Nhận diện hàng thật, hàng giả trước cao điểm mua sắm Tết 2023

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Sáu, 25/11/2022 10:39:00 +07:00
(VTC News) -

Phòng Trưng bày “Hàng giả, hậu quả thật” được kỳ vọng là một kênh thông tin giúp người tiêu dùng phân biệt, nhận biết các dấu hiệu của hàng thật - hàng giả.

Nâng cao nhận biết hàng thật, hàng giả

Chuẩn bị cho đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 nói chung, ngoài kế hoạch cao điểm chống hàng giả, hàng lậu ban hành, lực lượng QLTT còn đặt trọng tâm vào công tác tuyên truyền phòng, chống hàng giả, tập trung vào các địa bàn trọng tâm, mặt hàng trọng điểm.

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trong thị trường nội địa, lực lượng QLTT còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu", Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết

Nhận diện hàng thật, hàng giả trước cao điểm mua sắm Tết 2023 - 1

Phòng Trưng bày “Hàng giả, hậu quả thật” do Tổng cục QLTT mở cửa.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Tổng cục thường xuyên duy trì mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội để giúp người dân Thủ đô cũng như người tiêu dùng cả nước có thêm các giải pháp để nhận diện, phân biệt hàng thật - hàng giả.

"Tới đây, 62 Tràng Tiền sẽ là địa chỉ “đỏ”, mở cửa thường xuyên cung cấp các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả để giúp người dân nâng cao ý thức tự phòng tránh, đẩy lùi nạn sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng giả; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng", Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.

Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm với chủ đề “Hàng giả, hậu quả thật” lần này được mở cửa từ ngày 25 -30/11/2022, giới thiệu đến người tiêu dùng, khách tham quan những sản phẩm hàng hóa có sức mua cao trong dịp Tết, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như kem đánh răng, mỹ phẩm, nước hoa, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, quần áo...

Các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện. Các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả được trưng bày, giới thiệu tại Phòng Trưng bày đợt này bao gồm giả nhãn mác, giả xuất xứ, giả về chất lượng...

Việc sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi và phức tạp, điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đánh của nhà sản xuất mà ngay cả quyền lợi của người tiêu dùng cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng”, bà Vũ Thị Minh Ngọc, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính chia sẻ.

Nhận diện hàng thật, hàng giả trước cao điểm mua sắm Tết 2023 - 2

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh hướng dẫn khách tham quan cách nhận diện hàng thật, hàng giả.

Chống hàng giả: Cần sự chung tay

Những năm qua, công tác chống hàng giả, hàng nhái luôn được các cơ quan chức năng chú trọng và triển khai rất mạnh tay. Đơn cử, Trung tâm thương mại Saigon Square (TP.HCM) là nơi được mệnh danh là “tụ điểm của hàng giả”, thường xuyên thu hút đông đảo các khách hàng đến mua sắm.
Trong lần truy quét mới đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, hàng ngàn các sản phẩm có dấu hiệu làm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như: Adidas, Nike, Gucci... bị phát hiện và tạm giữ. Ngoài ra, rất nhiều hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được các gian thương lợi dụng dưới hình thức livestream hay bán qua mạng xã hội cũng liên tục bị lực lượng chức năng bóc gỡ.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, với nhiệm vụ được giao, lực lượng QLTT cả nước tăng cường bám sát các địa bàn trọng điểm, lên kế hoạch triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, quan trọng hơn là tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phòng tránh, ngăn ngừa hàng giả, hàng lậu.

"Cùng với việc tuyên truyền, việc duy trì Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm cũng là giải pháp hữu hiệu giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng chống hàng giả, cũng như hỗ trợ người sản xuất từ đó giúp đẩy lùi tệ nạn này”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết.

Song để làm chuyển biến từ gốc, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, thì bên cạnh việc nâng cao năng lực, kiến thức chuyên sâu cho người dân, doanh nghiệp và các cán bộ thực thi nhiệm vụ, cần sớm hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ vào quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhận diện các hành vi vi phạm để xử lý triệt để vấn nạn này.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn