Nhà vệ sinh trường học làm lan rộng bệnh tay chân miệng

Tổng hợpThứ Ba, 22/11/2011 11:24:00 +07:00

Sở dĩ dịch bệnh TCM bùng phát và lan rộng ra cộng đồng hiện nay là do nhiều người dân - đặc biệt là trẻ em - chưa có thói quen...

Sở dĩ dịch bệnh tay chân miệng bùng phát và lan rộng ra cộng đồng hiện nay là do nhiều người dân - đặc biệt là trẻ em - chưa có thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nhưng ngay học sinh ở trường, được đi vệ sinh thoải mái cũng còn khó khăn, nói chi đến có nước và xàphòng mà… rửa tay.
Nhịn tiểu vì sợ nhà vệ sinh
Ngày đầu tiên đi học, cháu Nguyễn Quang Minh (học sinh tiểu học quận Tây Hồ) được mẹ dẫn ra chỉ nhà vệ sinh (NVS) và phòng y tế, để khi cần cháu còn biết chỗ. Sau 3 ngày học bán trú, ngày nào về cháu cũng kêu đau bụng. Hỏi ra, Minh nói nhịn tiểu cả ngày vì NVS khai quá, cháu không dám vào. Mẹ đưa Minh đi bác sĩ, bác sĩ bảo nếu cứ nhịn như thế, cháu sẽ rất dễ bị đau bàng quang. 
Dịch tay chân miệng vẫn đang lan rộng, với 90.190 trường hợp mắc bệnh tại 63 tỉnh, thành phố
đã có 153 trường hợp tử vong. Ảnh: Q.D
 

Họp đầu năm, hóa ra không chỉ mẹ bé Minh mà nhiều phụ huynh khác cũng phản ánh với trường về chuyện “nhỏ” ấy. Cô giáo trình bày cái khó của trường: Không thể bắt học sinh làm. Trường chỉ có một người lao công, không đủ kinh phí thuê thêm người nên không lau dọn xuể. Tuy nhiên, mẹ bé Minh cho hay, sau khi ban phụ huynh có ý kiến như vậy, tình trạng được cải thiện. Như vậy, vấn đề không phải ở kinh phí thuê người, mà là ở ý thức, sự quan tâm của nhà trường đối với nhu cầu tưởng như nhỏ mà lại không nhỏ này. 
Đi vệ sinh… lung tung
Ngay giữa thủ đô, các em học sinh còn không dễ dàng có được NVS sạch sẽ, còn ở các vùng cao, chuyện NVS ở trường học còn đáng bàn hơn nữa. Ngày 19.11, tại hội thảo “Kỷ niệm Ngày quốc tế NVS và giới thiệu một số kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tại VN”, ThS Lê Thị Thanh Xuân - ĐH Y Hà Nội - đã dẫn chứng kết quả nghiên cứu tại 6 trường tiểu học và trung học cơ sở ở Lào Cai. Tại các trường đều có NVS, nhưng chỉ khoảng 15% số học sinh đi tiểu tiện và chỉ 1 - 2% đi đại tiện ở trường. Lý do là ở đó không có nước, nếu có nước cũng không có dụng cụ múc, không giấy vệ sinh, xà phòng. 
Sau ít ngày sử dụng ban đầu, các NVS này đều hạn chế mở, hoặc là khóa cửa hẳn. Vì thế, thói quen của 50% học sinh là... đi vệ sinh lung tung. Bản thân một số thầy - cô giáo cũng không dùng NVS vì nó không sạch. Các em học sinh cho biết, tiểu tiện lung tung được chấp nhận, vì vậy các em không thấy cần thiết phải có NVS. 
Sau khi phát hiện tình trạng này, ThS Xuân đã trình bày lại với nhà trường, đồng thời làm việc với UBND xã/phường nơi đóng các trường học. Các đối tác đều... giật mình vì họ chưa từng nghĩ đến điều đó. Sau đó, các đối tác này đều nhận thấy cần có sự quan tâm hơn. 
Theo thống kê của Cục Môi trường y tế (Bộ Y tế): Hiện tại đã có khoảng 80% số trường học có NVS. Và như một lãnh đạo cục thừa nhận: Có là một chuyện, còn hoạt động hay không là chuyện khác! Từ năm 2000, theo khuyến cáo của Bộ GDĐT, các trường đã bổ sung thêm danh mục NVS trong cơ sở hạ tầng. Nhưng giờ lại nảy sinh vấn đề làm sao duy tu, bảo dưỡng cho hoạt động được. Bộ GDĐT và Bộ Y tế nên có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Nếu lý do là không có kinh phí thì có lẽ khi tính toán ra, các trường sẽ thấy bất ngờ vì chi phí để đảm bảo vệ sinh trong trường học là... quá rẻ.

  

Ở VN, có khoảng 55% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu đạt vệ sinh. Đối với các em học sinh, cũng chỉ có khoảng 10% rửa tay bằng xàphòng sau khi đi vệ sinh. Tình trạng không có nhà tiêu, nhà tiêu không vệ sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng hiện nay lan rộng. (Cục Quản lý môi trường - Bộ Y tế)


Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn