một cái mắng tác giả “Ngu ơi là ngu lại đi nghe ca – ve nói!” Cứ như là ông từng bị ca – ve lừa. Một xã hội không còn niềm tin ở nhau: “Không nghe ca – ve nói. Không nghe con nghiện trình bày”. Thế thì biết sống ra sao? Chẳng lẽ xã hội không chút cảm thông chỉ một mực dồn người ta đến đường cùng?

 

      Dư luận xã hội và báo chí vừa qua có phần quá đà phê phán tới mức nhục mạ gái bán dâm. Đánh cho người ta ngã xuống, đạp tiếp cho ngất xỉu để mãi mãi không đứng lên được nói chi tới phục hồi nhân phẩm. Nhân vụ “Bán dâm nghìn đô” báo chí còn lục lại hồ sơ những vụ chân dài hoa hậu khác bán dâm mà nay họ đã hoàn lương. Những cụm từ được dùng thật chua chát và cay đắng quá: “Chân thì dài mà đầu thì ngắn”, “Bán trôn nuôi miệng”, “Gái trẻ săn đại gia già”…Cuộc sống dường như không còn nơi nương tựa dẫu có hoàn lương. Họ là phận gái chứ là nam nhi khó tránh khỏi phản hồi hành xử dao búa..

 

       3.Tệ nạn xã hội trên đất nước ta ngày nay đâu chỉ có mại dâm là mất nhân phẩm cần phục hồi nhân phẩm. Tham ô lớn, tham ô vặt, ăn hối lộ, móc ngoặc vụ lợi, mua quan bán chức, cả mua dâm, dùng cường quyền hiếp đáp dân… cũng đang là “vấn nạn” cấp độ trên của “tệ nạn”. Tham lam và nói dối đang được chấn chỉnh trong cán bộ đảng viên được Trung ương ra thành nghị quyết. Đủ biết tầm quan trọng của vấn đề. Nhưng chỉ nói “phẩm chất suy thoái”, chứ không nói “mất nhân phẩm” mặc dù nó cũng thuộc phẩm giá con người. Cũng như không nói “mất nhân cách”, mà chỉ nói “vi phạm đạo đức”, mặc dù nó cũng bôi nhọ những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, trà đạp lên quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội.

      “Tệ nạn” là ở đâu đó rộng nhất là một vùng. Chứ “vấn nạn” là báo động đỏ đe dọa tới sự bền vững trật tự quốc gia. Lẽ nào “Bán dâm” là loại “Tội thấp hèn” nên mất nhân phẩm cần phục hồi nhân phẩm để “hoàn lương”. Còn “Tham nhũng” là loại “Tội cao sang” không mất nhân phẩm chỉ cần nhắc nhở, phê bình, khiển trách… để “hoàn thiện”?

       4.Nhân phẩm con người là thứ thiêng liêng và quý giá vô cùng không ai được tùy tiện xúc phạm và làm tổn thương nhau. Cũng như mỗi con người phải tự gìn giữ nhân phẩm trước khi mong được người khác tôn trọng. Tuy nhiên con người lại có thói xấu thích phán xét và cho mình quyền phán xét người khác mà không chịu được người khác phán xét mình. Có một bức tranh vui vẽ một người phê phán người khác bằng rìu và búa, còn tự phê bình lại dùng cái chổi lông gà phủi nhẹ tênh.

      Con người đôi khi do hoàn cảnh thôi thúc chưa thể sống bên những đóa hoa hồng mà tạm sống bên những bụi tầm xuân. Nếu mỗi người hiểu được điều đó mới bao dung. Nhưng khi con người chưa hiểu được chính mình thì sao hiểu được người khác. Cũng như chưa tự quản được nhân phẩm của chính mình sao gieo trồng nhân phẩm xanh tươi cho người khác? Cuộc sống trước đây còn có học vấn thực, có sự nghiệp, nói chung còn có lý tưởng để theo đuổi. Giờ thì biết theo đuổi cái gì chứ. Ngoài theo đuổi danh và lợi chẳng còn cái gì khác. Bởi nó đang là hội chứng đa số. Cái tặc lưỡi của người “thiểu số” chân chính rất dễ dấn thân vào “bất chính” đa số mà khoảng cách ấy mỏng manh như một sợi tóc sợi tơ.

      Xin đừng tạo ra con đường cùng đường cụt cho người lầm lỗi. Bởi vì họ lầm mà lỗi. Chứ không phải từ lỗi đến lầm. Tôi không cố gắng dùng cách nhìn phương Tây về phương Đông. Nhưng sẽ không thể tiến bộ nếu cứ sống bằng định kiến.

      Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn