Nhận diện hàng hiệu

Tổng hợpThứ Năm, 23/08/2012 09:16:00 +07:00

Nhu cầu sử dụng, sở thích sưu tập hàng hiệu của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt là giới trẻ.

Nhu cầu sử dụng, sở thích sưu tập hàng hiệu của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt là giới trẻ.

Hàng loạt các thương hiệu lớn về thời trang (quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, mắt kính…), mỹ phẩm, nước hoa đã và đang “đổ quân” vào Việt Nam thông qua nhiều nhà phân phối khác nhau. Hầu hết được bày bán trong những trung tâm thương mại, khách sạn lớn như: Vincom, Diamond, Parkson, Crescent Mall, Rex hotel, Sheraton hotel… Một nhóm khác được bán trong các cửa hàng nhỏ, các chợ, trên các trang mạng với danh nghĩa hàng xách tay. Sắm được hàng hiệu là một niềm vui, nhưng với nhiều người, nếu “tậu” được với giá hời thì niềm vui lại càng nhân cao. Song, không ít người đã phải ngậm ngùi vì đã “ôm” phải hàng fake (nhái).

Nếu bạn là người kém kinh nghiệm, cách tốt nhất để có được hàng hiệu là tìm mua tại các cửa hàng chính hãng, đại lý độc quyền (thông thường được đặt trong các trung tâm thương mại, khách sạn lớn, các siêu thị). Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý vài điểm khi mua: Do được phân phối chính hãng, hợp pháp, nên hàng thật có đầy đủ thông tin xuất xứ, giá cả trên nhãn mác, và tất cả đều có hộp đựng, thẻ bảo hành, sổ hướng dẫn. Bạn cần hỏi kỹ về chế độ bảo hành và trung tâm bảo hành sản phẩm (đối với những mặt hàng có bảo hành).

 Nhận diện đồ hàng hiệu - Ảnh minh họa

Nếu bạn vẫn muốn sở hữu các món hàng hiệu thông qua các kênh khác thì có thể lưu ý thêm phần tư vấn của một số dân chuyên trong nghề như sau:

Thông thường, các nhãn hiệu lớn đều có trang web giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm của mình. Vì vậy, trước tiên bạn hãy ghé thăm “ngôi nhà” ấy để tìm hiểu trước về mẫu mã, bộ sưu tập cùng những thông tin liên quan. Hoặc bạn có thể đến các đại lý độc quyền để… nhận diện sản phẩm. Khi đó, bạn nên quan sát để ghi nhớ một số dấu hiệu phân biệt giữa hàng hiệu và hàng nhái như: logo, nhãn mác, những ký hiệu như mã ngày, số serie, số hiệu, các họa tiết, đường may, font chữ…

Logo hàng thật được in rõ nét, sắc sảo, còn logo hàng nhái thường in mờ và thay đổi vài chi tiết. Vị trí đặt hay màu sắc, đường nét, kích thước của logo hàng hiệu rất nhất quán, không ngẫu hứng và mất cân xứng như logo hàng nhái.

Trên mỗi sản phẩm hàng hiệu thường có những thông số riêng như: mã ngày, số serie, số hiệu model. Những hàng nhái chất lượng thấp thường bỏ trống hoặc chỉ thể hiện một phần những thông số này. Nhưng hàng nhái cao cấp thì có đầy đủ, vì vậy người tiêu dùng sẽ khó nhận biết nếu dựa trên đặc điểm này.
Đường may, các chi tiết khắc, mạ, dập của hàng hiệu rất cầu kỳ, sắc sảo. Thậm chí, trên mỗi hạt nút của hàng hiệu có biểu tượng riêng mà ở hàng nhái không có.

Một người có kinh nghiệm về đồng hồ Rolex chia sẻ cách nhận biết đồng hồ chính hiệu: Kim đồng hồ Rolex chạy rất êm, đến mức ta không cảm nhận được nó đang chạy; khi đưa ra ánh sáng và nhìn nghiêng thấy trên mặt kính có dấu hiệu vương miện Rolex ở vị trí số 6 giờ; thông tin về ngày hiển thị ở vị trí 3 giờ rõ nét; số serie phải khớp với mã bảo hành trên thẻ và được thể hiện trên thành đồng hồ ở vị trí số 6 giờ. Sản phẩm của Lacoste luôn có hình con cá sấu trên nhãn mác với các chi tiết rất rõ, đặc biệt là mắt, răng. Trên hàng nhái, các chi tiết này thường không có.

Mỹ phẩm, nước hoa là những sản phẩm bị nhái khá nhiều. Với công nghệ in ấn hiện đại, công nghệ làm hàng giả tinh vi như hiện nay, bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể phân biệt hàng giả hay thật nếu chỉ nhìn từ vỏ hộp bên ngoài. Vì tác động thẳng lên bề mặt da nên mỹ phẩm, nước hoa giả có thể gây ra những tác hại về mặt thẩm mỹ và sức khỏe cho người dùng. Theo đó, một số hãng đã gắn trên mỗi sản phẩm một mã cào (như thẻ điện thoại). Khi người tiêu dùng mua sản phẩm sẽ cào thẻ in trên sản phẩm để lấy mã số và nhắn tin đến tổng đài thì có thể xác định sản phẩm mua là hàng thật hay hàng nhái.

Người tiêu dùng cũng nên lưu ý về hạn sử dụng của các loại mỹ phẩm được cho là hàng xách tay. Thông thường, mỹ phẩm được mua về để bán lại thường là hàng giá rẻ, giảm giá do cận ngày hết hạn sử dụng. Vì vậy, khi đến tay người tiêu dùng Việt Nam thì các sản phẩm này thường là đã không còn sử dụng được nữa.

Thư Viện Gia Đình
Bình luận
vtcnews.vn